Có nhiều sự việc khiến cho chúng ta tự hỏi rằng: Liệu gia đình của mình có phải là một gia đình cát tường, thịnh phúc hay không?
Để trả lời được câu hỏi này, thì cần phải xem tình cảm của bản thân và những thành viên khác trong gia đình đối với nhau như thế nào.
1. Trăm điều thiện, hiếu đứng đầu
Khổng Tử từng nói: “Khí lão nhi thủ ấu, gia chi bất tường”, ý nói rằng, nhà nào bỏ bê người già mà chỉ quan tâm chăm sóc người trẻ thì nhà đó có điềm không tốt.
Xã hội hiện nay không mấy chú trọng đạo hiếu, người già không được con cháu chăm sóc phụng dưỡng, phần lớn đều phải sống những ngày tháng cuối đời tại viện dưỡng lão. Còn trẻ nhỏ thì được chăm chút, nuông chiều quá mức, trở thành những ‘tiểu hoàng đế’, ‘vương tử’, ‘vương tôn’.
Một gia đình không có hiếu đạo, không tôn kính người già, nhất định gia đình đó sẽ lụn bại, đó chính là “gia chi bất tường”.
Một người cho dù làm chức to đến đâu, giàu đến mấy, nếu không coi trọng hiếu đạo, thì tiền đồ sớm đổ, gia đình sớm suy tàn. Bởi vì hiếu là điều đầu tiên của thiện lương, bắt nguồn từ tình yêu thương, là lòng biết ơn đối với công lao dưỡng dục sinh thành. Một người biết ơn đức sinh thành của cha mẹ, sẽ biết yêu thương cha mẹ, từ đó mới có thể đi yêu thương người khác. Một người không hiểu được hai chữ yêu thương, ngay cả cha mẹ mình cũng không biết tôn kính, thì nhất định sẽ không thể thiện lương với người khác. Người như vậy làm sao có thể hạnh phúc? Làm sao còn có thể có tương lai?
Tình yêu thương cũng bắt nguồn từ hiếu, hiếu là gốc rễ, là đức hạnh căn bản của một người. Vậy nên mới có câu: “Trong trăm loại thiện, hiếu đứng đầu”.
2. Kính lão, yêu lão, tôn lão là một trong những đức quan trọng nhất trong truyền thống của người xưa
Truyền thống này được lưu truyền từ thời nhà Hạ, qua nhà Thương, đến nhà Chu mấy nghìn năm, cho đến xã hội ngày nay còn được mấy ai làm tốt đức này? Chúng ta cần hiểu rằng, người già trước đây đã dùng sức khỏe và trí lực để xây dựng nên gia đình, đóng góp cho xã hội, vì vậy nếu không tôn trọng người già thì chính là kẻ vong ân bội nghĩa.
Không có ông bà, làm sao có con cháu?
Không có người già cố gắng, thì làm sao có thành tựu của ngày nay?
Hơn nữa, người già đã trải qua biết bao năm tháng cuộc đời, kinh qua biết bao sóng gió, tích lũy biết bao kinh nghiệm, trí tuệ nhân sinh, đó chẳng phải là cả một gia tài quý báu sao? Cho nên, chỉ khi chúng ta tôn trọng những người già thì chúng ta mới có thể được kế thừa những trí tuệ đó.
Người già sống lâu là nhờ phúc báo, không lý nào một người có nhiều phúc báo, được khỏe mạnh sống lâu như vậy lại không được kính trọng?
Người xưa thường ví gia đình như một cây đại thụ, ông bà là gốc rễ, cha mẹ là cành lá, con cháu chính là trái cây. Có chăm sóc gốc rễ thì cành lá mới xanh tốt khỏe mạnh, mới cho hoa trái ngọt lành.
3. Đối với người già cần nhiều quan tâm chăm sóc, đối với trẻ nhỏ cần phải nghiêm cẩn giáo dục
Muốn có trái cây căng mọng dinh dưỡng, thì chăm bón màu mỡ cho gốc rễ, muốn trái cây không bị côn trùng phá hoại thì để ý chăm sóc. Con người cũng vậy, đối với người già cần nhiều quan tâm chăm sóc, đối với trẻ nhỏ cần phải nghiêm cẩn giáo dục. Khi cha mẹ thể hiện hành động hiếu đạo với ông bà, tôn kính người già, thì con trẻ cũng sẽ nhìn vào đó mà học tập noi theo, cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất cho con trẻ về phẩm hạnh.
Trong một gia đình, cha mẹ đối với ông bà tròn chữ hiếu, từ đó con trẻ cũng có thể hiểu được hiếu là gì và có thể hiếu thuận với cha mẹ, đó mới là gia đình hoàn mỹ cát tường.
Hiếu kính và lễ phép với cha mẹ là một trong những biểu hiện của đạo làm con, cũng là đức hạnh quan trọng nhất của một con người. Người có hiếu đạo, nhất định là người thiện lương, sẽ không làm ra những việc trái với đạo đức. Chính vì vậy, một gia đình cát tường, thịnh phúc chính là một gia đình có truyền thống hiếu đạo, tôn kính người già.
Theo soundofhope.org
Minh Phúc biên dịch