Việc nuôi dưỡng thái độ lạc quan từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé học hỏi thêm được nhiều điều tích cực. Hơn thế nữa, để tạo nên một bạn nhỏ lạc quan lại chẳng hề khó chút nào! 

Người lạc quan không phải là nở nụ cười trên môi che giấu đi những cảm xúc buồn chán. Người lạc quan ở chỗ có thái độ sống tích cực, yêu đời, yêu mọi người và yêu mình. Tinh thần lạc quan không chỉ sinh ra những suy nghĩ tốt mà chính là nền tảng của lối tư duy mạch lạc, trong sáng.

Trẻ em lạc quan nhìn vào tương lai với niềm hy vọng, tự tin vào bản thân. Và nếu như bây giờ bạn thấy xã hội quá phức tạp, cái xấu nhiều hơn cái tốt thì bạn vẫn có thể hướng con bước vào thế giới của những người lạc quan. Người ta có câu: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, đại ý là những người có chung suy nghĩ, quan điểm sẽ tìm đến nhau, thu hút nhau. Đứa trẻ nào cũng đều có thể học tính lạc quan. 

Biết sống lạc quan, đó là kỹ năng làm cho cuộc sống của mỗi người thêm tươi sáng. Trong hoàn cảnh khó khăn, người có tư duy lạc quan sẽ nhìn thấy những điều tích cực để học hỏi, khắc phục và hiệu quả công việc tốt không ngờ so với những người có suy nghĩ tiêu cực. Những em học sinh được cho là lạc quan luôn tự tin, kiên trì, hoà đồng với mọi người, có sức khoẻ tốt, thông minh, học giỏi…, ít bị căng thẳng tinh thần. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con tính lạc quan ngay bây giờ!

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Cha mẹ thể hiện thái độ tích cực

Việc bố mẹ phàn nàn về những điều xảy ra hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của bé. Vì vậy thay vì nói về những vấn đề theo cách tiêu cực, bố mẹ hãy chọn cách bày tỏ lạc quan hơn. Mỗi buổi tối, bố mẹ có thể chơi cùng bé để kể lại điều tuyệt nhất và tệ nhất đã xảy ra trong ngày, và sau đó tập trung vào những điều tích cực để nạp thêm “năng lượng” cho ngày hôm sau.

Bố mẹ cũng có thể để bé tiếp xúc với những nguồn “năng lượng lạc quan” khác từ sách vở, những câu chuyện trong cuộc sống xung quanh bé. 

Như trường hợp của một phụ huynh chia sẻ trên Phunuonline, con gái đi học về bảo:

“Hôm nay con làm toán có 4 điểm mẹ ơi”.

“Sao thế con, bài khó à?”.

“Không mẹ, không quá khó, chỉ tại con tính nhầm ngay từ đầu, nên cả bài sai theo, mà bài đó 4 điểm lận”.

“Không sao, sai lần này, lần sau sẽ rút kinh nghiệm, con gái mẹ sửa sai được mà”.

Tôi nghĩ, con nói thế là con đã biết mình sai chỗ nào rồi. Điều tôi hài lòng ở con là, con sai chỗ nào, con thất bại chuyện gì, cũng không bao giờ giấu mẹ. Không giống nhiều trẻ khác, điểm thấp về sợ ăn đòn, chỉ đến khi họp phụ huynh, cha mẹ mới tá hỏa.

Không phải bỗng dưng mà tôi có được “thắng lợi” đó. Quan điểm của tôi là luôn lạc quan trước bất cứ khó khăn nào, để con học hỏi cách ba mẹ vượt khó khăn ấy thế nào. Cũng giống như hôm nay, tôi tỏ ra lạc quan trước điểm 4 của con, không gây áp lực cho con. Thông thường trong cuộc sống, không thể tránh những điều không như ý, nếu đã không thể tránh khỏi thì hãy vui vẻ chấp nhận nó, bởi vì chúng ta có rất nhiều cơ hội sửa sai, cơ hội làm lại từ đầu, nên cứ luôn tỏ ra lạc quan, để mang lại niềm hy vọng cho con cái.

