Yêu con, không muốn con sau này sống ăn bám, dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, bố mẹ cần phải học cách ‘buông tay’ càng sớm càng tốt. ‘Buông tay’ để dạy con không có nghĩa là bố mẹ phủi bỏ trách nhiệm của mình, mà ngược lại, hành động này chính là cách thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của con trẻ.

Một cái cây trồng trong nhà kính sẽ chẳng thể nào chịu được nắng mưa, sương gió mặn mòi, phát triển thành đại thụ.

Một đứa trẻ cũng vậy, lớn lên trong sự bao bọc, che chở của cha mẹ khi lớn lên sẽ sống phụ thuộc vào người khác, thiếu mọi kỹ năng sống khiến trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, ngay từ sớm phụ huynh cần cho trẻ học cách đối diện với tất cả mọi chuyện.

Biết ‘buông tay’ mới là những ông bố, bà mẹ thông minh và yêu con sâu sắc. Bởi cha mẹ không thể sống hộ, sống thay cuộc đời của con. Trên con đường trưởng thành, bố mẹ có thể tham gia, góp ý, định hướng và dẫn dắt chứ không phải bao bọc, làm hộ con mọi việc. Chúng ta không nỡ nhìn thấy con khổ nhưng thế giới ngoài kia sẽ khiến chúng rất khổ.

Cha mẹ nào cũng đều nói mình yêu con nhưng hãy thử nghĩ lại xem cách yêu con của mình đã đúng hay chưa? Có khi nào chúng ta đang lợi dụng danh nghĩa của tình yêu mà vượt qua giới hạn của người sinh thành?

Làm cha mẹ, ai cũng muốn dành tất cả tình yêu cho con, cũng biết nuông chiều con sẽ là hại con nhưng có những lúc, chúng ta đi quá giới hạn yêu, chạm tới mức nuông chiều mà không hay.

Dưới đây là những gợi ý giúp bố mẹ ‘buông tay’ để con có cơ hội trưởng thành:

Hình thành cho con thói quen tự phục vụ bản thân

Khi trẻ còn nhỏ, người lớn đặc biệt là ông bà thường hay lo lắng trẻ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… chỉ thiếu là không thể ăn thay cho cháu.

Lại có những bậc phụ huynh thấy con mình ăn vừa bẩn vừa chậm, nhìn con cầm đũa lóng ngóng liền tự tay bón cho con ăn cho nhanh. Cha mẹ đâu biết rằng đang đánh mất cơ hội rèn luyện, tự lập, trưởng thành của con và không để con ý thức, biết trân trọng đồ ăn thức uống.

Khi trẻ không muốn ăn, bố mẹ không cần ép, qua giờ ăn không còn cơm để cho trẻ biết thế nào là đói, vài lần chúng sẽ tự nhận thức được rằng phải ăn đúng giờ. Điều này có ích cho sức khỏe, ý chí, tâm lý của con.

Để trẻ tự buộc dây giày của mình (ảnh: Tin tức online).

Các kỹ năng sống cần thiết yếu kém, trẻ nhút nhát, tự ti về bản thân thì hòa nhập vào cộng đồng trở nên khó khăn hơn. Người làm bố mẹ không nên để tình yêu của mình với con trở thành chướng ngại cản trở sự trưởng thành của trẻ.

Thực ra, không phải trẻ không làm được mà là người lớn không muốn để con thử sức, có không ít trẻ đi mẫu giáo vẫn không có khả năng tự lo cho mình như tự mặc quần áo, tự đi giày hay tự vào nhà vệ sinh… Các bậc phụ huynh đã từng nghĩ, thấy những bạn khác biết làm mà mình không biết làm, liệu trẻ có cảm thấy tự ti?

Vì thế mới nói, nếu bố mẹ ôm đồm bao bọc trẻ càng nhiều, năng lực, kỹ năng sống của trẻ càng kém.

Cho trẻ cơ hội tự lựa chọn và quyết định 

Cha mẹ không nên lúc nào cũng chọn quần áo, đồ chơi, áp đặt sở thích lên trẻ, quyết định thay con thích gì và tặng người khác cái gì. Cha mẹ có thể đưa ra lời khuyên, thảo luận về sự lựa chọn với con, phân tích những mặt phải trái, hậu quả sự việc cho trẻ lựa chọn. Hãy cho con cơ hội chọn những gì con muốn, tất nhiên là trong vòng kiểm soát.

Để con tự đi 

Cha mẹ không cần đi theo con khắp mọi nơi, tùy điều kiện và hoàn cảnh có thể để trẻ tự đi bộ hoặc bắt xe buýt tới trường. Việc đi cùng con giúp người lớn yên tâm hơn nhưng ở độ tuổi nhất định, trẻ hiểu các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cách ứng xử trên đường thì nên để con tự bước.

Ngoài ra, nếu con đi cùng bạn bè, phụ huynh cần để bọn trẻ đi với nhau, thảo luận về bài tập về nhà, đồ chơi mới… trên hành trình đó.

Dạy trẻ kiểm soát cảm xúc, hành vi

Trong giai đoạn phát triển cảm xúc, một số bé có thể thường làm những việc gây tổn thương đến mình như bứt tóc, đập đầu… để gây sự chú ý, để truyền đạt thông tin, hay để đạt được điều gì đó.

