Cậu em họ và cô bạn gái mới quen nhau hơn 2 tháng đã góp gạo thổi cơm chung
Thứ 7 tuần trước là sinh nhật cậu tôi, lại đúng dịp nghỉ lễ tết thanh minh nên tôi dẫn hai bảo bối của mình cùng chung vui. Quan khách, họ hàng hết thảy lớn nhỏ tổng cộng 40 người, ngồi chật 4 cái bàn lớn.
Hôm ấy ngoài sinh nhật của cậu ra còn có một nhân vật quan trọng khác xuất hiện. Cậu em họ tôi dẫn bạn gái mới về nhà ra mắt. Trước đó cậu và mợ đều đã từng gặp bạn gái của con trai mình. Hai người đều không hài lòng cho lắm vì chê dáng cô gái thấp quá.
Nghe nói dòng họ cô còn có tiền sử về bệnh tiểu đường. Bạn học của cậu em họ giới thiệu cho cậu ấy cô bạn gái này.
Ban đầu em họ tôi cũng không để mắt tới cô bé, nhưng sau này không hiểu thế nào hai đứa mới quen nhau hơn 2 tháng đã góp gạo thổi cơm chung. “Gạo đã thành cơm” nên cậu mợ cũng chẳng nói được gì. Chỉ cần cậu em họ đồng ý thì hai người thế nào cũng xong. Dẫu rằng ngoài miệng thì nói vậy nhưng con trai mình tìm được cô bạn gái không như ý thì trong lòng cậu mợ vẫn ít nhiều khó chịu.
Cậu em họ dẫn bạn mới về ra mắt không những đến muộn mà còn đi tay không…
Phải gần 12 giờ trưa khách khứa đã tề tựu khá đông đủ, chỉ còn thiếu mỗi bạn gái cậu em họ. Cậu tôi rất tức giận, muốn dọn cơm ăn không đợi 2 đứa nữa. Tôi khuyên cậu nên đợi thêm một lát, đừng để cô gái phải mất mặt.
Đợi mãi đợi mãi, cuối cùng thì cậu em họ và bạn gái mới về tới nơi. Hai đứa còn về tay không. Cậu và mợ đều tỏ vẻ không vui, nên chỉ thăm hỏi qua quýt vài câu rồi ai bận việc nấy, đi mời chào khách khứa.
Bè bạn, họ hàng thấy vậy đều bàn luận nhỏ to sau lưng, nói cô gái ấy thật không hiểu phép tắc gì hết.
Biết rõ là sinh nhật bố chồng tương lai sao có thể tay không mà đến?
Lại còn đến muộn nữa chứ. Hôm đó cậu em họ và cô bạn gái bị mọi người lạnh nhạt. Ngay cả chị họ (chị gái của cậu em họ) cũng chẳng buồn ngó ngàng. Thực là vô cùng ê mặt!
Cô gái cắm cúi ăn cơm, ăn xong thì trốn vào trong phòng với cậu em họ. Chẳng bao lâu sau cô gái viện cớ mai phải đi làm ra về.
Trước khi kết hôn, con gái thường cho rằng chỉ cần “Mình yêu anh ấy” là đủ
Nhưng đợi đến sau khi thành hôn thì chuyện mẹ chồng, em chồng mới thi nhau kéo đến.
Đặc biệt là khi mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu đi vào trong cuộc sống, lúc này bạn mới tỉnh ngộ ra rằng:
“Hóa ra hôn nhân không phải là chuyện của hai người, nó liên quan chặt chẽ tới hai gia đình”.
Kỳ thực trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều cuộc hôn nhân đều không được hạnh phúc bởi những chuyện bên lề tình cảm vợ chồng. Ví như không hòa hợp với mẹ chồng, em chồng.
Ngày nay rất nhiều ông bố bà mẹ có vẻ rất thoáng, câu cửa miệng thường là: “Con trai tôi muốn yêu ai thì yêu, chỉ cần nó thích là được. Bậc làm cha làm mẹ chúng tôi cũng không quản”.
Họ nói những lời này là vì con trai mình chưa tìm thấy một cô bạn gái mà cha mẹ không ưng mắt. Nếu chuyện ấy xảy ra thực, cha mẹ không tỏ thái độ mới lạ.
