Giáo dục trẻ nhỏ là không thể nào chờ chúng lớn lên mới dạy dỗ. Đừng vì thấy con trẻ tuổi đang còn nhỏ mà không kịp thời uốn nắn, sửa đổi cho đúng. Nếu không cẩn thận, một ngày nào đó gây thành đại họa, đến lúc đó muốn cứu, muốn sửa cũng không cứu được rồi.
Làm thế nào để xử lý đúng cách khi một đứa trẻ khóc lóc, nháo loạn đây?
Xế chiều ngày hôm qua, tôi cùng con gái đi ra ngoài dạo phố, thế nhưng lại chứng kiến được một cảnh như thế này: có một bé trai rất thích một món đồ chơi, muốn có được nó, nhưng người mẹ hình như không mua cho đứa bé, thế là bé trai kia liền khóc nháo, lăn lộn trên mặt đất ăn vạ… Gặp tình huống như vậy, nếu bạn là mẹ đưa trẻ thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ xử lý ra sao?
Thông thường sẽ có những cách như: lập tức thỏa hiệp, thỏa mãn đòi hỏi của con; đánh cho một cái vào mông, khiến cho con càng khóc ‘lợi hại’ hơn; hoặc là mắng con một trận sau đó mua đồ chơi đó cho con…
Kỳ thực, tình huống này tôi cũng từng trải qua, ngày trước con của tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng tôi vẫn có một chút ý kiến, nếu con trẻ phạm lỗi, chúng ta có thể dùng lời nói để giáo dục con là tốt nhất, đặc biệt vẫn không nên đánh mắng con. Nếu như vậy mà con vẫn không hề thay đổi, thì chúng ta cũng nên cân nhắc một số biện pháp khác nhằm giáo dục con có hiệu quả hơn.
Như vậy trong tình huống nào thì cần phải phạt con trẻ đây?
1. Khi con trẻ có những hành vi, thói quen không tốt
Khi còn nhỏ mà có một số hành vi, thói quen hoặc có xu hướng tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống khi trưởng thành sau này của trẻ. Không những vậy còn ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và gia đình, thậm chí còn có những hành vi vi phạm pháp luật… Vì vậy là cha mẹ cần sớm răn đe.
Ví như những thỉnh thoảng trẻ có hành vi trộm đồ, trộm tiền của người khác, ức hiếp người yếu thế… Nếu phát hiện trẻ nhỏ có những hành vi như vậy, người lớn nhất định phải kịp thời răn đe, ngăn cấm. Phát hiện một lần ngay lập tức giáo dục, hoặc có thể tiến hành giáo dục có kèm trừng phạt để tránh cho trẻ sau này lớn lên lại đi vào con đường sai trái.
2. Khi trẻ biểu hiện tính ích kỷ, xem mình là trung tâm của vũ trụ
Hiện nay phần lớn trẻ là con một trong gia đình, đều là có vị thế số một được sủng ái trong nhà. Vì vậy không ít trẻ nhỏ xem đó là điều hiển nhiên, cho mình là nhất, cho rằng mọi người phải vì mình. Tình trạng này lâu dần liền biến thành tính ích kỷ, không biết chia sẻ, cảm thông với người khác. Nếu như thấy trẻ không chịu chia sẻ đồ ăn vặt hoặc đồ chơi với các bạn hoặc với người khác; trẻ hay đòi hỏi quá đáng không được liền ăn vạ, hoặc như hễ người khác vừa động tới mình liền tức giận la hét…. cha mẹ phải lập tức giáo dục trẻ, giải thích cho trẻ hiểu, dạy trẻ sửa lại hành vi và nhận thức cho đúng đắn. Nếu không, cứ như vậy mà trưởng thành thì sau này trẻ sẽ khó mà hòa nhập xã hội, hoặc sẽ gặp nhiều khó chịu trong cuộc sống.
3. Thích đùa nghịch những thứ nguy hiểm
Trẻ nhỏ thường không hiểu thế nào là nguy hiểm, lại là lứa tuổi hay tò mò khám phá, chỉ biết chơi cái gì thật vui, thật lạ, cho nên khi vui đùa thường không hề hay biết làm như vậy sẽ nguy hại bản thân. Nếu thấy con trẻ có những hành động có thể dẫn đến nguy hiểm như: thích đưa tay sờ ổ điện, thích ra bờ sông, ao hồ nghịch nước, thích chơi những thứ dễ cháy nổ… thì người lớn nhất định phải kịp thời ngăn cấm, cảnh cáo không được tái phạm. Nếu trẻ vẫn tái phạm thì cha mẹ có thể dùng hình phạt thích đáng để phạt trẻ, làm cho trẻ nhớ được không nên lặp lại những hành động đó.
