Giáo dục gia đình là nền móng khởi đầu của đời người, có tác dụng đối với cả một đời con người, và có ảnh hưởng sâu sắc hơn so với giáo dục ở nhà trường và xã hội.
Nhưng nhìn vào hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay, có một số tồn tại lệch lạc, như:
– Coi trọng học tri thức mà coi nhẹ bồi dưỡng đạo đức, học để làm người
– Coi trọng chăm sóc mà coi nhẹ tự lập
– Coi trọng thuyết giáo mà coi nhẹ làm mẫu
– Coi trọng quản lý mà coi nhẹ dẫn dắt tích cực
Giáo dục gia đình là giáo dục nhân sinh quan trọng, nhiều cha mẹ lại không hiểu được tầm quan trọng của nó, không coi trọng và có hành động thích đáng. Rất nhiều người nói ngay không phải nghĩ ngợi rằng: “Từ xưa đến nay cha mẹ quản lý giáo dục con đâu có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, muốn dạy thế nào thì dạy như thế”. Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống luôn luôn có truyền thống tốt đẹp coi trọng giáo dục gia đình.
Người xưa coi giáo dục con cái là chức trách quan trọng của đời người
Gia đình xưa vừa là một tế bào của cuộc sống lại vừa là cơ sở sản xuất và cơ sở giáo dục. Người xưa coi trọng quan hệ giữa tề gia và trị quốc, nói theo ngôn ngữ hiện nay tức là quản lý gia đình và quản lý xã hội.
Trong chương Lễ Ký sách Đại Học có viết: “Người xưa muốn đức sáng chiếu khắp thiên hạ, thì trước hết họ phải quản lý tốt quốc gia của mình. Người muốn quản lý tốt quốc gia của mình, thì trước hết phải quản lý tốt gia đình mình. Người muốn quản lý tốt gia đình mình, thì trước hết phải tu tốt bản thân mình”. Cũng có nghĩa là, người xưa cho rằng “Tu thân rồi mới tề gia, tề gia rồi mới trị quốc, trị quốc rồi mới bình thiên hạ”. Vì “Cái gốc của thiên hạ là quốc gia, cái gốc của quốc gia là gia đình, cái gốc của gia đình là bản thân mình”.
Điều đó đã nói rõ ràng đầy đủ quan hệ giữa cá nhân, gia đình và quốc gia. Quản lý quốc gia phải bắt đầu từ quản lý gia đình, quản lý gia đình phải bắt đầu bằng giáo dục con cái. Xuất phát từ mục tiêu “Tề gia trị quốc”, người xưa đã coi giáo dục gia đình là “Gốc rễ của quốc gia”, rất coi trọng tác dụng của giáo dục gia đình.
Bản Gia huấn chữ nôm có câu:
“Lại khuyên con việc tề gia
Phải cho cần kiệm thuận hòa là hơn”
Người xưa coi việc giáo dục con cái là trọng trách của cha mẹ. Nuôi con thì phải dạy, nuôi con mà không dạy thì không những nguy hại đến bản thân mà còn nguy hại đến người khác, và càng nguy hại hơn cho quốc gia. Sách giáo khoa dạy trẻ em xưa, nổi tiếng nhất là Tam Tự Kinh cũng có câu:
“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá,
Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”
Nghĩa là:
“Nuôi con mà không dạy dỗ, đó là cái lỗi của người cha (bậc cha mẹ)
Dạy dỗ mà không nghiêm, đó là sự lười biếng của người thầy”
Trình Di, bậc thầy Nho học đời Tống nói: “Niềm vui của đời người, không gì bằng đọc sách. Việc trọng yếu nhất của đời người, không gì bằng giáo dục con cái”. Cách nhìn nhận này của người xưa cũng có nhiều ý nghĩa thực tiễn, có giá trị trong xã hội ngày nay.
Giáo dục gia đình xưa chú trọng giáo dục chí hướng
Người xưa có câu: “Người không gây dựng được chí hướng, thì không phải là người”.
Có thể thấy người xưa vô cùng chú trọng gây dựng chí hướng cao xa cho con cái, làm một người chính trực. Người xưa không những nhận ra tầm quan trọng của lập chí mà còn đề ra lập chí thế nào là tốt nhất.
Dương Kế Thịnh đời Minh nói: “Con người cần gây dựng chí hướng… Chúng ta quyết tâm gây dựng chí hướng làm người quân tử. Không câu nệ chấp vào việc có làm quan hay không, thì mọi người đều kính trọng chúng ta. Do đó chúng ta việc đầu tiên là phải gây dựng được chí hướng”.
Có thể thấy người xưa không quá coi trọng làm quan, mà chú trọng phải hiểu rõ đạo lý, đầu tiên phải làm một người quân tử chính trực.
Cách nhìn nhận “gây dựng chí hướng” gắn liền với “làm người” như thế này, là cách nhìn hiếm có và quý báu trong xã hội ngày hôm nay. Chúng ta thường thấy các cha mẹ muốn con cái phải như thế nào, như thế nào, sau này phải trở thành chuyên gia gì, quan chức gì, hay bậc thầy gì…
Tất nhiên xã hội cần các loại chuyên gia, các loại quan chức, các loại thầy, nhưng để xây dựng một xã hội hòa ái, an toàn, thì cần phải có những con người lòng ôm chí lớn, chính trực, hiểu rõ đạo lý làm người.
