Kiên nhẫn là một trong những đức tính quan trọng giúp con nên người cha mẹ cần dạy con ngay từ nhỏ. Để trẻ phát triển và hoàn thiện nhân cách luôn là một quá trình phức tạp, trải qua nhiều thử thách và đòi hỏi cha mẹ phải đặt dụng tâm. Những gợi ý dưới đây có thể giúp bạn phát triển tính kiên nhẫn và khả năng tự kiểm soát cho trẻ, mà không nhàm chán, cũng không cần phải đau đầu nghĩ “kế sách”.
Cổ nhân có câu:“Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Người nhẫn nhịn thường kín đáo, trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng.
Lão Tử nói: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Phật giáo giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”. Khổng Tử cũng nói rằng: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”, hay: “Bậc quân tử không có tranh giành”. Tất cả đều giảng về Đạo “Nhẫn”.
Cha mẹ nên hiểu rằng kiên nhẫn là một đức tính cần thiết, vô cùng quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc của trẻ sau này. Sự kiên trì, nhẫn nại được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện lâu dài không dễ gì có được. Nếu kịp thời hướng dẫn, dạy trẻ tính kiên nhẫn sẽ giúp bé ngày càng hoàn thiện nhân cách và phát triển tốt hơn cho tương lai về sau. Đứa trẻ có tính kiên nhẫn sẽ học được nhiều bài học giá trị trong cuộc sống và thành công hơn.
Dạy con đức tính kiên nhẫn cũng là dạy con cách tôn trọng người khác, tập trung vào bản thân và học cách hiểu mình – hiểu người, biết suy nghĩ không chỉ dựa trên quan điểm của mình mà còn của người khác, đồng cảm hơn, thấu hiểu hơn.
Trở thành một tấm gương tốt cho trẻ noi theo
Các bậc phụ huynh thường chủ quan cho là trẻ chỉ làm theo những gì được người lớn dạy bảo. Nhưng trên thực tế cho thấy, trẻ em luôn quan sát cử chỉ, hành động,… của ba mẹ mỗi ngày và học theo. Vì trẻ chưa phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu nên đòi hỏi các bậc phụ huynh phải rất tâm lý và lấy chính cách hành xử của mình trong cuộc sống làm bài học dạy con.
Trong quá trình phát triển trẻ đều quan sát mọi hành động, cử chỉ, lời nói của cha mẹ và học theo. Con sẽ học theo cách bạn giữ bình tĩnh và xử lý tình huống trong những lúc khó khăn. Do đó, trước mặt con, đừng ngại ngần nói rõ cảm xúc và cách giải quyết của mình. Khi thật sự chán nản hay bực bội, thay vì la hét hay hành động một cách mất kiểm soát, bạn hãy nói rõ với con: “Mẹ đang rất bực. Mẹ cần hít thở thật sâu để bình tĩnh lại. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mẹ có thể giải quyết được những chuyện này”. Cách nói này khiến cho bé hiểu rằng không khó để trở nên mạnh mẽ và sẽ tìm được nhiều biện pháp để đương đầu với khó khăn.
Tạo những khoảng thời gian để bé học cách chờ đợi
Bạn có thể dạy bé cách chờ đợi thông qua những hoạt động đơn giản hàng ngày. Ví dụ như khi làm đồ ăn cho con, hãy hỏi con nhận xét về đồ ăn như thế nào trước khi bé thưởng thức món ăn đó hoặc khi tìm đồ chơi cho con, hãy nói là “Con đợi nhé, các đồ chơi sắp hiện ra rồi!” hay khi đợi thang máy, xếp hàng mua đồ, chờ tới lượt mình chơi đu quay hay cầu trượt. Hay khi trẻ cảm thấy đói, trẻ thường lập tức đòi ăn, khi khát lập tức đòi uống, muốn chơi lập tức sẽ đòi đồ chơi. Lúc đó, người lớn không nên ngay lập tức đáp ứng nguyện vọng của trẻ mà nên kéo dài một khoảng thời gian nhất định, như vậy có thể rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Giúp con tự chủ trong hành động
Một cách khác để dạy con sự kiên nhẫn đó là mẹ cần giải thích cho trẻ biết khi nào thì con có thể làm việc mình muốn thay vì chỉ nói ‘Không được; Không phải bây giờ’. Ví dụ, khi đang ở siêu thị và con muốn ăn kem. Nếu không thể cho bé ăn kem vào lúc đó thì mẹ hãy nhìn vào mắt trẻ và giải thích rằng: “Bây giờ mẹ con mình cùng chờ thanh toán số hàng này rồi sau đó sẽ đi mua kem cho con nhé”. Chắc chắn bé sẽ vui vẻ và không nỡ từ chối lời đề nghị hấp dẫn từ mẹ.
