Đại Kỷ Nguyên

Người mẹ của các bậc vĩ nhân (Kỳ 1): Xuất thân bần hàn, Tổng thống Lincoln nên sự nghiệp nhờ người mẹ kế

“Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng một người phụ nữ”, người ta vẫn luôn nói thế để đề cao vai trò của người vợ đối với thành công của nam giới. Đúng vậy, nhưng ít ai để ý rằng trước khi người phụ nữ ấy đến với cuộc đời anh ta thì đã có một người phụ nữ khác sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo cho anh ta từ những bước đi đầu đời, người gieo những hạt giống tâm hồn đầu tiên vào đầu óc thơ trẻ của anh ta, chăm lo tưới bón cho nó bằng tình yêu thương để sau này nó lớn thành đại thụ. Người ấy luôn dõi theo bước chân anh ta trên bước đường đời dù gian khó hay thuận lợi để nâng đỡ tinh thần. Đó là mẹ. Do vậy cũng có thể nói rằng: “Đằng sau mỗi vĩ nhân đều có hình bóng một người mẹ”. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài dài kỳ về người mẹ của những vĩ nhân trên thế giới.

Abraham Lincoln là người có tài trời phú. Nhưng ít ai biết rằng, tài năng ấy được hun đúc từ những người mẹ tuyệt vời của ông. 

Abraham Lincoln là tổng thống thứ 16 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865, ông thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự và đạo đức – cuộc Nội chiến Mỹ – duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.

Ông còn được gọi với những tên hiệu khác như Abe Thành Thật (Honest Abe), Người xẻ gỗ (Rail Splitter), Người Giải Phóng Vĩ Đại ( Great Emancipator). Ông là người nổi tiếng với những phẩm chất cao quý như sự chân thật, lòng tốt, sự thương yêu con người và đức kiên nhẫn vô song, tài lãnh đạo xuất chúng và thuật hùng biện… mặc dù ông có xuất thân bần hàn. Tên của Lincoln hầu như luôn đứng đầu danh sách những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ qua nhiều thời kỳ.

Tên của Lincoln hầu như luôn đứng đầu danh sách những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ qua nhiều thời kỳ. (Ảnh: heraldnet.com)

Thiên tài là trời cho, nhưng cũng phải trải qua quá trình xây dựng vun đắp của con người. Lincoln đã tự học hỏi rất nhiều nhưng ai biết được rằng trong những nỗ lực ấy của ông có sự ủng hộ của hai người mẹ tuyệt vời.

Người mẹ đẻ của Lincoln

Nancy Hanks Lincoln là người mẹ đẻ đã làm ông thấm nhuần đức tính trung thực và lòng trắc ẩn. Bà đã gieo vào con trai mình những hạt giống của lòng ham hiểu biết. Mặc dù bà không phải là người được giáo dục chính quy một các đầy đủ, Nancy đã khắc sâu tầm quan trọng của việc học và việc đọc cho con trai bà khi gia đình họ chuyển đến vùng giáp ranh giữa hai bang Kentucky và Indiana. Tuy nhiên bà mất sớm vì uống phải sữa nhiễm độc khi Lincoln mới lên 9.

Nancy Hanks Lincoln là người mẹ đẻ đã làm ông thấm nhuần đức tính trung thực và lòng trắc ẩn. (Ảnh: pinterest.com)

Nhưng Chúa đã ban tặng cho Lincoln một người mẹ nữa

Người mẹ ấy tên là Sarah Bush Lincoln, bà là mẹ kế của Lincoln. Trong tâm khảm của chúng ta khi nghe từ “mẹ kế”  hay “dì ghẻ” có ít nhiều ác cảm. Người Việt có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Người phương Tây có câu chuyện nàng Lọ Lem, nàng Bạch Tuyết, nước Việt có chuyện Tấm Cám, đều là nói về sự bất công ác độc của người mẹ kế đối với con riêng của chồng. Nhưng với Lincoln thì không, bà Sarah đối với Lincoln không khác gì mẹ đẻ.

Sau này ông từng nói: “Những gì tôi có được ngày hôm nay hay mãi về sau, tất cả là nhờ người mẹ thiên thần của mình”. Hay “bà là người bạn tốt nhất của tôi trên thế giới này và không người con trai nào có thể yêu một người mẹ hơn tôi yêu quý bà”. Đó là những lời hiếm hoi của Lincoln vì vốn dĩ khác với các chính trị gia ngày nay luôn nhìn thấy những chi tiết trong thời niên thiếu của mình như một cơ hội để nâng cao hình ảnh, Lincoln rất hiếm khi nói về mình.

Vậy bà Sarah Bush Lincoln là ai mà được vị tổng thống vĩ đại trọng vọng như vậy?

Bà vốn chỉ là một người phụ nữ ít học, mẹ của ba người con trước khi tái giá với người cha góa vợ Thomas Lincoln của tổng thống Lincoln. Khi theo ông Thomas Lincoln về vùng Indiana xa xôi, gia tài khiêm tốn của người phụ nữ này cũng có mấy quyển sách như “ Truyện ngụ ngôn Aesop”, “Hành Hương” (The Pilgrim’s Progress của Bunyan), “Robinson Crusoe”, “Thủy thủ Sinbad”.

