Cha mẹ nên bắt đầu dạy con về cách quản lý và sử dụng tiền từ khi còn nhỏ. Lý tưởng nhất là với trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Cha mẹ không nhất thiết phải dạy con tính toán chi tiêu chi tiết, nhưng nên sớm trò chuyện cùng con và giải thích cho con nghe những điều căn bản nhất về việc sử dụng tiền.

Tom Henske, chuyên viên kế hoạch tài chính của Lenox Advisors, New York chia sẻ trên CNBC: “Thói quen, dù tốt hay xấu, đều rất dễ hình thành và duy trì từ thuở thơ dại”.

Hơn nữa, việc hiểu rõ các khái niệm về tiền giữ vai trò nền tảng trong kiến ​​thức tài chính nhưng việc này hiện không được chú trọng lắm tại Mỹ. Theo Quỹ đầu tư giáo dục Finra, chỉ 34% người Mỹ trưởng thành có thể trả lời đúng 4 trên 5 câu hỏi kiểm tra kiến ​​thức tài chính cơ bản. 

Arne Boudewyn, người đứng đầu Viện Văn hóa Gia đình tại Abbot Downing cho biết: “Nguyên nhân của hiện trạng này là vì cha mẹ không dành đủ thời gian cho con cái hàng ngày”.

“Khi không nhận được sự giáo dục từ sớm, thường xuyên và nhất quán từ cha mẹ, những thanh niên trẻ của chúng ta khi bước vào đời thực sự không biết cách chi tiêu hợp lý hay quản lý tài chính.”

Dưới đây là những bài học cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ từ 5 đến 9 tuổi.

1. Trò chuyện

Với trẻ nhỏ, cha mẹ hãy tranh thủ những lúc như thời gian ăn tối để thường xuyên trò chuyện cùng con về những thứ như tài khoản tiết kiệm và ngân sách chi tiêu.

“Hãy chọn một từ bất kỳ. Cha mẹ có thể nói về các loại tiền khác nhau, sự khác biệt giữa séc, thẻ tín dụng và tiền mặt,” theo Henske, chủ doanh nghiệp, người phát triển và điều hành chương trình trẻ em sử dụng tiền một cách thông minh.

“Hãy thoải mái trao đổi với trẻ và đừng cố gắng nhồi nhét và buộc con phải ghi nhớ ngay lập tức các khái niệm ấy”.

Đương nhiên là có sự khác biệt giữa một đứa trẻ 5 tuổi và một đứa trẻ 9 tuổi, vì vậy cha mẹ hãy lựa chọn cách nói chuyện phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Ví dụ, hãy nói về tiền xu và các khái niệm đơn giản với trẻ 5 tuổi, và tập trung nói về tiền tiêu vặt với trẻ lớn hơn.

Cha mẹ cũng có thể đưa con đến ngân hàng và trò chuyện thêm cùng con. Mặc dù cha mẹ sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử là chủ yếu, nhưng sẽ hay hơn nếu cha mẹ có thể đưa trẻ đến một chi nhánh ngân hàng địa phương để con có thể hiểu thêm về nơi này, Henske chia sẻ thêm.

Anh nói thêm rằng, “Việc này tuy không thực tế lắm, vì bọn trẻ sẽ không sử dụng dịch vụ ngân hàng theo cách mà chúng ta hiện đang sử dụng, nhưng đó là để dạy trẻ về lịch sử và quá khứ”.

2. Cho con cùng tham gia các giao dịch thanh toán

Cha mẹ có thường xuyên đưa con đến mua hàng tại cửa hàng tạp hóa hay không? Mức độ thường xuyên có thể khác nhau tùy từng gia đình nhưng đây là một cơ hội tốt để trẻ học hỏi thêm.

“Đây là một thời điểm tuyệt vời để dạy trẻ về giá cả các mặt hàng tạp hóa và trẻ sẽ có một buổi trò chuyện vô cùng thực tế,” theo Boudewyn.

Nếu sử dụng phiếu giảm giá hoặc chương trình khuyến mãi, cha mẹ hãy cho con xem mức giá trước và sau khi giảm giá.