Người xưa giáo dục con cái coi trọng giáo dục cần kiệm chất phác, liêm khiết
Lấy cần kiệm làm gốc, yêu tiếc từng manh áo bát cơm, đó là một phần trong giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân sinh. Người xưa tôn sùng cần la, tiết kiệm, đơn giản, chất phác, cho rằng: “Xem cái thường tình của con người, từ tiết kiệm sang xa hoa rất dễ, mà từ xa hoa về tiết kiệm thì rất khó”.
Rất nhiều danh nhân xưa đã để lại các gia huấn. Họ đều hiểu rõ “Thành công bởi cần kiệm, thất bại bởi xa hoa”, coi đơn giản tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp trong cuộc đời.
Đạo lý này không có gì là thâm sâu huyền diệu, và cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng ngày nay, đại đa số các bậc cha mẹ đều không biết. Ngày nay, thường nghe thấy các cha mẹ nói câu này “Tiền không tiêu cho con cái thì để làm gì?”. Ngay cả những bậc cha mẹ đang chịu cực khổ, tiền nong chẳng có gì gọi là dư dật cũng nghĩ như vậy, cho rằng: “Chúng ta hồi nhỏ khổ cực nhiều rồi, để cho con cái hưởng phúc tiêu pha nhiều một chút cũng không có gì là quá đáng”.
Chính vì có suy nghĩ như thế dẫn đến thực tế giáo dục gia đình của họ có rất nhiều người thất bại. Rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay vung phí tiền bạc, quần áo mới mặc vài lần vất đi, làm giẻ lau, đồ ăn thừa thãi đổ đi, nhiều đồ còn chưa động đũa cũng đã đổ đi.
Ngược lại, những người khi còn nhỏ được tiếp thu giáo dục truyền thống thì đều hiểu và thực hiện tốt: “Mỗi bát cơm bát cháo, nên nghĩ có được không dễ. Sợi tơ, mảnh vải, thường niệm vật lực gian nan”.
Ngoài ra, hiện nay có không ít người đã đánh mất đức tính truyền thống tốt đẹp, thường cho con cái hưởng thụ vật chất, vui chơi giải trí đắt tiền, coi đó là việc quan trọng, là phần thưởng cho con cái. Thực ra cứ như thế thì khi đứa trẻ lớn lên, chúng rất ích kỷ, các tố chất tâm lý, khả năng chịu đựng, ý chí đều rất yếu kém, như thế thì các khổ đau trong cuộc sống đang chờ đợi phía trước chúng.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh thiếu niên ngày nay thường gặp các vấn đề về tinh thần, tâm lý, nhiều em đã trầm cảm, sinh bệnh, thậm chí tự sát, và nhiều em lại trở nên buông thả, cờ bạc, game, rượu, ma túy, đánh nhau, thậm chí phạm tội trộm cắp cướp giết…
Giáo dục gia đình xưa không chỉ tôn sùng cần kiệm, mà còn chú trọng giáo dục chính trực liêm khiết, coi trọng “Thanh bạch truyền gia” (Giữ thanh bạch làm báu vật truyền gia).
Người xưa tu dưỡng khổ luyện thành tài, tài đức song toàn, nhưng sống thanh bạch, cần kiệm, không tích trữ tiền bạc tài sản, không để lại tài sản cho con cháu, mà chú ý giáo dục con cháu có đức hạnh, có lối sống thanh bạch, cần kiệm, coi đó mới là báu vật gia truyền. Vì họ quan niệm, nếu con cháu cũng hiền tài, đức hạnh như họ thì còn cần tiền bạc tài sản làm gì? Vì tiền tài chỉ làm cho tổn hao ý chí, mài mòn chí hướng mà thôi. Còn nếu con cháu ngu dốt, kém đức hạnh, thì cũng để tiền bạc tài sản lại cho chúng làm gì? Vì tiền tài sẽ làm tăng thêm tội lỗi cho chúng.
Người xưa dạy con rất kỵ nuông chiều
Người xưa dạy con, coi trọng nhân từ yêu thương, hết sức tránh nuông chiều. Hàn Phi Tử nói: “Gia đình nghiêm khắc thì sẽ không có con cháu ngỗ ngược phạm tội. Mẹ hiền từ thì sẽ không có con bại hoại”. Tư Mã Quang nói: “Là người làm mẹ, không lo mình không đủ nhân từ, mà phải lo chỉ biết yêu thương mà không biết dạy dỗ con”.
Người xưa cho rằng, cha mẹ yêu thương con cần lý trí và có chừng mực thì mới có tác dụng tốt. Yêu thương con quá mức sẽ thành nuông chiều, sẽ khiến cho con cháu có tính bừa bãi phóng túng, kiêu ngạo, ích kỷ, rất nguy hại đến đường đời sau này của con, thậm chí lầm đường lạc lối. Do đó Yêu không được Chiều.
Về phương pháp giáo dục con của người xưa, thì bức thư Gia Cát Lượng gửi con “Thư răn dạy con” là ngắn nhất mà lại chứa đầy đủ nhất tư tưởng giáo dục gia đình của người xưa:
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.
Video xem thêm: Sai lầm của chúng ta: Nổi nóng với người thân, khoan dung với người lạ