Mặc dù mù chữ nhưng bà Sarah đã tiếp tục công việc của mẹ đẻ Nancy trong việc gieo trồng lòng ham hiểu biết và trí tuệ cho Abe qua việc đọc sách. (Ảnh: thomaslegion.net)

Đó chính là những quyển sách mà Lincoln thuộc lòng. Thời ấy, sách vở rất hiếm, nhưng Lincoln sẵn sàng đi bộ mấy chục cây số để chỉ đọc được một quyển sách. John Hanks, bạn thân của Abe, và là họ hàng bên mẹ đẻ, kể lại: “Khi Abe và tôi trở về nhà từ công việc, cậu ta sẽ đi ngay tới tủ nhà bếp, vồ lấy một miếng bánh mì hạt, ngồi xuống, lấy một quyển sách, dựng hai chân lên ngang đầu, và đọc… Lúc nào Abe có cơ hội, trong lúc làm việc trên đồng hay ở nhà, cậu ta sẽ ngưng lại và đọc”.

Mặc dù mù chữ nhưng Sarah đã tiếp tục công việc của mẹ đẻ Nancy trong việc gieo trồng lòng ham hiểu biết và trí tuệ cho Abe qua việc đọc sách. Bà cung cấp sách cho ông đọc. “Sarah có sự đánh giá cao giá trị của giáo dục”, Oppenheimer (1) nói. “Bà đã sớm nhận ra điều gì đó đặc biệt về cậu bé này và đã bảo vệ quyền theo đuổi những phát triển trí tuệ của cậu”.

Chúng ta nhớ rằng gia đình Lincoln là một gia đình lao động và họ sống ở một nơi còn hoang vu là miền tây nước Mỹ vào thế kỷ 19 thì việc lao động chân tay là trách nhiệm, nghĩa vụ và giá trị chân chính của người đàn ông trong gia đình. Sách vở chỉ là phù phiếm và dành cho những kẻ lười nhác. Đó chính là suy nghĩ của người cha Thomas của Abe. Nhưng Sarah không nghĩ vậy. Dưới sự hướng dẫn và bảo vệ của bà, Lincoln tiến bộ rất nhanh. “Cậu ấy đọc mọi quyển sách mà cậu có trong tay”, bà hồi tưởng, ‘và sớm sẵn sàng thực tập viết và diễn thuyết, cậu ấy còn khao khát hiểu được nghĩa chính xác của một từ. Sau khi nghe bài giảng của người truyền giáo địa phương, cậu đôi khi đứng trên một gốc cây, tập hợp lũ trẻ lại quanh mình và “lặp lại hầu như từng từ một”. Như vậy, mẹ kế và con chồng đã nhanh chóng thiết lập một mối gắn kết yêu thương. “Tâm trí của cậu ấy và của tôi, dù tôi có ít thôi, cũng song hành theo cùng một hướng”, Sarah nói. Bà đối xử với Abe như thể Abe là máu mủ của bà vậy. Đáp lại tình yêu thương ấy, Abraham Lincoln luôn gọi bà là “bà mẹ thiên thần”.

Abraham Lincoln từ nhỏ đã say mê đọc sách. (Ảnh: Pinterest)

Khi Sarah mới đến ở căn nhà gỗ của ba cha con Lincoln, bà phát hiện thấy bang Indiana thật là một bang “hoang dã và cô lập”, cậu trai trẻ Abraham Lincoln cũng thế. Sarah đã ăn vận cho cậu để cậu “trông giống con người hơn” và mọi thứ ngăn nắp hơn khi có bàn tay bà. “Bà ấy khiến mọi thứ nhanh chóng đâu vào đấy”, Oppenheimer nói. “Họ sống trên sàn nhà bẩn thỉu. Sarah cùng Thomas đóng sàn gỗ, chữa lại mái nhà và quét vôi nhà trắng tinh. Chỉ vài tuần, đó đã thành một hộ gia đình hoàn toàn mới. Họ (ba cha con Lincoln) lại trở thành người”.

Nhưng “người mẹ thiên thần” mà Lincoln vẫn trìu mến gọi đâu chỉ có thế. Mặc dù thiên hướng của Lincoln khiến cho ông khác với những đứa trẻ khác trong vùng, nhưng Sarah thì luôn luôn động viên và khuyến khích ông phát triển trí tuệ qua việc học và đọc. Vì đọc nhiều và ham hiểu biết, cha ông cũng nhiều lúc khó trả lời hay thậm chí nổi cáu trước những câu hỏi của ông.