Dạy trẻ ứng phó với sự chờ đợi
Trẻ em luôn luôn chán chường khi phải chờ đợi cho đến khi xe buýt đến, hay chờ mẹ quay trở lại sau khi mua sắm xong. Kiên nhẫn không có nghĩa là trẻ phải ngồi 1 chỗ chờ đợi và chẳng làm gì hết. Mẹ hãy khuyến khích bé tự tạo cho mình những hoạt động thú vị và có ích trong lúc chờ đợi. Một trong số đó là bạn hãy tạo điều kiện để các con tự mình giải trí bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào có thể để kích thích óc sáng tạo của trẻ. Trí tưởng tượng của trẻ là không biên giới, thêm vào đó, những trò chơi này không cần bất kỳ sự chuẩn bị hoặc các vật dụng đặc biệt nào cả.
Ví dụ, đưa cho trẻ những cuốn sách, truyện tranh hấp dẫn để đọc, hoặc những câu đố toán học thú vị để trẻ tìm ra câu trả lời, kết hợp các trò chơi nho nhỏ ngay trong thời gian chờ. Như vậy trẻ không còn cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi, sự kiên nhẫn đôi khi còn đi kèm với sự độc lập và tự ứng phó mà không quá phụ thuộc vào tình huống ấy.
Ghi nhận cảm giác khi phải chờ đợi của con
Có một điều chắc chắn là không mấy ai thích phải chờ đợi trong thời gian dài ngay cả với người lớn. Khi con phải trải qua sự bực bội, khó chịu vì phải chờ đợi lâu, mẹ hãy giúp con nhận ra cảm xúc ấy và cùng con ghi nhận đúng là chờ đợi thì không ai thích thú hết. Ví dụ, khi xếp hàng dài ở cửa hàng tạp hóa, mẹ có thể nói với con rằng: “Mẹ biết con khá mệt khi phải chờ lâu, việc xếp hàng cũng mất nhiều thời gian, nhưng mẹ rất tự hào vì con đã kiên nhẫn xếp hàng”. Hành động này sẽ giúp nhắc nhở trẻ cảm giác bực bội, mệt mỏi là bình thường, nhưng cách con xử lý và sự kiên nhẫn mới là điều cần đề cao.
Kiên trì là một đức tính tốt và không tự nhiên mà có. Để trẻ biết kiên trì trong cuộc sống nói chung, trong học tập nói riêng cha mẹ phải thường xuyên rèn giũa và kiểm tra giám sát cẩn thận.
Những lời khuyên răn nhẹ nhàng dễ “thấm” vào tâm hồn trẻ để chuyển hóa thành hành động. Nhất định các bậc phụ huynh cần chú ý khi rèn tính kiên trì cho trẻ là đừng vì lý do quá bận rộn trong công việc mà lơ là quên mất việc làm bạn với con, thậm chí có cha mẹ không để ý đến những tiến bộ của con khiến chúng bất mãn mà phủ nhận tất cả những gì mình có được. Điều này vô cùng có hại trong việc bồi dưỡng lòng kiên trì của trẻ.
(Ảnh: Shutterstock).
Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 483: Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn được cái an nhàn để có thể “Nhàn” thực sự