Người xưa dạy, khiêm tốn là khởi nguồn của phúc báo, còn cao ngạo là khởi đầu của hậu họa diệt vong. Một đứa trẻ sớm có được những đức tính đáng quý sẽ được may mắn. Vậy trẻ có tính cách kiêu ngạo phải làm sao? Nguyên nhân nào tạo nên tính cách đó và cách sửa cho trẻ thế nào?

Tính kiêu ngạo sẽ ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và tương lai của trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải quan tâm và dạy dỗ trẻ đúng cách để trẻ không trở nên kiêu ngạo. Muốn tránh cho trẻ trở nên kiêu ngạo thì cha mẹ phải chú ý một số điểm sau:

Nguyên nhân khiến trẻ trở nên kiêu ngạo là do cách giáo dục, ứng xử của cha mẹ

Khen ngợi liên tục: 

Việc công nhận thành công của trẻ rất hữu ích để thúc đẩy sự nỗ lực, tinh thần lạc quan ở trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn khen ngợi liên tục dù là điều nhỏ nhặt nhất sẽ khiến trẻ nảy sinh thái độ kiêu ngạo, sinh tâm lý tự mãn. Bạn nên khen ngợi khi trẻ vượt qua những khó khăn đòi hỏi sự dốc sức đặc biệt, chẳng hạn khi lần đầu biết xúc cơm, lần đầu có thể tự thay quần áo. Khi khen, bạn hãy nhấn mạnh thành công này xuất phát từ sự nỗ lực, kiên trì của trẻ thay vì khen ngợi chung chung như “Con làm tốt lắm!”, “Con giỏi quá!”.

So sánh con:

Giống như người lớn, trẻ em có những thế mạnh, tài năng khác nhau. Nếu con bạn giỏi múa hay bất kỳ lĩnh vực nào bạn không nên khen con rằng “Con múa đẹp hơn bạn này”. Những sự so sánh nhằm đề cao trẻ sẽ khiến các em nảy sinh thói tự kiêu, coi bản thân là nhất và ngừng cố gắng. Khi phát hiện khuyết điểm của bản thân, các em sẽ che giấu chúng thay vì đối mặt.

Ảnh minh hoạ.

Nuông chiều:

Cha mẹ luôn muốn dành cho con cái những điều tốt đẹp, quý giá nhất nhưng vô tình sự nuông chiều quá mức sẽ khiến con nảy sinh tâm lý kiêu ngạo hoặc thói quen ỷ lại. Khi con làm sai, bạn không nên dung túng mà nên chỉ ra sai lầm để con học cách thay đổi hoặc giúp con hiểu và đối mặt với những bất công trong xã hội.

Tấm gương xấu:

Trong nhiều trường hợp, trẻ mô phỏng lại hành động, thái độ của cha mẹ hoặc người lớn thân cận. Nếu phụ huynh có tính cách kiêu căng, ngạo mạn, trẻ có thể lấy đó làm gương, hình thành tính cách xấu.

Giải pháp nào giúp con khắc phục tính kiêu ngạo?

Đừng khiến trẻ nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ

Dù yêu quý con mình bạn cũng không nên cho trẻ thấy rằng trẻ là trên hết, là nhất. Cũng không nên đề cao quá mức năng lực của trẻ. Cha mẹ cần phải dạy cho trẻ hiểu rằng muốn có được những điều tốt đẹp thì trẻ cần phải tự nỗ lực và cố gắng thật nhiều. Dù gia đình có điều kiện hay trẻ có năng khiếu đặc biệt thì trẻ cũng chỉ có thể đạt được thành công khi lao động chăm chỉ và bản thân cố gắng hết mình. Nguyên tắc khen thưởng đó là, hãy đề cao nỗ lực hơn là thành tích vì thiên tài chỉ có 1% nội tại còn 99% là do lao động chăm chỉ mà thành.

Cha mẹ là tấm gương cho trẻ

Bên cạnh đó, bản thân cha mẹ cũng phải là những người biết sống chan hòa để làm gương cho trẻ noi theo. Trong cuộc sống, cha mẹ phải sống hòa đồng với những thành viên trong gia đình, họ hàng hay láng giềng,…Sự khiêm tốn, giản dị của cha mẹ sẽ khiến con cái học tập được những đức tính tốt đẹp đó.

Ảnh minh hoạ.

Tự nghiêm khắc với bản thân và với trẻ trong ứng xử, giao tiếp chính là cách mà cha mẹ có thể dạy trẻ không được kiêu ngạo. Cha mẹ phải ứng xử chuẩn mực với trẻ và những người xung quanh. Đồng thời cũng phải đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc với trẻ trong cách cư xử để trẻ hình thành thói quen ứng xử có chuẩn mực với người khác.

Kể cho trẻ nghe những câu chuyện về đức tính khiêm tốn

Tôi từng nghe câu chuyện về một bà mẹ có cách giáo dục con rất hay, mỗi khi mua một thứ đồ gì đó chị thường kể cho con nghe cách để con người tạo nên đồ vật đó.

Ví dụ, khi mua táo, chị đã kể cho con nghe quá trình trồng trọt, chăm sóc, buôn bán và nhấn mạnh vào công sức lao động của nhiều người. Cô bé nhà chị say sưa nghe mẹ kể chuyện với một sự thán phục. Mỗi khi ăn bé thường bảo “chúng ta phải cảm ơn bác nông dân và mẹ đất đã cho ra những quả táo ngon mẹ nhỉ?”. Thú thật, có một đứa trẻ như vậy thật “mát lòng mát dạ” phải không nào? Bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách này trong cuộc sống hàng ngày với bé nhà mình.

Ảnh minh hoạ.

Dạy trẻ không được kiêu ngạo là điều cần thiết để trẻ có được sự yêu thương của mọi người và đạt được những thành công trong tương lai. Đừng chủ quan nghĩ rằng còn sớm để dạy trẻ, bởi những tính cách của trẻ được hình thành ngay từ những giai đoạn đầu đời này đấy.

(Ảnh: Shutterstock).

Video xem thêm: Muốn con vui vẻ thì dạy sự lạc quan

videoinfo__video3.dkn.tv||60c37b8b4__