Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật giáo dục con của người Do Thái: Tiềm năng của thiên tài được phát huy nhờ đâu?

Rất nhiều người quan niệm rằng, trẻ em trưởng thành tốt là vì có thiên bẩm tốt. Ngược lại, trẻ không thành công là do trẻ vốn sinh ra đã kém cỏi, chứ không phải do cha mẹ không hoàn thành thiên chức dạy dỗ con.

Nhưng người Do Thái thì không cho là như vậy, họ nhìn nhận rằng một đứa trẻ bình thường nếu được giáo dục tốt thì cũng có thể trở thành người kiệt xuất.

Tiềm năng của thiên tài được phát huy nhờ giáo dục sớm

“Tuổi thơ quyết định tương lai của một người”, đó là câu danh ngôn bất hủ của người Do Thái. Trong thực tế đó là một sự thực không cần tranh cãi. Đương nhiên cũng có người cho rằng, cuộc đời của con người rất phức tạp, đời người rất dài, đầy tính ngẫu nhiên. Làm thế nào để đào tạo con cái thành một người có ích cho xã hội là vấn đề mà mỗi bậc cha mẹ đều phải đối diện. Thiên tài được quyết định bởi thiên bẩm hay giáo dục? Đó là một mệnh đề được tranh luận rất sôi nổi. Nhưng đối với người Do Thái thì đây là vấn đề không cần phải tranh cãi vì họ cho rằng, một đứa trẻ bình thường nếu được giáo dục đúng cách thì cũng có thể trở thành một người kiệt xuất.

Nhà khoa học vĩ đại người Do Thái Einstein khi còn nhỏ không phải là một đứa trẻ thông minh, hay có tố chất thiên bẩm của một thiên tài. Đến 4 tuổi ông mới biết nói, hồi học tiểu học vì kết quả học tập không tốt không theo kịp các bạn cùng trang lứa nên thầy giáo từng yêu cầu Einstein nghỉ học. Nhưng nhờ những bài học về âm nhạc và toán học do mẹ và chú của ông hướng dẫn đã bồi dưỡng năng lực tư duy hình tượng kiệt xuất cho Einstein, giúp ông trở thành nhà khoa học vĩ đại.

Rất nhiều ví dụ thực tế về giáo dục thành công cho thấy, giáo dục sớm đối với trẻ càng sớm càng tốt. Trẻ em giống như tờ giấy trắng, chưa có năng lực tự giáo dục và tiếp nhận giáo dục một cách chủ động. Trẻ nhỏ như một con vật nhỏ, chủ yếu là ăn no để lớn chứ không phải là học tập, đó là những thiên kiến tồn tại phổ biến ở nhiều người. Trên thực tế, từ khi mới chào đời cho đến lúc 3 tuổi là thời kỳ học tập quan trọng nhất của trẻ. Bởi vì trong thời kỳ này, tốc độ và phương pháp tiếp nhận sự vật của đại não trẻ là nhanh nhất và trực tiếp nhất.

Albert Einstein – nhà bác học nổi tiếng có gốc Do Thái. (Ảnh: Pinterest).

Một chuyên gia về giáo dục người Do Thái từng nói: “Người ta lúc mới ra đời thì không có gì khác nhau, nhưng vì môi trường, đặc biệt là môi trường thời thơ ấu khác nhau nên có người có thể trở thành thiên tài kiệt xuất, có người lại trở thành người tầm thường, thậm chí ngu xuẩn. Ngay cả đứa trẻ bình thường, nếu giáo dục đúng cách thì sẽ trở thành người phi thường”.

Nếu mọi đứa trẻ đều được giáo dục như nhau thì vận mệnh của chúng sẽ được quyết định bởi tố chất thiên bẩm. Đa số các nhà giáo dục người Do Thái cho rằng, phương thức học tập của trẻ từ 1 đến 3 tuổi khác với khi lớn lên. Khi trẻ còn nhỏ là giai đoạn trẻ học theo kiểu mô thức, tức là học tập một cách vô thức qua những vấn đề xảy ra xung quanh. Giai đoạn sau 3 tuổi là giai đoạn học tập chủ động, tức là học tập có ý thức. Nếu hiểu được điều này, chúng ta sẽ biết cách phát huy tiềm năng của trẻ.

Bồi dưỡng thiên tài, khai thác tiềm năng thiên bẩm bằng cách nào?

Bồi dưỡng thiên tài, khai thác tiềm năng thiên bẩm bằng cách nào? Điều quan trọng nhất là trong cuộc sống, trong gia đình phải biết khơi gợi tiềm năng của trẻ sớm nhất có thể. Theo các nghiên cứu về sinh lý học, tâm lý học, con người sinh ra đã có một năng lực đặc biệt. Nó tiềm ẩn sâu trong con người, không nhìn thấy ngoài bề mặt, đó chính là tiềm năng.

Rất nhiều người nói rằng ai cũng có tiềm năng, nhưng tiềm năng của con người không phải là hằng định, vĩnh viễn, mà có quy luật suy giảm tiềm năng. Vì thế, cha mẹ cần phát huy tiềm năng này của trẻ ngay từ nhỏ để tránh việc thùng thuốc nhuộm lớn xã hội làm thui chột đi tiềm năng vốn có của trẻ.

