“Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng một người phụ nữ”, người ta vẫn luôn nói thế để đề cao vai trò của người vợ đối với thành công của nam giới. Đúng vậy, nhưng ít ai để ý rằng trước khi người phụ nữ ấy đến với cuộc đời anh ta thì đã có một người phụ nữ khác sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo cho anh ta từ những bước đi đầu đời, người gieo những hạt giống tâm hồn đầu tiên vào đầu óc thơ trẻ của anh ta, chăm lo tưới bón cho nó bằng tình yêu thương để sau này nó lớn thành đại thụ. Người ấy luôn dõi theo bước chân anh ta trên bước đường đời dù gian khó hay thuận lợi để nâng đỡ tinh thần. Đó là mẹ. Do vậy cũng có thể nói rằng: “Đằng sau mỗi vĩ nhân đều có hình bóng một người mẹ”. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài dài kỳ về người mẹ của những vĩ nhân trên thế giới.
Kỳ 3: Người mẹ thiên thần của thánh Ghandi
Mahātmā Gāndhī tên nguyên văn là Mohandas Karamchand Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, người đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao.
Nguyên lý bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được Ghandi đề xướng với tên Chấp trì chân lý (sa. satyāgraha) đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay, bao gồm phong trào Vận động Quyền công dân tại Hoa Kỳ (American Civil Rights Movement) được dẫn đầu bởi Martin Luther King, Jr.. Nguyên lý này đã tạo cảm hứng cho những người chủ trương hành động giành tự do như Đạt-lại Lạt-ma Đăng-châu Gia-mục-thố (Tenzin Gyatso), Lech Wałęsa, Stephen Biko, Aung San Suu Kyi và Nelson Mandela.
Ghandi được hàng triệu dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahātmā, nghĩa là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân” hoặc “Đại nhân”. Ông còn được coi là người cha của xứ Ấn.
Nhưng tìm hiểu về Ghandi mà không tìm hiểu về người đã tạo ra ảnh hưởng lớn nhất đến nhân cách và chí hướng của ông trong cuộc đời – bà Putlibai Ghandi, mẹ đẻ của ông – thì quả là thiếu sót.
Người mẹ của thánh Ghandi
Bà Putlibai Ghandi sinh năm 1839. Bà xuất thân trong một gia đình giàu có thuộc về tầng lớp thương nhân – tầng lớp có đặc quyền xếp thứ ba sau tầng lớp Bà La Môn và chiến binh. Từ thuở thơ ấu, bà Putlibai được dạy để tuân thủ nghiêm khắc và kính trọng những truyền thống thiêng liêng theo đúng kiểu giáo dục các bé gái của xã hội Ấn Độ thế kỷ 19.
Bà đã cưới Karamchand Ghandi, một người đàn ông ở cùng đẳng cấp, trên dưới 40 tuổi, ba lần góa vợ và có hai đứa con riêng. Karamchand là con trai của một gia đình giàu có và ông cũng giữ chức Tổng Bộ Trưởng trong 28 năm. Hai ông bà đã có với nhau 4 người con trong đó Mohandas Ghandi là người con út và được yêu quý nhất.
Người có ảnh hưởng mạnh nhất lên cậu trai trẻ Mohandas chính là mẹ cậu, Putlibai, hình mẫu lý tưởng của cậu trong suốt cả cuộc đời. Thông minh và tài năng, bà Putlibai được tôn trọng và được công nhận trong giới thượng lưu. Tuy nhiên, gia đình mới là sự ưu tiên cao nhất của bà.
Putlibai là một bà mẹ phi thường, bà chăm lo cho bầy con với một sự hiến dâng trọn vẹn. Nhờ vào sự chăm sóc tận tâm của bà mà cả bốn người con đều sống sót, một hiện tượng hiếm gặp ở Ấn Độ thời ấy. Nếu ai đó trong gia đình đau ốm thì bà sẽ quên mình chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Putlibai không có bất cứ sự yếu đuối nào của phụ nữ ở tuổi bà và ở tầng lớp xã hội của bà. Bà hết sức thờ ơ với đồ vật đẹp và trang sức quý. Cuộc đời bà bao gồm một chuỗi những đợt nhịn ăn và những thề nguyện. Dường như hình dáng mảnh dẻ của Putlibai được chống đỡ bởi sức mạnh của đức tin.