Luôn khích lệ, tin tưởng vào con

Những đứa trẻ luôn cảm nhận được sự ủng hộ của cha mẹ sẽ tự tin hơn những đứa trẻ khác. Ví như, bạn tới trường tham dự buổi biểu diễn văn nghệ có bé tham gia cũng chính là bạn cho trẻ lòng tự tin, cảm giác được che chở. Nếu bé luôn được sống trong sự quan tâm như vậy, thì khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn ắt có niềm tin, có động lực vượt qua vì nghĩ có hậu phương vững chắc là những người luôn tin yêu bé.

Phụ huynh cũng nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia nhiều các hoạt động tập thể, các trò chơi, tìm hiểu ngành nghề, khen ngợi đúng lúc, đúng nơi mỗi khi trẻ hoàn thành việc nào đó. Nhìn vào những điều trẻ làm được để khuyến khích con, nhưng nên cẩn trọng tránh rơi vào trạng thái đối lập, nghĩa là trẻ chỉ thích nghe lời khen, muốn được khen khi làm việc gì đó.

Sát bên con chứ không làm thay con

Có không ít ông bà, cha mẹ vì nghĩ thương cháu-con mà làm tất cả mọi việc cho bé (những việc đáng ra nên để trẻ tự làm được), ví như việc đeo cặp, họ sẵn lòng mang cặp thay cho trẻ vì nghĩ nó nặng, đó là sự giúp đỡ tai hại. Họ đâu hiểu rằng việc tự đeo cặp, mang cặp làm trẻ thấy bản thân quan trọng hơn và tự tin hơn. Chính vì vậy, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ tự làm, tự chịu trách nhiệm.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Pixabay).

Thực tế, chúng ta sẽ thể hiện tình yêu lớn hơn cho trẻ bằng cách tạo điều kiện cho trẻ được “nếm trải” tất cả các cung bậc cảm xúc khi tự giải quyết vấn đề nào đó. Từ cảm giác bực bội bao công sức làm một việc không được, đến hài lòng thoả mãn khi làm được việc to lớn nào đó như một người trưởng thành.

Đặt mục tiêu

Hãy cùng bé đặt những mục tiêu nhỏ và khích lệ bé hoàn thành, ví dụ lập ra một danh sách cần làm trước khi ăn sáng: dọn giường, thay quần áo, đánh răng, làm vệ sinh cá nhân… Việc tự hoàn thành những công việc nhỏ bé sẽ giúp nuôi dưỡng sự tự tin và thái độ tích cực trước các thử thách lớn hơn trong cuộc sống sau này. 

Thử điều mới

Thỉnh thoảng hãy khuyến khích bé thử những điều bé chưa tự làm bao giờ như để bé tự đi mua đồ hoặc xuống sân chơi một mình (tuỳ vào độ tuổi, hoàn cảnh mà có sự kiểm soát). Và thay vì thấy bé rụt rè khi được đề nghị trải nghiệm một điều mới, bố mẹ sẽ rất ngạc nhiên lúc bé nói “Con làm được rồi mẹ ơi!”. Trẻ sẽ tự tin hơn trong những lần tới cha mẹ đề xuất một việc mới nào đó khác. 

Hãy để trẻ tự quyết định

Những đứa trẻ tự nghĩ tự làm khi lớn lên sẽ làm chủ cuộc đời mình tốt hơn. Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội lựa chọn, đưa ra những tình huống cho trẻ lưa chọn. Ví dụ: hỏi trẻ 2 tuổi, con thích quả bóng màu xanh hay quả bóng màu vàng, cho bé 5 tuổi lựa chọn tham gia đội múa hay nhảy, bé 10 tuổi chọn học tiếng Anh hay tiếng Pháp…

Trước kết quả mỗi việc trẻ làm dù tốt hay chưa, nên hỏi về cách trẻ làm để trẻ nhận ra chỗ sai sót và tự sửa. Giải thích cho trẻ hiểu không phải lúc nào mọi việc cũng như ý, tương xứng với công sức mình bỏ ra mà quan trọng hơn là rèn luyện thái độ sống, cần biết nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề.

Từng chút một, từng chút một không ngại khó khăn, đó chính là quá trình cha mẹ nuôi dưỡng sự lạc quan cho con.

Video xem thêm: Bài hát: Mau tỉnh lại – Nhóm Nghệ Thuật VHTT Nhất Nam

videoinfo__video3.dkn.tv||14f946cbd__