“Trẻ em rất nhanh học được rằng các phần thưởng tài chính thường có được nhờ vào nỗ lực và đầu tư”, theo Arne Boudewyn – Viện trưởng Viện Văn hóa Gia đình tại Abbot Downing.

Cha mẹ cũng có thể cho con tham gia vào các giao dịch thanh toán – chẳng hạn như cho phép con nhấn các nút trên máy thẻ tín dụng hoặc ví điện tử trên điện thoại, hoặc nhờ con trả tiền mặt cho người bán.

3. Cho con tiền tiêu vặt

Khi trẻ lên 6 hoặc 7 tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu cho con tiền tiêu vặt. Khoản tiêu vặt không cần phải nhiều và trẻ có thể kiếm được sau khi hoàn thành các việc vặt trong nhà, ví dụ dọn dẹp phòng của mình.

Điều này sẽ giúp trẻ “thêm vững vàng khi trưởng thành ở độ tuổi 20, 21, 22″, ông nói thêm.

Henske khuyên cha mẹ nên cho con tiền mặt, tiền xu khi con còn nhỏ tuổi, chứ không nên sử dụng các thẻ trả trước dành cho trẻ em như Greenlight, Current và Gohenry.

“Điều này rất quan trọng đối với trẻ vì các con có thể nhận lấy, cất giữ và nhìn ngắm số tiền mà mình kiếm được”, Henske giải thích thêm.

Đây cũng là thời điểm phù hợp để dạy trẻ chia tiền tiêu vặt thành các khoản chi tiêu, tiết kiệm và dành cho từ thiện.

4. Để con tự chi tiêu bằng tiền của mình

Khi trẻ muốn có một thứ gì đó không cần thiết, cha mẹ nên xem đây là cơ hội để trẻ có thể sử dụng tiền mà mình dành dụm được.

Henske cho biết con gái anh đã có cảm tưởng mình giống như một “triệu phú đô la” khi anh cho phép cô bé tự đến quầy tính tiền và thanh toán cho món đồ mà cô bé thích.

“Trải nghiệm thực tế, chứ không phải kiến thức suông, chính là những điều khiến chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn trong cuộc sống”.

Ảnh minh họa: Inti St Clair.

“Và phạm lỗi cũng không sao cả”.

Còn một cách khác để dạy con về việc tự chi tiêu là đề nghị con chia sẻ thanh toán cùng cha mẹ cho một món hàng tốn kém, Boudewyn nói.

Ví dụ, ông có biết một vị phụ huynh có một cậu con trai muốn mua một cây gậy bóng chày đắt tiền. Cha mẹ cậu bé đề nghị mua một cây gậy bình thường, hoặc có thể cho cậu bé số tiền tương đương với giá trị của cây gậy thường và cậu bé sẽ phải trả khoản tiền chênh lệch cho sản phẩm cao cấp hơn mà cậu muốn. Cuối cùng, cậu bé đã học được “một bài học tuyệt vời” và đã tìm mọi cách để kiếm đủ tiền mua cây gậy bóng chày mà cậu ao ước, Boudewyn cho biết.

5. Hoạt động từ thiện

Khi cha mẹ đề cập với trẻ về khái niệm từ thiện, đây cũng là một cơ hội tốt để nói với trẻ về cách sử dụng tiền.

Hãy nói cho con biết về những việc mà cha mẹ đang làm để báo đáp cộng đồng và xã hội, và chia sẻ với con làm thế nào để quyên góp tiền giúp đỡ người khác, chẳng hạn như bán nước uống hoặc viết thư kêu gọi người thân ủng hộ quyên góp, Boudewyn nói.

“Vì sao chúng ta lại chú trọng vào hoạt động từ thiện? Vì đây là một cách thú vị và hấp dẫn để giúp trẻ nhận biết đồng đô la, tiền xu và các bài học tính toán chi tiêu khác”, ông nói.

Hà Nguyễn

Theo CNBC

Video xem thêm: Câu chuyện luân hồi: Lấy trộm tiền chùa, thư sinh nghèo biến thành lừa trả nợ

videoinfo__video3.dkn.tv||bc9efd53d__