Putlibai với đám trẻ luôn đeo bám, đã phải phân chia thời gian giữa điện thờ và gia đình. Lũ trẻ của bà tò mò và bị lôi cuốn bởi những kỳ nhịn ăn và cầu nguyện của mẹ chúng. Putlibai thường xuyên tuân thủ một lời thề rằng không ăn bất cứ thứ gì cho tới khi bà nghe thấy tiếng chim cu gáy. Một lần, tiếng chim cu đã im bặt quá lâu. Ghandi lúc ấy vẫn còn là một đứa trẻ đã hết sức lo lắng và không thể chịu nổi việc mẹ có thể bị chết đói. Vì yêu thương và lo lắng cho mẹ mà cậu đã đi ra sau nhà và giả giọng chim. Tất nhiên, đó là một mục đích tốt. Tuy nhiên, Putlibai đã hết sức phiền muộn – bà đã biết con trai muốn đánh lừa mình. Bà bật khóc và than vãn: “Tôi đã làm gì thế này, tôi đã phạm tội gì để sinh ra một đứa con dối trá!”. Dù lời nói dối của Ghandi là vì mục đích tốt đẹp và thánh thiện, ông đã thề rằng ông sẽ không bao giờ nói dối nữa. Đấy là lời hứa mà Ghandi đã giữ vững suốt cả cuộc đời do đã được mẹ giáo huấn.
Tình yêu bao la, ý chí và sự quyết tâm khổ hạnh của mẹ đã in đậm lên tâm hồn Mohandas suốt đời. Sau này, Ghandi có quan niệm rằng hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ là tình yêu và sự hy sinh, đó là ông lấy từ nguyên mẫu của mẹ mình. Ông càng lớn thì trong ông càng đầy ắp cái tình yêu thương của một người mẹ vượt qua cả khuôn khổ gia đình mà dành cho cộng đồng, cho nhân loại. Đấy là do ảnh hưởng của mẹ ông. Phải chăng đó chính là lòng từ bi? Một phẩm chất cao thượng của bậc thánh đã vượt qua chút tình riêng chật hẹp của người thường.
Ông đã tắm rửa cho cả người hủi trong những căn lều bẩn thỉu của họ. Hơn thế, ông còn có khả năng kêu gọi lòng trắc ẩn qua tấm gương chịu khổ ải của bản thân, một phương pháp mà những người vợ, người mẹ đã thực hành từ thuở xa xưa.
Putlibai là một phụ nữ cực kỳ sùng đạo. Ảnh hưởng của bà lên người thanh niên Mohandas Karamchand Ghandi đã định đoạt số phận của anh. Như hầu hết các gia đình Ấn Độ, tôn giáo được đưa vào giáo dục trẻ từ rất sớm. Căn nhà của Ghandi luôn mở rộng cửa chào đón những tín đồ của mọi tôn giáo, những người khách thường xuyên của gia đình họ. Những nghi thức tôn giáo bao gồm những đợt nhịn ăn là một phần của giáo dục và văn hóa gia đình. Người lớn tuổi được tôn trọng và được người dưới vâng lời, đó là luật.
Khi cha của Ghandi có sự bất đồng với chính quyền và phải rời Raikot thì bà Putlibai 37 tuổi. Ông Karamchand Ghandi mất 10 năm sau đó. Có thể điều này đã khiến Ghandi buồn rầu và không cư xử như một người ngoan đạo. Ông hút thuốc, ăn thịt v.v., những việc có thể bị coi là tội lỗi trong Ấn giáo. Putlibai không biết về sự sa ngã này của con trai. Bà trở nên cực kỳ lo lắng khi biết rằng Ghandi có ý định đến Anh Quốc để tiếp tục học. Bà choáng váng khi những người lớn tuổi trong đẳng cấp của bà nói rằng đi Anh là bất lợi cho tín ngưỡng của họ. Bà đã khiến Ghandi phải thề rằng ông sẽ không động vào rượu, đàn bà, thịt, thuốc lá trong suốt quá trình sống ở Anh. Hầu hết mọi người đều hết sức nghi ngờ về quyết tâm của ông, chỉ có mình Putlibai tin ông, vì bà biết rằng ông tốt hơn bất kỳ ai khác. Bà đoán chắc rằng Mohandas sẽ không bao giờ phá vỡ lời thề trang nghiêm của mình.
Năm 1888, Ghandi đến Anh. Ông nhanh chóng kết bạn với nhiều người. Khi những người bạn ở Anh cố thuyết phục ông bỏ cái chuỗi hạt mẹ ông đã đưa cho ông như một vật chứng nhắc nhở ông về lời thề của mình, ông đã nhất quyết không bỏ nó đi. Cũng như ông nhất quyết không để họ gọi mẹ mình là mê tín.
Hầu hết những người bạn của Ghandi tại Anh coi ông như một biểu tượng của sự thành thực.
Ghandi không bao giờ được gặp mẹ nữa. Bà đã mất năm 1891 trước khi ông quay về Ấn Độ. Vì biết sự gắn bó của hai mẹ con và sợ rằng ông sẽ dứt khoát bỏ học để quay về chịu tang mẹ mà không ai trong gia đình hay bạn hữu dám thông báo cho ông tin mẹ mất.
Những bài học đầu tiên về tình người của Ghandi là học từ người mẹ của mình. Nhờ vào tình yêu và sự giáo dục, vào tấm gương của mẹ mà sau này Mohandas Ghandi đã trở thành Mahatma, theo tiếng Ấn có nghĩa là “Linh hồn vĩ đại”.
Bình Nguyên