Đại Kỷ Nguyên

Nghiên cứu chỉ ra 5 ứng dụng trắc nghiệm giúp thu hút học sinh trong lớp học

Các hoạt động trắc nghiệm kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ tạo điều kiện cho mọi học sinh tham gia vào bài học trên lớp, từ đó thúc đẩy hiệu quả học tập. 

Thiếu tập trung là một tình trạng phổ biến trong lớp học, đặc biệt với những môn học khô khan kém hấp dẫn. Vậy làm thế nào để thu hút tất cả học sinh tham gia vào việc học trên lớp? Đó thực sự là một thách thức, đòi hỏi ở người giáo viên nỗ lực và cả sự sáng tạo. Một trong những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là tổ chức bài giảng kèm theo các hoạt động tương tác, thực hành tại lớp.

Thực sự các hoạt động phối hợp và chủ động trong học tập sẽ giúp học sinh học hiệu quả hơn và nhớ bài lâu hơn. Tuy nhiên, theo cách giảng dạy truyền thống, chỉ có một số em có cơ hội tương tác mà không phải tất cả thành viên trong lớp. Một số ứng dụng trắc nghiệm như Swift Polling, Socrative và PollDaddy có khả năng giúp nhiều học sinh cùng tham gia, từ đó tăng cường tương tác trong lớp.

Dưới đây là 5 cách thức sử dụng công cụ trắc nghiệm khác nhau:

Đố vui và thi đấu trắc nghiệm

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Psychology (tạm dịch là tạp chí Tâm lý học thực nghiệm), thực hành trả lời câu đố trước kỳ thi là một phương thức giúp cải thiện thành tích của học sinh ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ảnh minh họa: Tes.

Giáo viên có thể tổ chức “ngày hội đố vui” trước mỗi đợt thi học kỳ để kiểm tra kiến thức của học sinh. Đây là một cách làm vừa mang lại niềm vui vừa có tính tương tác cao.

Để khuyến khích tinh thần thi đua, giáo viên có thể chuẩn bị những phần quà nho nhỏ cho người chiến thắng như sô cô la nhiều màu sắc chẳng hạn. Đội thắng cuộc sẽ là đội dành được nhiều sôcôla nhất. Trò chơi vui nhộn này sẽ giúp học sinh củng cố các kiến thức cốt lõi và thêm tự tin sẵn sàng cho kỳ thi.

Kiểm tra kiến thức của học sinh về một chủ đề

Có đôi lúc giáo viên băn khoăn không biết học sinh có hiểu bài hay không. Nếu hỏi trực tiếp rằng “Em có hiểu bài không?” có thể sẽ không có tác dụng vì thông thường học sinh không muốn bộc lộ điểm thiếu sót của mình. Một cuộc trắc nghiệm nhanh,thực hiện giữa chừng bài học có thể giúp đánh giá khả năng mức độ hiểu bài của học sinh và điều chỉnh bài giảng dựa trên nhu cầu của các em.

Một ứng dụng trắc nghiệm sử dụng smart phone (ảnh: Quora).

Giáo viên có thể dễ dàng thực hiện việc này bằng các câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho học sinh thời gian suy ngẫm và kiểm tra kết quả.

Điểm danh bằng công nghệ

Hầu hết giáo viên đều sử dụng cách điểm danh truyền thống, trong khi cách này thường tốn thời gian, chiếm 5-10 phút mỗi giờ học.

Thay vào đó, giáo viên có thể dùng bảng thăm dò bằng tin nhắn và web để điểm danh hàng ngày và biến những phút đầu tiên của giờ học thành một hoạt động sôi nổi thú vị hơn cho học sinh. Có thể thực hiện một cuộc thăm dò với câu trả lời là tên tất cả học sinh trong lớp, học sinh theo đó chọn tên của mình trong số các đáp án, đây là một cách tương tác đầy hứng thú trước mỗi giờ học.

Các em học sinh rất thông minh, láu lỉnh và thường tìm cách qua mặt thầy cô. Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn! Để đảm bảo rằng học sinh không điểm danh giúp bạn học vắng mặt, giáo viên có thể giới hạn lượt chọn tên cho mỗi thiết bị. Giáo viên cũng có thể cài đặt hẹn giờ để tất cả học sinh đưa ra lựa chọn cùng lúc và không ai có đủ thời gian kịp điểm danh hộ các bạn vắng mặt.

Phản hồi từ các khảo sát giấu tên

Biết được suy nghĩ, ý kiến của học sinh về bài học là một cách hiệu quả giúp giáo viên đánh giá và cải thiện phương pháp giảng dạy. Vì nhiều học sinh có thể không muốn trực tiếp đưa ra ý kiến phản hồi nên khảo sát giấu tên giúp các em thoải mái bộc lộ cảm nhận về bài giảng, từ đó giáo viên có thông tin và động lực cải thiện cách làm của mình.

Ngoài các khảo sát cuối kỳ thường thấy, giáo viên cũng có thể thu thập phản hồi của học sinh ngay từ giữa học kỳ để kịp thời gian đưa ra điều chỉnh.

Thảo luận

Thảo luận là một phần quan trọng của bài học nhưng đôi khi không phát huy tác dụng, vì một số học sinh không thấy thoải mái khi nêu thắc mắc trước mặt các bạn cùng lớp.

Trong một lớp học luôn có vài học sinh rất tích cực, đặt ra hàng tá câu hỏi cho giáo viên, trong khi những em còn lại khá thờ ơ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của ứng dụng trắc nghiệm, giáo viên dễ dàng nhận được các câu hỏi mở từ mọi thành viên trong lớp, nhờ thế quá trình hỏi đáp trở nên kịch tính và hấp dẫn hơn. Có thể nói rằng công cụ này giúp phát triển tư duy phản biện và thu hút học sinh tham gia các buổi thảo luận.

Video xem thêm: Pháp Luân Công – Những hỏi đáp, thắc mắc

Exit mobile version