Vẻ ngoài cao lòng khòng, chân tay quá khổ và khuôn mặt không được ưa nhìn khiến người ta chê ông xấu xí. Nhưng điều mà những người xung quanh không lý giải được là khác với bạn bè cùng trang lứa, Lincoln không quan tâm tới quần áo, uống rượu, chơi bài hay săn bắn. Lincoln chỉ thích làm xong việc thì đọc sách. Do vậy, ông bị chê là “lập dị”. Cha ông bảo ông “phí phạm thì giờ”. Còn người hàng xóm thuê ông làm việc thì than phiền: “thằng này cả ngày đọc sách và suy tư” và xem ông là “đồ lười chảy thây.”

Những lúc ấy bà Sarah lại hay an ủi: “Người ta có thể móc mỉa con, nói xấu con nhưng đừng bao giờ để điều đó khiến con sợ hãi, nghi hoặc bản thân”. Những năm sau cái chết của Lincoln, bà đã kể lại: “Abe là cậu bé tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy. Tôi có thể nói điều mà hiếm khi một người phụ nữ – một người mẹ – có thể nói đó là: Abe chưa bao giờ nói hay nhìn tôi cáu kỉnh và thực tế chưa bao giờ từ chối hay tỏ vẻ từ chối khi tôi yêu cầu cậu ấy. Cậu ấy cũng không bao giờ nói dối tôi, không bao giờ lảng tránh, lập lờ hay vòng vo”.

Bà Sarah nói: “Abe chưa bao giờ nói hay nhìn tôi cáu kỉnh và thực tế chưa bao giờ từ chối hay tỏ vẻ từ chối khi tôi yêu cầu cậu ấy. Cậu ấy cũng không bao giờ nói dối tôi, không bao giờ lảng tránh, lập lờ hay vòng vo”. (Ảnh: infinityangel.com)

Như vậy, dù là người phụ nữ ít học, dù là mẹ kế, dù là người lao động chân tay và sống ở một nơi cách xa đời sống văn minh và ánh sáng tri thức nhưng bài học mà bà Sarah để lại cho chúng ta đó là: bà nhận thức rõ ràng giá trị của sách vở, của tri thức. Bà biết nhìn ra những tài năng dù khác biệt, dù kỳ lạ với xung quanh của người con chồng và bà tạo mọi điều kiện để Abe phát triển tài năng ấy. Bà biết nhìn ra những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Abe trong khi người khác chỉ thấy vẻ ngoài và lối sống “lập dị” của ông. Đó chính là điều mà Nguyễn Du đã từng viết: “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Và điều quan trọng nhất đó là bà không hề xem Abe là con riêng của chồng mà ngược lại, bà giành tình yêu thương vô hạn cho ông, nâng đỡ an ủi tinh thần cho ông trước những sóng gió của thời niên thiếu. Làm được như Sarah liệu có mấy ai? Bà như món quà mà Chúa đã gửi xuống cho Abraham Lincoln. Không biết rằng nếu bà thuận theo ông chồng muốn Lincoln theo nghề nhà thì vận mệnh của nước Mỹ sẽ ra sao?

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai mẹ con Sarah Bush Lincoln và Abraham Lincoln

Vào ngày 3/1/1861, khi Lincoln đang chuẩn bị họp nội các, ông nhận được một lá thư từ người họ hàng, nói rằng: “Bà ấy đang có gì đó thiếu chín chắn và bất an về ông, sợ rằng có vài đối thủ chính trị sẽ giết ông. Bà ấy rất lo lắng và muốn gặp ông lần nữa”. Và thế là ông trở về.

Có thể họ đã cảm nhận đó là cuộc gặp cuối cùng. Như Abraham, bà ấy bị ám ảnh bởi viễn cảnh u ám. Một lá thư của một trong những người họ hàng đã ghi lại cảnh này: “Bà ôm lấy ông và khi họ từ biệt bà nói bà sẽ không bao giờ được phép gặp ông lần nữa, rằng bà cảm thấy kẻ thù sẽ sát hại ông. Ông đáp lại rằng: Không không Mama ạ (ông luôn gọi bà là Mama), họ sẽ không làm thế đâu. Hãy tin vào Chúa và tất cả sẽ ổn, chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Bốn năm sau tức là năm 1865, lời tiên đoán của bà thành sự thật. Abraham Lincoln bị ám sát. Sarah Bush Lincoln mất năm 1869. Bà được chôn với chiếc váy đen mà Lincoln đã tặng trong lần viếng thăm đó. Phần mộ của bà không có bia cho tới năm 1924, khi một câu lạc bộ địa phương đã dựng một tấm bia cho mộ bà. Thế là phải đạo, vì dù công nghiệp của bà không vang lừng, nhưng bà đã giúp ông trở thành Abraham Lincoln và Lincoln đã cứu Liên Bang. Bà xứng đáng với một sự trọng vọng của người đời.

Chú thích:

(1): Jeff Oppenhiemer – tác giả của “That Nation Might Live,” một tiểu thuyết lịch sử dựa trên nghiên cứu rộng của ông về mối gắn kết mạnh mẽ giữa Lincoln và người mẹ kế.

Bạn đang đọc bài viết: “Người mẹ của các bậc vĩ nhân (Kỳ 1): Xuất thân bần hàn, Tổng thống Lincoln nên sự nghiệp nhờ người mẹ kế” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version