Đã có rất nhiều nhà giáo dục người Do Thái quan niệm như vậy. Họ cho rằng, sự nghiệp, địa vị xã hội, hôn nhân và của cải của một người không phải được quyết định bởi một nhân tố đơn nhất nào đó. Người có chỉ số thông minh cao chưa hẳn đã thành công và ngược lại người có chỉ số thông minh thấp chưa hẳn là không thành công.

Nhưng điều có thể khẳng định là người có chỉ số thông minh thấp, trí tuệ hạn hẹp sẽ không hạnh phúc bằng người có chỉ số thông minh cao, cảnh giới trí tuệ cao hơn người. Bởi người có chỉ số thông minh cao, cảnh giới tư tưởng và trí tuệ cao họ có niềm vui ở cảnh giới của họ. Cuộc sống của họ là tự do, tự tại vì họ không bị tác động mạnh bởi những biến động của xã hội. Điều quyết định người có chỉ số thông minh cao hay thấp có liên quan lớn với việc giáo dục thời kỳ đầu của trẻ.

Trong một buổi tham quan văn hóa, hoạt động ngoài trời luôn được chú trọng nhằm kích thích trẻ suy nghĩ và sáng tạo trong tiết học. (Ảnh: tinhte)

Người mẹ Do Thái dạy con như thế nào?

Một người mẹ Do Thái chia sẻ: “Con tôi sinh ra chưa được 6 tuần tôi đã chủ trương cho nó xem những thứ có màu sắc, chẳng hạn màu bình sữa tôi cho bé bú khác nhau. Tôi nhận thấy cho trẻ bú sữa bằng những bình sữa có màu sắc khác nhau là một việc làm rất có ý nghĩa. Bởi vì như thế trẻ sẽ thích một màu nào đó, khi cho bé bú bình sữa có màu mà bé thích, bé luôn thể hiện rất thèm ăn. Đôi tay nhỏ mềm mại cứ muốn ôm lấy bình sữa đó. Đương nhiên, khi cho bé bú bằng bình sữa có màu mà bé không thích thì bé sẽ không vui và cứ ngọ nguậy suốt, miệng tránh bình sữa hoặc ói ra, đôi khi còn thể hiện sự phản kháng bằng cách nhăn mày.

Ngoài bình sữa, tôi còn mua cho bé cái trống con màu đỏ, dùng sợi dây gắn buộc trống lên cánh tay bé, khi tay đưa lên đưa xuống, cái trống sẽ tạo ra âm thanh. Bé rất thích. Để giúp trẻ nhớ và phân biệt được những màu sắc này, mỗi tuần tôi thay cho bé một cái trống có màu khác nhau. Bằng cách này trong khoảng một thời gian, bé đã nhớ được màu xanh, màu đỏ, màu vàng… về hình dạng thì đã biết phân biệt hình tròn, hình vuông”.

Một bà mẹ Do Thái khác nói: “Có rất nhiều cách dạy trẻ, có thể cho trẻ cầm những tờ giấy có dán giấy nhám và các vật trơn nhẵn khác để dạy trẻ các tính từ thô ráp và nhẵn nhụi. Đương nhiên khi trẻ cầm những thứ này thường thích đưa lên miệng, phụ huynh phải chú ý, đừng để trẻ có thói quen này. Hãy để trẻ nhớ rằng, những thứ người lớn không cho phép thì không được đưa lên miệng”.

Ngay từ sơ sinh các mẹ Do Thái đã cho trẻ được tiếp xúc với màu sắc, kích thích cầm nắm vì thế trẻ thường phát triển từ rất sớm(Ảnh: isach)

Đây là phương pháp mà các bà mẹ Do Thái dạy trẻ phân biệt màu sắc, cách học các tính từ. Phương pháp này nhanh chóng được các bà mẹ khác tiếp nhận và áp dụng. Bởi vì người Do Thái có một thói quen rất tốt là để giáo dục con mình, họ luôn tìm cách dạy dỗ. Có một phương pháp giáo dục tốt, họ sẽ chia sẻ cho người khác. Vì họ cho rằng, dạy con tốt là trách nhiệm của mỗi bà mẹ Do Thái. Họ cũng coi việc nuôi dạy con cái chính là thể hiện sự gánh vác trách nhiệm của mình đối với dân tộc.

Người Do Thái là dân tộc thông minh nhất thế giới, họ dường như được sinh ra là để làm chủ thế giới này. Dù họ không phải là một chủng tộc lớn, chỉ có hơn 7 triệu người nhưng không một nhóm chủng tộc nào có thể sánh được với người Do Thái về khả năng và thành tích vượt trội. Khi nói về người Do Thái thì ai trong chúng ta cũng đều trầm trồ ngưỡng mộ và khâm phục.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao họ lại có trí tuệ phi thường như vậy? Tại sao họ lại được sinh ra với quá nhiều ưu việt như thế? Có phải tất cả đều là tự nhiên? Liệu Việt Nam chúng ta có thể tạo ra những thế hệ ưu việt như thế không? Hoàn toàn có thể nếu các bậc cha mẹ quan tâm và tìm ra phương pháp giáo dục con ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Hồng Ân

Exit mobile version