Dù nền giáo dục có cải cách như thế nào đi nữa, thì cũng cần đạt được mục tiêu là mỗi cá nhân phải biết phân biệt được rõ ràng chính – tà, thiện – ác, thứ được coi là nền tảng cơ bản của đời sống tình cảm và đạo đức con người.

Câu chuyện tôi kể dưới đây là câu chuyện có thật diễn ra ở đất nước Nhật Bản được một nghiên cứu sinh trẻ tuổi ghi chép lại. Và có lẽ nó cũng giống như nhiều câu chuyện khác đang diễn ra hàng ngày ở Nhật.

Một chiều cuối tháng năm, tôi đến thăm một người bạn đang làm việc tại một công ty chăn nuôi. Công ty chuyên nuôi gà đẻ nên đặt sâu trong thung lũng, cách xa khu dân cư. Đang ngồi chơi với bạn bên cửa sổ ký túc xá, tôi chợt nghe thấy tiếng trò chuyện có vẻ khá gay gắt giữa hai người đàn ông. Tôi nhận ra giọng ông giám đốc công ty, còn người kia có lẽ là thư ký hay trưởng phòng nhân sự. Hai người đang nói chuyện về tổ chim én làm tổ trên mái hiên một phòng ở trong ký túc xá công nhân.

Anh thấy chim làm tổ từ lúc nào?

Dạ thưa, từ lần kiểm tra tuần trước.

Đã trải báo ở bên dưới để hứng phân chưa?

Dạ thưa, tôi đã cho người làm và mỗi ngày đều có người quét một lần.

Tốt. Thế đã có chim non chưa?

Tôi đã kiểm tra. Mới có trứng thôi. Bây giờ làm thế nào?

Không có tiếng trả lời. Một lát sau, ông giám đốc nói:

Làm thế nào nhỉ? Lẽ ra phải chăng lưới để chim khỏi vào. Đã vào rồi thì… biết làm thế nào? Rắc rối thật!

Hay chuyển tổ chim đi chỗ khác?

Khó đấy! Tổ đang có trứng mà. Chuyển đi chim mẹ sẽ không tìm thấy tổ.

Hai người lại im lặng. Tôi kín đáo nhòm qua cửa sổ thấy ông giám đốc đang đi đi lại lại dọc hành lang còn người trẻ hơn tay đang cầm cuốn sổ đứng trầm ngâm.

Thôi được! Tạm thời để nguyên đó xem sao. Anh nhớ dọn sạch phân và khử trùng cẩn thận. Tôi sẽ suy nghĩ…

Ông giám đốc nói rồi vội vã đi về phía văn phòng. Người đàn ông còn lại cắm cúi ghi chép gì đó vào sổ tay với vẻ mặt căng thẳng.

Nhìn thái độ đối đãi với thiên nhiên của người Nhật, ngẫm về nền giáo dục nước nhà
Tổ chim làm trên mái nhà đối với người Nhật lại là một việc khó giải quyết như thế, điều này đối với chúng ta thì thật là khó hiểu (ảnh: youtube.com).

Có lẽ, đối với người nước khác, phá một cái tổ chim hay tổ ong nơi cửa sổ hay mái nhà là việc rất dễ dàng. Sẽ không mất đến năm phút để làm việc đó. Rất có thể nhiều người còn làm điều đó trong vui sướng vì ong non có thể đem ngâm rượu, trứng chim có thể thành mồi nhậu. Nhưng chuyện này với người Nhật không dễ.

Tại sao?

Có thể thấy rằng, tinh thần tôn trọng sinh mệnh và thiên nhiên qua nhiều con đường như truyền thông, giáo dục, trải nghiệm gia đình đã được định hình trong họ và khiến họ có cảm giác ‘chùn tay’ khi làm điều xấu. Bởi thế ở Nhật Bản hiện nay, khắp nơi bát ngát là rừng. Chuyện khỉ rừng mò xuống ruộng ăn bắp cải của nông dân hay gấu mò vào sân trường đại học không phải là chuyện hiếm. Sống hòa hợp và dựa vào thiên nhiên có lẽ là triết lý nhân sinh của người Nhật.