Trẻ thường hành xử theo cảm xúc, vừa gào khóc xong có thể tươi cười được luôn. Khi trẻ bắt đầu la hét, nổi cơn thịnh nộ, phụ huynh cần chỉ cho con cách kiểm soát cảm xúc.

Dạy trẻ ghi lại những cảm xúc của mình như vui buồn, giận dữ, sợ hãi. Sau đó nói về sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi. Phân tích cho con hiểu tác hại của cảm xúc tiêu cực gây nên ví dụ như sợ hãi, ghen tị, thất vọng…, trẻ sẽ dần kiểm soát hành vi tốt hơn, loại bỏ và hạn chế những cảm xúc tiêu cực.

Lúc này, bản thân mỗi cha mẹ cũng cần bình tĩnh để có cách ứng xử với trẻ phù hợp. Nếu để mặc trẻ, chúng sẽ quen với cách thức la hét để thể hiện sự bất mãn, không có điểm dừng.

Trẻ la khóc, ăn vạ để thể hiện cảm xúc bản thân (ảnh: The Asianparent Vietnam).

Dạy trẻ tự giác

Trẻ nên học tính kỷ luật, chủ động làm những việc như đánh răng trước khi đi ngủ, cất đồ chơi và làm bài tập về nhà. Phụ huynh chỉ cần theo sát những việc con làm và nhắc nhở khi cần.

Để trẻ tự trả lời

Nếu phụ huynh luôn giúp con trả lời câu hỏi từ người khác, chúng sẽ trở nên nhút nhát và khép kín. Trẻ trở nên ỷ lại, không tự tin vào bản thân mình khi cần tự quyết định vấn đề nào đó, lúc cha mẹ không ở bên cạnh.

Trẻ cũng cần có cơ hội để tự nói về mình. Điều này rất quan trọng trong việc phát triển trí tuệ và kỹ năng giao tiếp. Cha mẹ nên để con học cách trả lời và rèn luyện thành phản ứng tự nhiên.

Ảnh minh hoạ: cara.ed.

Để trẻ được mắc sai lầm

Tất nhiên, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu về các mối nguy hiểm trong cuộc sống, nhưng đôi khi việc mắc các sai lầm cũng giúp trẻ rút ra được kinh nghiệm sống. Điều này rất quan trọng trong tương lai. Mọi sai lầm, vấp ngã, sự thất vọng đều là một phần của cuộc sống.

Dạy trẻ kỹ năng lắng nghe

Việc lắng nghe người khác một cách cẩn thận giúp thể hiện sự tôn trọng với người khác cũng như có thể giải quyết vấn đề, kiềm chế cảm xúc một cách dễ dàng hơn.

Bố mẹ cần phân biệt cho con thấy sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe. Dạy trẻ luôn có suy nghĩ rằng câu chuyện mà người khác đang chia sẻ là quan trọng với bản thân mình, nếu để lọt một chi tiết nào con sẽ cảm thấy hối tiếc, như vậy con sẽ tập cho mình thói quen lắng nghe câu chuyện một cách cẩn thận hơn.

Việc lắng nghe giúp con xử lý tình huống tốt hơn và không dễ dàng cáu gắt khi giao tiếp.

Giúp trẻ xây dựng ý kiến riêng

Trẻ cần có năng lực đánh giá và tư duy phản biện trong mọi tình huống, đồng thời biết cách bày tỏ quan điểm, ý kiến riêng. Nhờ vậy trong tương lại, chúng có thể giữ suy nghĩ của riêng mình và không chịu ảnh hưởng từ tư duy của người khác.

Hướng dẫn con học bài (ảnh: INT/Tin tức online).

Không mãi xem con là “con nít”

Từ năm 3 tuổi, phụ huynh nên cho con tập làm quen với một số công việc đơn giản. Trẻ có thể tự xếp đồ chơi, giúp mẹ lau bàn. Theo thời gian, cha mẹ có thể mở rộng danh sách công việc nhà cho chúng. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển bản thân, siêng năng và kỷ luật hơn. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ biết giúp đỡ và tôn trọng người khác.

Không nên mang tâm lý xem con là “trẻ nít” mà cần đối đãi với con như người đã trưởng thành, tôn trọng con như một thành viên có tiếng nói trong gia đình. Như vậy, con sẽ ngày càng trở nên tự lập, tự tin và bản lĩnh hơn.

Cha mẹ cũng phải là người biết điều tiết cảm xúc của bản thân

Khi sinh ra, trẻ như một trang giấy trắng, tính cách của trẻ không phải tự nhiên hình thành mà trẻ học những bài học đầu tiên về cuộc sống từ bố mẹ, những người thân thiết trong gia đình. Vì vậy, muốn con kiềm chế cảm xúc tốt thì đầu tiên bố mẹ cũng phải thật bình tĩnh và tiết chế ở mọi nơi.

Nếu bạn nổi nóng, con sẽ nghĩ đó là hành vi đúng đắn khi không hài lòng và con sẽ bắt chước như vậy. Ngược lại, khi bạn bình tĩnh và giải quyết tình huống theo hướng tích cực, trẻ sẽ quan sát và học theo. Trẻ giống như chiếc gương phản chiếu tính cách, con người của cha mẹ.

Video xem thêm: Trẻ nghịch ngợm là bình thường, quan trọng là sau đó giáo dục chúng như thế nào

videoinfo__video3.dkn.tv||25e2ac560__