Đại Kỷ Nguyên

Nghỉ hè của những đứa trẻ được lập trình hay một ‘thế hệ cúi đầu’?

Quay cuồng với 9 tháng chỉ học và học, những tưởng lũ trẻ hào hứng với mấy chục ngày nghỉ hè không sách vở. Thực tế không ít đứa trẻ lại tỏ ra thờ ơ với kỳ nghỉ dài ngày này bởi với chúng những ngày hè nếu không phải đi học thêm thì cũng bận rộn với những khóa học ngoại ngữ hay các chương trình ngoại khóa kín mít để hài lòng bố mẹ.

Ngay từ những ngày đầu tháng Năm khi kỳ nghỉ hè cận kề cũng là lúc phụ huynh nháo nhào tìm nơi ăn chốn giữ cho trẻ, bởi chúng nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, không người trông nom. Người thì lo gửi con đi trại hè quân đội, nhà lại tìm lớp khóa tu ở một chùa nào đó. Một số người lại lên kế hoạch “nhốt’ con ở nhà và cử nhau về lo chuyện cơm nước cho chúng. Không ít người tìm cách gửi con cho ông bà người thân và kèm theo đó là chiếc ipad, máy tính hay điện thoại để chúng có thứ giải trí không phiền nhiễu đến người lớn.

Nhiều cha mẹ lại lo con mải chơi cả mùa hè mà không theo kịp được chúng bạn khi vào năm học, hay đặt mục tiêu cho con vào được trường chuyên lớp chọn nên ngày hè là thời điểm để con “được” ôn luyện quần quật. Một tuần có mấy ngày thì cứ lần lượt đến lớp luyện: Văn, Toán, Ngoại ngữ, rồi thì đàn, hát, võ, vẽ…

Vậy là kỳ nghỉ hè thực chất vẫn là học, chỉ là chuyển thể từ dạng này sang dạng khác. Có lẽ đó là lý do mà nhiều đứa trẻ không hào hứng lắm với kỳ nghỉ tưởng chừng như là tuyệt nhất trong năm của chúng. Thạc sỹ giáo dục tâm lý Trương Tiến Sĩ chia sẻ: “Là một phụ huynh tôi chưa bao giờ bắt con đi học thêm mà cho các cháu tham gia các hoạt động tăng cường kỹ năng mềm như học võ, bơi, đàn… Tôi cho rằng kiến thức ở trường là một phần, còn đâu là sự tích lũy của chính con người đó. Tham gia các hoạt động hè trẻ được rèn luyện nhiều kỹ năng như hòa nhập, giao tiếp, ứng xử, hoạt động nhóm, ngôn ngữ, giao lưu văn hóa”.

Trẻ cần được những hoạt động ngoài trời để có thể tự khá phá bản thân và khám phá thế giới xung quanh. (Ảnh: Pinterest)

Còn nhớ khi xưa, mỗi lúc hè đến là đám trẻ lại có thể tạm quên sách vở để thỏa sức đắm mình trong thiên nhiên. Thú vị nhất là những đứa trẻ được về quê chơi. Chúng như được sổ lồng thỏa sức chạy nhảy, được trải nghiệm những điều thú vị mà ở thành phố không có, ví như tắm sông, trèo cây hái quả, cùng bạn ra bờ đê chăn trâu và vô tư lự với những trò chơi có thể tổ chức ở bất cứ đâu, đồ chơi là bất thứ gì chúng kiếm được.

Đứa trẻ nào không có quê để về hoặc không được về quê thì rủ nhau đi bắt châu chấu, đánh cá chọi, hay chỉ là cùng tụ tập ở một nhà bày ra các trò chơi tập thể để cười từ sáng tới tối. Hoặc đơn giản là lang thang trong sân khu tập thể để tự khám phá xung quanh, khám phá bản thân, cùng đám bạn đặt ra những tương lai giả tưởng. Và dường như sau mỗi kỳ nghỉ hè ấy đám trẻ chúng tôi đều rắn rỏi hơn, tự lập hơn và cũng nhiều sáng tạo, ước mơ hơn.

Thời nay, đám trẻ luôn được bố mẹ lập trình sẵn từ việc học trường nào, cô giáo nào đến chuyện cần tập trung môn học nào, trò chơi nào. Và dần sau mỗi bước đi được vẽ ra sẵn như vậy thì đám trẻ cũng được định hướng nghề nghiệp theo xu hướng, theo mong mỏi của bố mẹ.

Thậm chí trong sinh hoạt hằng ngày chúng cũng được phục vụ tận răng nên cái tính thụ động ỷ lại của giới trẻ còn kéo dài mãi đến khi chúng trưởng thành. Chính vì sự cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu khi bé mà khi lớn chúng trở nên hay đòi hỏi trước khi có thể cống hiến và cùng với đó khả năng thích nghi với xã hội cũng kém hơn.

Thói quen phụ thuộc vào thiết bị công nghệ khiến lũ trẻ thờ ơ với mọi mối quan hệ xung quanh. (Ảnh: Pixabay)

Trái ngược lại với những đứa bé có lịch hoạt động kín đặc là nhóm trẻ bị “nhốt” trong những bức tường. Không bạn bè cùng lứa, không hoạt động ngoài trời, chúng chỉ suốt ngày cúi đầu cắm cúi với mớ thiết bị điện tử như ipad, điện thoại. Bởi với nhiều phụ huynh đây là cách quản lý “hữu hiệu” nhất. Không phải trông nom, cũng chẳng phải quát nạt và càng không lo nhức đầu bởi những trò nghịch ngợm. Chỉ cần cho mỗi đứa một thiết bị, tuyệt nhiên chúng sẽ ngồi im lặng, mắt dán vào màn hình, không cần biết có ai bên cạnh, không cần giao tiếp với xung quanh.

Lâu dần, lũ trẻ bị phụ thuộc vào thiết bị công nghệ mà trở thành các con nghiện. Để rồi khi trưởng thành sẽ là cả một thế hệ trẻ không thích giao tiếp, không biết giao tiếp. Ra quán cà phê, các khu sinh hoạt cộng đồng hình ảnh dễ nhận thấy là ai cũng cúi đầu… nhìn điện thoại. Một thế hệ sống lạnh lùng, vô cảm, từ gia đình, đến ở trường và ngoài xã hội.

Nhiều phụ huynh cũng biện minh rằng, thời công nghệ thì việc sử dụng thiết bị điện tử là không thể tránh khỏi. Đó là tất yếu nhưng họ quên mất rằng thiết bị chỉ nên dùng như một công cụ hỗ trợ chứ không phải là một bảo mẫu. Trẻ cần được giáo dục để tự tin ngẩng đầu khám phá thế giới, chứ không phải thông qua màn hình bé tí trong tư thế tiếp nhận kiến thức một cách thụ động như vậy. Chúng cần được trải nghiệm từ chính bản thân chứ không phải qua một màn hình bé tí.

Thói quen “cúi đầu” phụ thuộc vào công nghệ sẽ khiến người ta khó có thể ngẩng đầu thể hiện năng lực cái tôi đầy kiêu hãnh.

Hà Vũ

Exit mobile version