Có câu: “Nuôi con trăm năm, mẹ lo lắng chín mươi chín năm”. Ngay từ phút giây con chào đời, cha mẹ đã lo lắng chăm bẵm cho con từ miếng ăn đến chập chững bước đi.
Đối với các bậc cha mẹ, việc nuôi dạy con cái, mong con trưởng thành hiếu thuận và thành đạt luôn là vấn đề khiến cha mẹ phải lao tâm khổ tứ nhất. Tất cả mọi thứ có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của con cái đều khiến cha mẹ phải bận tâm. Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con cái giỏi giang, thông minh, và vì lý do đó mà họ luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con cái.
Nhưng kỳ thực, yêu thương và quản lý con cái không hẳn phải như vậy. Quan trọng là cha mẹ biết định hướng cho con cái và chỉ cần bạn làm tốt được ba điều dưới đây, con bạn nhất định sẽ thành công:
1. Biết giới hạn và từ chối ý thích của con
Xã hội càng tân tiến, chất lượng sống của con người ngày càng được nâng cao, nhiều bậc cha mẹ khi nuôi dạy con cái thường không tiếc đáp ứng mọi điều kiện tốt nhất cho con. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ chịu khổ trăm bề chỉ để chu cấp cho con, ngay cả khi vượt quá khả năng của mình. Chỉ cần con cái vui vẻ là họ tìm phương nghĩ kế để đáp ứng.
Đây là cách nghĩ sai lầm của các bậc cha mẹ và khiến cho con của bạn dễ dàng có được mọi thứ mà không bỏ công sức nỗ lực để đạt được, lớn lên không tự biết sắp xếp cuộc sống và đương nhiên khó đạt được thành công.
Tôi quen một gia đình mà người chồng là nhân viên ngân hàng, vợ làm quản lý cửa hàng quần áo. Họ chỉ có duy nhất một cậu con trai, hơn nữa lại sinh muộn nên nuông chiều con hết mực, bất kể cậu bé đòi hỏi gì họ cũng đều đáp ứng.
Khi được 6 tuổi, cậu bé nhìn thấy người khác chơi đàn Piano nên hiếu kỳ cũng muốn chơi. Cha mẹ lại tưởng con hứng thú với âm nhạc nên lập tức đi mua đàn về cho con tập, không những vậy còn mời cả giáo viên dạy kèm.
Tuy nhiên đến ngày thứ hai, cậu bé kêu đau tay và nhất quyết không chịu học đàn, cho dù bố mẹ dỗ dành ngon ngọt thế nào đi nữa. Thấy con không thích học nhạc, hai người cũng không miễn cưỡng nữa.
Sau đó không lâu, cậu bé thấy bạn bè chơi ván trượt nên lại đòi cha mẹ cho đi học. Học được một tuần thì cậu bé bị ngã gãy tay. Mấy tháng sau bình phục, nhưng vì lười biếng, lấy lý do nguy hiểm nên cậu bé lại đòi cha mẹ đăng ký học Taekwondo. So với các bạn cùng khoá học đã tập luyện thành thục, thì đến giờ cậu vẫn quẩn quanh ở những động tác căn bản.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang theo bản năng sẵn có, thứ chúng truy cầu chính là vui vẻ, thoả mãn mọi nhu cầu của mình. Nếu cha mẹ nuông chiều, đáp ứng mọi sở thích của con, thay con làm mọi việc, như vậy dần sẽ biến con mình trở nên dựa dẫm, ích kỷ, lười biếng và thiếu bền chí.
Đứa trẻ có tất cả mọi thứ chúng muốn chưa chắc đã hạnh phúc. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm ả màu hồng, có trải qua đau thương mới biết trân quý hạnh phúc. Con người một khi đã sướng thì sẽ không muốn chịu khổ. Vậy nên các bậc cha mẹ nếu muốn con cái sau này trưởng thành có thể vững vàng trong cuộc sống và thành đạt, thì cần phải đặt ra các giới hạn cần thiết trước mọi ý muốn của con cái, cần biết từ chối và giải thích rõ ràng trước những nhu cầu không chính đáng của con.
Và đặc biệt các bậc cha mẹ không nên vô tình nhầm lẫn giữa yêu thương và nuông chiều con cái quá mức, bằng cách đặc biệt hạn chế sự hưởng thụ của đứa trẻ.
2. Hình thành quy tắc ứng xử của con cái
“Mẹ ơi con đói, đồ ăn ở đâu mẹ nhỉ?”.
“Mẹ đang nói chuyện điện thoại, lát nữa mẹ lấy cho”.
“Nhưng con đang đói, mẹ nói chuyện lâu không?”.
“Mẹ đang đang nói chuyện mà con cứ xen vào, bực quá!”.
Có lẽ rất nhiều bậc cha mẹ phải phiền não vì hầu hết đều dễ gặp phải tình huống này. Khi cha mẹ quá nuông chiều con cái, cung phụng mọi thứ sẽ khiến cho đứa trẻ phát triển nhân cách theo hướng tiêu cực, không có ý thức và trở nên hư hỏng. Mỗi khi người lớn nói chuyện, trẻ con thường xen ngang, hoặc giả quấy phá, thiếu lễ độ, nguyên nhân chỉ vì đứa trẻ được nuông chiều, chỉ biết bản thân mình, luôn coi mình là trung tâm nên coi thường người khác.
