Người Nhật nổi tiếng vì cách giáo dục rèn luyện trẻ em tinh thần tự lập và khả năng tự giải quyết vấn đề từ rất sớm. Nhưng vì sao trẻ em Nhật Bản lại không có không gian riêng để học? Hãy xem cách dạy con của người Nhật.
Trong văn hoá phương Đông, hầu như các bậc cha mẹ đều có ước muốn “Vọng tử thành long”, mong muốn con thành rồng. Cũng chính vì lẽ đó mà mỗi gia đình đều tận lực cung cấp cho con cái những điều kiện tốt nhất để học tập, ví như có phòng học riêng, không gian yên tĩnh để chuyên tâm học tập.
Vậy tại sao ở một đất nước có nền giáo dục khuyến khích trẻ em phát triển tính tự lập ngay từ nhỏ lại không cho con cái phòng học riêng? Chúng ta vẫn thường thấy cảnh học sinh tại Nhật chăm chú đọc sách ở các nơi công cộng như ga tàu điện ngầm, sân bay, hay trong công viên mà không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.
Yếu tố gì đã làm nên được điều đó?
Khi tôi đến Nhật du học một thời gian, tôi thường đến nhà một số bạn học người Nhật chơi. Dần dà tôi phát hiện các gia đình ở Nhật hầu như không có phòng học riêng cho con cái. Cho dù trong nhà có phòng đọc sách thì cũng chỉ để dành riêng cho người lớn, còn trẻ em học ở không gian chung như phòng khách.
Đem thắc mắc này đến hỏi thầy giáo người Nhật, tôi nhận được câu giải đáp khiến tôi càng ngưỡng mộ hơn nữa cách giáo dục của họ.
Thông thường các gia đình ở Nhật chỉ có một phòng đọc sách, và vì là không gian yên tĩnh nên họ thu xếp cho con cái học tập ở đây. Nhưng sau đó họ nhận thấy nếu không có người lớn giám sát thì thường trẻ em ít tập trung vào việc học, mà chỉ học qua quýt rồi lại chơi điện tử hoặc điện thoại với bạn bè. Bên cạnh đó, nếu như dành phòng đọc sách duy nhất trong gia đình cho con học tập sẽ tạo cho con cái có thói quen suy nghĩ bản thân mình là trung tâm của gia đình, muốn gì được đấy. Như vậy con cái sẽ không biết được sự cực nhọc của cha mẹ.
Tuy nhiên đây chỉ là lý do bề mặt, người Nhật còn ẩn ý khác là khi cho rằng, con cái có một không gian độc lập sẽ dẫn tới sự xa cách với các thành viên trong gia đình. Rất nhiều gia đình sau khi dùng bữa tối xong, con trẻ buông bát xuống liền nói: “Con vào phòng đọc sách đây”, và không biết chủ động giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp, rửa bát, cũng như ít tiếp xúc, trò chuyện với cha mẹ. Lâu dài sẽ dẫn tới một vấn đề phổ biến mà hầu như gia đình nào cũng gặp phải, đó là “Khoảng cách thế hệ”.
Vấn đề này không chỉ là vấn đề riêng của con cái mà của các bậc cha mẹ, của mỗi thành viên trong gia đình. Thông thường khi người mẹ bận bịu ở phòng bếp, người cha đi làm về chỉ quanh quẩn ở ghế sô pha, đọc báo xem tivi, con cái thì đóng mình trong phòng sách, khiến sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình thuyên giảm, mọi người ngại trao đổi với nhau, làm bầu không khí trong gia đình dần nguội lạnh.
Người Nhật rất nhạy bén với vấn đề này nên quyết định không cho con phòng học riêng. Trước tiên, người cha đi làm về có thể vào phòng đọc sách để nghỉ ngơi, đọc sách, xem báo hay xử lý một số công việc dang dở của mình. Điều này cũng giúp con cái phát triển tinh thần học tập tốt hơn, đồng thời thấy cha đi làm vất vả cả ngày, tối về vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết của bản thân nên con cái cũng từ đó noi theo.
Đối với con cái, ngồi học ở phòng khách giúp chúng có thể điều chỉnh được trạng thái học tập của bản thân, như tăng cường năng lực tập trung, nâng cao khả năng thích ứng với môi trường hoàn cảnh xung quanh. Vì sau này, khi hội nhập xã hội mọi người đều làm việc trong môi trường mở.
Ngoài ra ngồi học ở phòng khách cũng là cơ hội để con cái nhìn thấy sự vất vả của người mẹ phải đảm đương công việc nội trợ, người cha cũng phải làm việc để phấn đấu thăng tiến. Khi con cái nhìn thấy cha mẹ đang hết mình tận tụy vì gia đình, chúng sẽ hiểu được tấm lòng và sự vất vả của cha mẹ. Quan trọng hơn, khi ấy cha mẹ và con cái có dịp trò chuyện nhiều hơn, khiến bầu không khí gia đình thêm ấm áp và gắn kết.
Có thể nói, bằng việc luôn quan sát mỗi từng sự việc, dù là chi tiết nhỏ trong cuộc sống để tìm ra nguyên nhân và phương pháp cải thiện, người Nhật cho chúng ta thấy sự dụng tâm tỉ mỉ trong cách giáo dục của họ. Điều này đáng để mỗi chúng ta học tập và noi theo.
Theo epochtimes.com
Yên Ba biên dịch