Coi trọng chữ tín, giữ chữ tín là tiêu chuẩn đạo đức mà ai cũng cần tuân thủ. Đây là một phẩm chất vô cùng tốt đẹp, là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác, là hình ảnh đại diện của mỗi người.
Nhà văn người Đức – Thomas Mann có cô con gái rất xinh đẹp tên Elektra. Elektra là một cô bé rất thông minh, thân thiện nhưng lại không thành thật và giữ chữ tín.
Một hôm, Thomas Mann thấy con gái phạm lỗi, ông không hề trách mắng, mà chỉ gọi con vào thư phòng của mình và nói chuyện nghiêm túc.
Thomas Mann nghiêm khắc nói: “Con gái, con đã lớn rồi, 7 tuổi là độ tuổi có thể chịu trách nhiệm với lời nói, hành động của mình. Nhưng con xem, con đã làm những gì. Hậu quả của việc nói dối chắc trong lòng con biết rất rõ, nếu ai cũng nói dối như con, vậy thế giới này sẽ trở thành một thế giới đầy rẫy sự giả dối. Và trên đời này sẽ không tồn tại tinh thần trách nhiệm, không có sự tin tưởng, không ai biết lắng nghe nữa. Con cảm thấy cuộc sống như vậy có ý nghĩa không? Bố tin rằng con sẽ hiểu những lời bố nói và sau này sẽ không nói dối nữa”.
Nghe bố nói vậy, Elektra xấu hổ gật đầu. Từ đó về sau, cô bé nghiêm túc thay đổi thói quen xấu ấy. Sau nhiều năm, Elektra vẫn ghi nhớ rõ những lời dạy bảo chân thành của cha.
Từ khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ nên cho trẻ biết tầm quan trọng của việc giữ chữ tín, đồng thời hình thành cho trẻ những thói quen trung thực từ việc nhỏ nhất. Người Do Thái cho rằng, thành tín, trung thực là điều căn bản của con người trong cuộc sống cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Một người có tài giỏi đến đâu, giàu có đến thế nào, nếu không có sự thành tín, anh ta sẽ dần dần mất đi tất cả và khó đạt được thành công.
Coi trọng chữ tín, giữ chữ tín là tiêu chuẩn đạo đức mà ai cũng cần tuân thủ. Đây cũng là một nhân tố quan trọng dẫn tới thành công. Bởi vậy nên ông cha ta mới có câu răn dạy con cháu rằng: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy định hướng cho con phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Cha mẹ có thể thông qua các phương diện sau để hình thành phẩm chất thành tín cho con:
Tôn trọng lời hứa, nói lời giữ lời
Tống Khánh Linh ngay từ khi còn nhỏ đã được giáo dục trở thành một người luôn biết giữ lời hứa. Một lần, cha mẹ bà muốn đưa cả nhà tới thăm gia đình một người bạn. Những đứa trẻ đã chuẩn bị quần áo rất tươm tất, chỉ riêng có Tống Khánh Linh vẫn đang ngồi trước cây dương cầm, không ngừng đánh đàn.
Người mẹ gọi: “Mau đi thôi các con!”
Tống Khánh Linh miễn cưỡng đứng lên, nhưng lại nhanh chóng ngồi xuống. Người mẹ vội hỏi: “Con sao thế?”
Tống Khánh Linh lo lắng nói: “Hôm nay con không thể đi cùng bố mẹ được”.
“Tại sao thế?”. Người mẹ hỏi.
“Bố mẹ. Hôm qua con đã hẹn với Tiểu Trân rằng hôm nay bạn ấy sẽ đến nhà mình. Con hứa sẽ dạy Tiểu Trân cắm hoa”. Tống Khánh Linh nói.
“Cha cứ tưởng là có chuyện gì. Lần sau dạy bạn cũng được mà”. Cha nói.
“Không được. Con sợ khi Tiểu Trân tới lại không có ai ở nhà”. Tống Khánh Linh lo lắng.