Một thầy giáo từng nói: “Một đứa trẻ thông minh sẽ có rất nhiều người yêu mến, nhưng một đứa trẻ thông minh có thói quen xen ngang cuộc nói chuyện của người khác lại khiến mọi người bực bội”. Việc xen ngang chuyện người khác không có nghĩa là đứa trẻ vui vẻ, hiểu biết mà ngược lại, nó thể hiện sự khiếm khuyết trong giáo dục gia đình. Nếu cha mẹ không thể điều chỉnh thói quen đó thì đứa trẻ sẽ gặp phải rất nhiều bất lợi trong cuộc sống khi trưởng thành. Vì vậy các bậc cha mẹ cũng nên cùng con hình thành các quy tắc ứng xử, nói năng, hành động để trẻ định hình được nguyên tắc sống phù hợp và không làm phiền người khác.
3. Phân công việc hợp lý
Nghèo không sợ, đói cũng chả sao, chỉ cần nhẫn được khổ, chăm chỉ lao động, khẳng định sẽ thành công, sợ nhất là tính lười nhác của mình.
Tôi lại nhớ đến câu chuyện của một đồng nghiệp. Anh ấy có cô con gái 12 tuổi, vì để rèn luyện thể chất cho con trong dịp nghỉ hè, anh đã đăng ký cho con tham gia khóa huấn luyện “Trại hè quân đội” trong 15 ngày.
Vốn dĩ cứ nghĩ con có thành tích học tập tốt, nên anh tin chắc cô con gái của mình cũng sẽ thể hiện ưu tú trong khóa dã ngoại này. Ai ngờ chưa đầy hai ngày, cô bé bị nhà trường gửi trả về. Nguyên nhân chỉ vì quá lười! Lý do là giáo viên cho học sinh nửa ngày để sắp xếp lại đồ đạc trong doanh trại, nhưng cô con gái cưng của anh bạn tôi lại ngủ nguyên nửa ngày vì mệt, vì chưa bao giờ cô bé phải lao động đúng nghĩa.
Khi bị giáo viên phê bình, yêu cầu phải sắp xếp lại đồ đạc, cô bé cãi lại: “Dọn dẹp mệt lắm, em không muốn tham gia nữa, dù sao ở nhà có mẹ lo cho hết rồi”. Nghe con gái kể lại, anh bạn tôi nhất thời ‘đứng hình’.
Lao động tự phục vụ là một trong những hoạt động sinh tồn. Nếu bố mẹ thay con làm hết mọi việc như phòng ngủ cũng dọn hộ, quần áo có người giặt, cơm nước cũng phải có người bưng tận tay chỉ việc ăn, cần gì là có nấy thì khi ra ngoài đời, nếu yêu cầu của trẻ không được đáp ứng thì dễ nảy sinh mâu thuẫn, sức “đề kháng” và kỹ năng sống trước hoàn cảnh khắc nghiệt sẽ vô cùng yếu ớt, tự ti.
Cha mẹ không thể bao bọc con cái cả đời được, một đứa trẻ trưởng thành trong một môi trường được nuông chiều, bao bọc sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ:
– Tâm lý ngại khó: Khi cha mẹ yêu cầu làm giúp một việc gì đó, thường chúng sẽ trốn tránh, lười biếng, không muốn bứt phá chính mình, không dám đối diện với thử thách.
– Dựa dẫm người khác: Do có thói quen được người khác phục vụ cho nên đứa trẻ thường có tâm lý ỷ lại, không tự lập được, đặc biệt là những lúc gặp khó khăn thường là thoái lùi.
– Không có chí cầu tiến: Vì không có động lực cho nên thiếu đi sự hưng phấn trong mọi việc, ngay cả làm bài tập cũng qua quýt cho xong. Không đặt tiêu chuẩn cao đối với bản thân nên luôn có tư tưởng theo kiểu: “Thế nào cũng được, thế nào cũng xong”. Vì vậy sau này đứa trẻ sẽ ít có khả năng chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
– Không biết cảm ơn: Bình thường việc gì cũng có người lo lắng, chăm sóc, nên đứa trẻ dễ có xu hướng kiêu căng tự phụ, cho rằng những việc cha mẹ đáp ứng là lẽ đương nhiên, nên cũng chẳng cần biết đến cảm nhận của người khác, cũng chẳng cần biết cảm ơn. Thường là những đứa trẻ này dễ nuôi dưỡng tính đố kỵ, dù được đáp ứng mọi thứ nhưng trẻ vẫn có xu hướng không thỏa mãn, ít có sự đồng cảm và sẻ chia với người khác.
Vì vậy, là những bậc làm cha làm mẹ thông minh, cần phải sáng suốt để phân định rõ ràng giữa việc quan tâm và giáo dục con cái đủ yêu thương, nhưng không dư thừa sự nuông chiều.
Minh Vũ