Có bậc làm cha làm mẹ nào mà không muốn con trai mình tìm được một người vợ tốt!
Nếu cha mẹ đằng trai mà biết cô gái đã sống chung với con trai mình, hay đó là một cô gái không hiểu lễ nghĩa như bạn gái của cậu em họ tôi thì chắc hẳn họ sẽ khinh thường cô gái ấy.
Nếu có con gái nhất định tôi sẽ dạy con hai điều này:
Điều thứ nhất: Hãy trân quý bản thân mình, đừng dễ dàng đồng ý sống chung với bạn trai
Đặc biệt là trong tình huống cô gái chưa được cha mẹ nhà trai chấp thuận thì ấn tượng đầu tiên sẽ rất quan trọng. Nếu bố mẹ chồng tương lai chưa gặp bạn bao giờ nhưng đã nghe nói bạn và con trai họ ở chung với nhau, họ sẽ khinh thường bạn. Thậm chí cảm thấy bạn không biết tự xấu hổ.
Có lẽ điều này không công bằng với bạn, nhưng quan niệm thế tục là như vậy. Dẫu cho cuối cùng bạn và anh ấy có thành đôi hay không thì bố mẹ chồng cũng canh cánh bên lòng vì bạn mà bới lông tìm vết.
Có câu rằng mẹ chồng nàng dâu khó chung sống hòa thuận. Kỳ thực có một vài việc đã để lại “di chứng” ngay cả khi chưa kết hôn.
Ấn tượng đầu tiên không tốt sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu sau này.
Cho nên, con gái nhất thiết không được dễ dàng quyết định sống chung với con trai. Đặc biệt là khi chưa được cha mẹ nhà trai chấp thuận.
Chỉ những người biết trân quý bản thân mới được người khác yêu thương và che chở.
Điều thứ hai: Nhất định phải hiểu phép lịch sự
Đặc biệt là lần đầu nàng dâu tương lai bước vào cửa nhà bạn trai thì mọi thứ sẽ đều phải được nhìn qua kính hiển vi. Từ khuôn mặt cho đến dáng vóc, thậm chí nhỏ như một cái nốt ruồi trên mặt bạn họ cũng đều nhìn rất rõ. Các bà cô em chồng với cô dì sẽ tha hồ bình phẩm sau lưng bạn.
Còn nhớ hồi nhỏ hễ nghe nói con trai nhà ai dẫn bạn gái về nhà, là hàng xóm, ba bề bốn bên đều chạy tới xem mặt. Sau đó mọi người bàn luận rộn ràng:
“Cô bé này trông xinh phết, lại hiểu lễ nghĩa”.
“Cô gái này vừa nhìn đã thấy sắc sảo, sau này thể nào cũng tranh hơn thua với mẹ chồng”…
Dung mạo là cha mẹ ban cho, chẳng thể thay đổi, nhưng hiểu lễ nghĩa lại là điều nhất định bạn phải có
Bởi lẽ không hiểu lễ nghĩa thì dẫu đẹp nữa bạn cũng sẽ khiến bố mẹ chồng tương lai phải nhíu mày khó chịu. Sau này họ không chỉ tỏ thái độ với bạn mà còn nghĩ rằng cha mẹ bạn không có giáo dưỡng. Nếu không thì sao lại dạy dỗ ra một cô gái không hiểu biết như vậy?
Hôn nhân là đại sự trong đời, đối với người con gái mà nói lại càng chẳng thể qua quýt.
Một vài cô gái nói rằng số phận mình hẩm hiu nên mới gặp phải người đàn ông không tốt. Kỳ thực, đôi khi con gái dễ mềm lòng trước những lời tỏ tình mật ngọt. Lúc này nếu không có những tiêu chuẩn đạo đức như sợi chỉ buộc chân voi thì các cô gái rất dễ mủi lòng mà đồng ý sống chung với bạn trai.
Nên nếu muốn con gái mình được gả vào chỗ tốt thì ngay bây giờ bạn hãy nghiêm túc giáo dục con gái mình. Sự giáo dục trong gia đình cũng quyết định hạnh phúc cả một đời của người con gái.
Theo Cmoney.tw
Hiểu Mai biên dịch