Nếu như trước kia nhắc tới trường học là nhắc tới bạo lực, thì giờ đây trường học nơi cô Garofalo dạy đã mang một diện mạo mới hoàn toàn khi có sự hiện diện của lập trình, chế tạo robot, những hoạt động cải thiện môi trường địa phương cùng các vấn đề toàn cầu.

Trước khi trở thành giáo viên, cô Débora Garofalo đã trải qua một tuổi thơ trong nghèo đói và định kiến. Do hoàn cảnh khó khăn, cô phải làm thêm trong lĩnh vực nhân sự ngân hàng để kiếm tiền trang trải chi phí theo học ngành sư phạm. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã mang đến cho cô cái nhìn sâu sắc về các kỹ năng sinh viên cần có để thành công trong môi trường làm việc hiện đại.

Khi đến trường của mình ở ngoại ô São Paulo, gần bốn khu ổ chuột khét tiếng của đất nước, cô Garofalo nhận ra rằng các em học sinh không được giáo dục về công nghệ, do đó sẽ bị hạn chế khả năng phát triển. Trên thực tế , trường học bị thiếu nguồn lực trầm trọng. Những đứa trẻ thường xuyên sống trong bạo lực, bẩn thỉu và nghèo đói.

Ảnh minh họa: Al Jazeera.

Tuy nhiên chính bức tranh cuộc sống đó đã truyền cảm hứng cho cô Garofalo. Cô đã cùng với các sinh viên của mình lập bản đồ về các vấn đề của khu vực địa phương từ những bức ảnh tự chụp. Sau đó cô sử dụng chúng để tạo dựng và phát triển chương trình Robot Rác và chương trình Thúc Đẩy Bền vững. 

Chân dung cô Débora Garofalo, người đã truyền cảm hứng sáng tạo cho những học sinh nghèo ngoại ô São Paulo, Brazil  (ảnh: Porvir).

Đồng thời, cô tổ chức các lớp học mở về quản lý rác thải cho cộng đồng địa phương và khuyến khích mọi người luôn mang theo những thứ có thể sử dụng nhiều lần.

Cô Garofalo khuyến khích học sinh sáng tạo để biến rác thải thành bất cứ thứ gì mà họ có thể tưởng tượng ra.

Một sản phẩm sáng tạo từ vật liệu tái chế (ảnh: Metrojornal).

Đầu tiên, học sinh chỉ triển khai một vài dự án đơn giản và thủ công. Dần dần theo thời gian, cô Garofalo đã hướng dẫn các em về những nguyên tắc cơ bản của điện tử, sau đó là chế tạo robot phức tạp hơn bao gồm cách sử dụng chip có thể điều khiển được. Hơn 2000 học sinh đã tham gia vào chương trình, từ đó tạo ra mọi thứ có thể, từ robot và xe đẩy, cho đến thuyền và máy bay. Hơn 700kg rác đã được tái chế một cách hiệu quả.

Bên cạnh tác động tích cực tới môi trường, chương trình này của cô đã mang đến cải thiện mạnh mẽ cho học sinh. Bởi thông qua quá trình học hỏi và chế tạo, các em được phát triển kỹ năng hợp tác và làm việc liên ngành, đồng thời có kiến thức sâu sắc về điện tử và vật lý. Hơn thế, chúng được học cách trở thành công dân toàn cầu và chứng minh khả năng tác động đến cộng đồng địa phương của chính mình bằng cách loại bỏ rác và tái chế. Kết quả học tập của học sinh tham gia vào dự án cũng cải thiện đáng kể, từ 4.2 lên 5.2, đồng thời 28 học sinh vẫn ở lại trường khi mà trước đó còn đang trong nguy cơ bỏ học.

Có lẽ một trong những thành tựu lớn nhất của chương trình Robot Rác và Thúc Đẩy Bền Vững chính là thay đổi những gì người ta biết đến về trường học. Nếu như trước kia nhắc tới trường học là nhắc tới bạo lực, thì giờ đây trường học nơi cô Garofalo dạy đã mang một diện mạo mới hoàn toàn khi có sự hiện diện của lập trình, chế tạo robot, những hoạt động cải thiện môi trường địa phương cùng các vấn đề toàn cầu.

Robot từ những vật liệu tái chế (ảnh: Metrojornal).

Chương trình của cô cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một trường học. Các trường khác của thành phố São Paulo sau đó đã sử dụng nó như một nền tảng cơ sở cho việc giảng dạy công nghệ mới, bao gồm cả Lập trình và Robot.

Cô Garofalo đã thành công trong việc khơi nguồn sáng tạo cho các học sinh của mình (ảnh: Porvir).

Cô Garofalo có kiến thức rất rộng. Công việc của cô còn bao gồm cả phụ trách nội dung cho sự kiện Tuần lễ Công nghệ São Paulo thường niên, trong đó cô giúp huấn luyện giáo viên từ các nơi về dự án Robot Rác. Ngoài ra, cô thường xuyên viết bài cho ba ấn phẩm giáo dục quốc gia để chia sẻ các kiến thức kỹ thuật và ý tưởng thực tế. Đặc biệt, các công trình giảng dạy của cô có sức ảnh hưởng đến việc định hướng phát triển về giảng dạy trên phạm vi toàn quốc.

“Giáo dục là một trong những nghề nghiệp thú vị và đáng làm nhất. Tôi yêu công việc giảng dạy bởi khả năng biến cuộc sống của sinh viên thành tác nhân thay đổi thế giới tốt đẹp hơn, trên cơ sở một nền giáo dục trọn vẹn, bền vững, chất lượng và công bằng”.

Theo Global Teacher Prize

Video xem thêm: Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Vệ, người lo trước cái lo của người khác

videoinfo__video3.dkn.tv||c5f6397e2__