Cũng không rõ rồi số phận tổ chim kia sẽ ra sao, nhưng câu chuyện giữa hai người đàn ông khiến tôi không sao dứt khỏi dòng suy ngẫm về nền giáo dục nước nhà. Tôi băn khoăn không biết giáo dục nước nhà đang định tạo ra con người như thế nào?

Giáo dục phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới trong thời đại toàn cầu hóa

Hơn bao giờ hết, những câu chuyện xoay quanh vấn đề về giáo dục đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân cả nước. Ở đó, người dân đủ mọi thành phần thông qua truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các diễn đàn khác, đang hàng ngày thể hiện sự lo lắng trước hiện trạng và sự thất vọng sau mỗi cuộc cải cách.

Nỗi lo lắng, niềm hy vọng và cả sự hoang mang của người dân là dễ hiểu. Đơn giản vì giáo dục có tác động trực tiếp đến mọi gia đình trong xã hội và quyết định đến sự hưng vong của dân tộc.

Cải cách thực sự và triệt để là phương thức hữu hiệu để giải quyết các vấn đề đang ngày một trở nên trầm trọng trong nền giáo dục của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để đi tới thành công cải cách giáo dục phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Vì thế, trong quá trình thiết kế và thực thi cải cách giáo dục cần lưu ý:

Thứ nhất là xem xét lại toàn bộ nền giáo dục từ trước đến nay để phân tích, tìm ra những ưu điểm, những nét tinh hoa của giáo dục truyền thống lưu giữ lại phát triển nó cho phù hợp với thời đại.

Thứ hai là nghiên cứu, tham chiếu với nền giáo dục thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến để tham khảo, học hỏi từ đó xây dựng phương án cải cách phù hợp. Giáo dục nước ta chỉ có thể được nhận thức một cách khách quan, toàn diện và sâu sắc khi nó được tham chiếu, so sánh với giáo dục ở các nước khác.

Giáo dục phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới trong thời đại toàn cầu hóa
Cải cách giáo dục thưc sự là khi đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới (ảnh: youtube.com).

Phát triển con người toàn diện

Dù nền giáo dục có cải cách như thế nào đi nữa thì cũng phải đạt được mục tiêu là đối với một cá nhân phải biết phân biệt được rõ ràng chính – tà, thiện – ác, thứ được coi là nền tảng cơ bản của đời sống tình cảm và đạo đức con người. Đồng thời, làm cho cách nhìn cách tư duy của con người về tự nhiên và xã hội trở nên hợp lý và luôn mong muốn học tập, nghiên cứu chúng.

Hơn hết, nền giáo dục ấy phải giúp cho người học: kính yêu gia đình, tôn trọng trật tự luân lý của đời sống gia đình, có thái độ duy trì và làm cho nó phát triển. Con người thời đại mới còn phải biết yêu nhân loại rộng lớn hơn, tôn trọng tự do của người khác, coi trọng nhân cách, đồng thời có thái độ nhường nhịn, tôn trọng và không làm tổn hại người khác. Nền giáo dục ấy làm sao để hình thành ở người học tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ làm nền tảng cho sự phát triển đời sống xã hội. Cho dù là việc gì thì trước tiên cũng phải nghĩ tới người khác để cùng sinh sống, cùng nhau hợp tác lao động và học tập vui vẻ…

Hy vọng rằng, nền giáo dục nước nhà sẽ giữ được sự tinh túy của giáo dục truyền thống mà vẫn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.  

Bạn đang đọc bài viết: “Nhìn thái độ đối đãi với thiên nhiên của người Nhật, ngẫm về nền giáo dục nước nhà” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||c9e44abe5__