“Nếu không thì sau khi về con tới nhà Tiểu Trân để giải thích cũng được, xin lỗi bạn ấy, ngày khác dạy bạn ấy cắm hoa cũng không sao mà”. Mẹ gợi ý.
“Không được đâu mẹ. Chẳng phải mẹ vẫn dạy con cần biết giữ lời hứa đó sao. Con đã nhận lời với người khác thì làm sao có thể thất hứa được”. Tống Khánh Linh kiên quyết lắc đầu.
“Mẹ hiểu rồi. Khánh Linh của chúng ta quả là người biết giữ lời!” Mẹ mỉm cười. “Vậy thì để Khánh Linh ở nhà vậy!”. Thế là, cha mẹ cùng các chị em khác tới nhà người bạn.
Sau khi cha mẹ trở về, vẫn thấy Khánh Linh ở nhà một mình. “Khánh Linh, Tiểu Trân đâu rồi?”. Cha hỏi.
Tiểu Trân không đến, có thể lúc chuẩn bị đi thì lại có việc”. Khánh Linh bình thản đáp.
Mẹ nói: “Tiểu Trân không đến à? Vậy Khánh Linh của chúng ta đã phải ở nhà một mình rồi”.
Tống Khánh Linh đáp: “Không đâu mẹ ạ. Mặc dù, Tiểu Trân không đến nhưng con rất vui, vì con đã giữ được lời hứa của mình”.
Giữ lời hứa là hành động thực hiện lời nói của mình với người khác. Lời hứa có thể biểu đạt trực tiếp bằng lời hoặc tự hứa trong lòng. Cho dù là bằng hình thức nào, khi đã nói ra hoặc khi đã quyết định, bạn cần tôn trọng lời hứa đó và kiên trì thực hiện đến cùng. Bởi vậy nên, giữ chữ tín là một phẩm chất vô cùng tốt đẹp, là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác, là hình ảnh đại diện của mỗi người.
Bất kể chúng ta làm việc gì, trong hoàn cảnh nào thì cũng cần phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã nói. Chúng ta cần dùng hành động để thuyết phục người khác, để họ thấy rằng những gì chúng ta làm đều là vì lợi ích của họ. Để giữ chữ tín, chúng ta có thể từ bỏ tất cả những việc khác để thực hiện lời hứa của mình.
Để bước đầu giúp con xây dựng sự thành tín trong các mối quan hệ, cha mẹ nói với con rằng, con không nên đến muộn trong cuộc hẹn. Nếu không thể đi được, con hãy thông báo trước cho đối phương để hủy cuộc hẹn. Cha mẹ hãy để con nhận thức được rằng, nếu một người nào đó không tuân thủ lời hứa, người đó sẽ không được người khác tin tưởng và không ai muốn làm bạn cùng. Cho dù làm bất cứ việc gì, nếu chỉ dựa vào năng lực bản thân thì rất khó thành công. Vì thế, thành tín chính là phẩm chất cơ bản để con người tiến tới thành công.
Trung thực, không nói dối
Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm.
Từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ kể lại thành thật những chuyện xảy ra, không nói dối, không giấu giếm, để rèn luyện phẩm chất thành tín. Không nói dối chính là bước đầu tiên xây dựng sự thành tín cho trẻ. Do vậy, việc rèn luyện đức tính thành thật cho trẻ từ nhỏ là rất quan trọng.
Từ nhỏ, cha mẹ hãy định hướng để trẻ nhận thức được tầm quan trọng của sự thành thật. Đức tính thành tín cùng với trí tuệ sẽ giúp trẻ vượt qua mọi khó khăn để đạt được vị thế đáng ngưỡng mộ trong tương lai.
Hòa mình vào cuộc sống hiện đại, thành tín vẫn luôn là phẩm chất đạo đức và chuẩn mực làm việc của người thành công. Vì tương lai của con, các bậc cha mẹ đừng quên gieo mầm thành tín để con gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên đường đời.
Hồng Ân