4. Dạy dỗ nhưng trẻ vẫn đâu vào đó không chịu sửa đổi
Có rất nhiều đứa trẻ lặp đi lặp lại hành vi sai trái, mặc dù trước đó đã bị nhắc nhở. Bất kể là mỗi lần vi phạm đều được cha mẹ giáo huấn, nhắc nhở, hoặc ngăn cấm, nhưng trẻ vẫn cố tình thực hiện. Hơn nữa mỗi lần vi phạm lại không biết nhận lỗi, không chịu trách nhiệm, lại còn luôn miệng chối đẩy trách nhiệm của mình. Một khi nhận thấy trẻ có những hành vi như vậy, cha mẹ nhất định phải áp dụng hình thức trách phạt nghiêm khắc và phù hợp với trẻ. Đồng thời cần phải giải thích cho trẻ hiểu được cái gì đúng, cái gì sai. Dạy trẻ hiểu rằng sau khi làm ra hành vi sai trái thì phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình gây ra, đặc biệt cho trẻ hiểu hành vi sai trái thì không thể lặp lại lần thứ hai, nếu không sẽ có hình thức trừng phạt nặng hơn.
Dùng lời nói nhẹ nhàng giáo dục trẻ nhỏ là phương pháp tốt nhất, có lợi nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhưng có nhiều trường hợp, có một số trẻ vẫn không chịu sửa đổi hành vi sai trái của mình thì bất đắc dĩ chúng ta sẽ áp dụng hình thức trừng phạt bằng ‘đòn roi’. Đây là một hình thức trừng phạt không được khuyến khích dùng đến, nhưng đối với một số trường hợp cá biệt cũng nên phải áp dụng, tuy nhiên cần phải hạn chế và có một số lưu ý khi sử dụng biện pháp này.
– Nếu cha mẹ muốn đánh con trẻ, nhất thiết phải cho con trẻ biết lý do vì sao chúng bị đánh. Sau khi đánh xong phải nói cho con trẻ biết rằng lần sau không được tái phạm như vậy.
– Khi con trẻ phạm lỗi đáng bị đánh đòn, thì nên trừng phạt về lỗi lầm đó, nhưng nhất định không nên trừng phạt cả những lỗi lầm đã qua trước đó.
– Khi đánh đòn trẻ, cha mẹ nên chú ý không nên đánh vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể trẻ như: huyệt thái dương, vị trí sau gáy, đầu, lưng, mũi, lỗ tai,…
– Khi đánh phạt con trẻ, cha mẹ chú ý không nên phạt trẻ ngay bên ngoài nơi đông người hoặc đánh trẻ trước mặt người lạ, trẻ cũng có tự tôn, cũng biết xấu hổ, về mặt này nên tôn trọng trẻ.
– Đặc biệt, cha mẹ không nên thường xuyên đánh mắng con trẻ, bởi vì “chinh chiến lâu ngày, như trăm rèn nghìn luyện”. Nếu như một đứa trẻ thường xuyên bị đánh mắng sẽ quen dần với đòn roi, lúc này đòn roi không đạt được hiệu quả giáo dục, ngược lại làm cho đứa trẻ càng ngày càng khó giáo dục, chai lì cảm xúc “cứng mềm đều không được, đao thương không thể đánh vào”. Đây chính là hậu quả nghiêm trọng của việc lạm dụng hình thức đòn roi để giáo dục trẻ.
Giáo dục trẻ là phải có phương pháp thích đáng, phải có chừng mực, không nên quá nuông chiều trẻ, càng không nên dùng bạo lực, mà cần biết kết hợp, và biết khi nào thì nên và không nên dùng đòn roi. Giáo dục trẻ nhỏ cũng không phải là không thể đánh, nhưng cần đánh trong những hành vi thích đáng thì mới đạt được hiệu quả giáo dục. Nếu không, thì người chịu thương tổn nhiều nhất cuối cùng vẫn là con trẻ. Hãy ghi nhớ cho kỹ rằng, đánh đòn tuyệt đối không phải là phương pháp duy nhất để giáo dục con trẻ.
Trẻ nhỏ luôn là người hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, nhưng lại chưa ý thức được những hành vi của mình cho nên thường gây ra những lỗi lầm không mong muốn. Nếu phát hiện trẻ có hành vi không đúng, cha mẹ cần phải kịp thời giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn để trẻ sửa đổi hành vi, đồng thời cũng là giúp trẻ tăng thêm nhận thức về cuộc sống, rất có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Các bậc phụ huynh không nên có suy nghĩ chủ quan rằng: “ừ thì nó đang nhỏ chưa biết gì thì phạm lỗi là đương nhiên, lớn lên tự khắc chúng sẽ hiểu biết, cần gì nghiêm khắc quá với chúng”. Đây là một tư tưởng sai lầm, chính vì nhỏ nên phải dạy bảo, phải uốn nắn ngay từ khi mới bắt đầu thì mới đạt đến hiệu quả, chờ khi đứa trẻ lớn mới giáo dục chúng thì những thói hư, tật xấu kia đã trở thành thói quen khó dứt bỏ, đã trở thành tính cách của đứa trẻ mất rồi, giáo dục chúng không phải càng khó sao?
Cha ông ta từng có câu rằng “dạy con từ thuở còn thơ”, đây là lứa tuổi trẻ có thể bắt đầu nhận thức mọi thứ xung quanh, cũng bắt đầu hình thành nên tính cách riêng, cho nên cũng là lúc có thể tiếp nhận sự giáo dục nghiêm túc của cha mẹ.
Theo Cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch