Phương pháp dạy con của cổ nhân là bài học quý giá cho thế hệ nay tham chiếu. Mỗi thời mỗi khác nhưng mục đích giáo dục trẻ thành người có nhân cách, đạo đức tốt thì thời nào cũng giống nhau. Dưới đây là những câu chuyện lưu danh thiên cổ về cách dạy con thành người tài đức của các bà mẹ xưa.
Mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà vì con
Mạnh Tử là triết gia Nho giáo nổi tiếng Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử. Ông được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á Thánh Mạnh Tử”.
Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ và được mẹ là bà Trương thị một tay nuôi nấng, giáo dục. Tuy là phụ nữ nhưng Trương thị không nuông chiều mà nuôi dạy con rất khắt khe, đồng thời có những suy nghĩ đúng đắn trong việc chọn lựa môi trường sống cho con.
Để Mạnh Tử phát triển tốt về nhân cách, bà từng 3 lần chuyển nhà để con có môi trường sống tốt nhất. Chuyện kể lại rằng, ngôi nhà đầu tiên 2 mẹ con chuyển đến ở gần một nghĩa địa. Thấy con trai thường xuyên chạy ra bãi tha ma nghịch ngợm, bà Trương thị đã nghĩ: “Nơi u ám như vậy không phải chỗ con ta ở được” và lập tức rời đi.
Nơi thứ hai mẹ con Mạnh Tử chuyển đến là gần một khu chợ. Ở nơi sống mới, Mạnh Tử bị nhiễm theo lối ăn gian nói dối của dân buôn ở chợ. Trương thị khi ấy lại tiếp tục lo lắng: “Nơi thị phi này cũng không phải chốn cho con ta ở được” và tiếp tục chuyển nhà.
Cuối cùng, hai mẹ con chuyển đến sống gần trường học. Tại đây, Trương thị vui mừng khi thấy con trai thi đua học lễ nghĩa, nhân cách với bạn học. Bà quyết định ở lại vì: “Đây mới thực sự là nơi cho con ta nên người”.
Ngoài ra, bà Trương thị còn nổi tiếng bởi dạy con biết cần cù, chăm chỉ, siêng năng và luôn phải giữ thái độ kiên trì, nhẫn nại khi gặp khó khăn.
Minh chứng cho điều này là một lần Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi. Khi đó Trương thị đang ngồi khung cửi, trông thấy vậy liền cầm dao cắt đứt ngang tấm vải đang dệt rồi khóc: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng giống như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”.
Xúc động trước lời mẹ dạy, Mạnh Tử sau đó chuyên tâm học hành. Và sau này, chúng ta có được một bậc hiền nhân nổi tiếng.
Mẹ Điền Tắc từ chối nhận vàng
Điền Tắc là vị Tể tướng của nước Tề. Ông nổi danh trong lịch sử vì sự công chính, liêm minh và cần cù, cẩn thận. Những đức tính quý giá này của ông đều do mẹ giáo dục mà thành.
Có một lần, Điền Tắc được thuộc hạ biếu trăm lạng vàng ròng. Ban đầu, Tể tướng từ chối không nhận nhưng sau đó, ngại làm tổn hại đến tình cảm và thể diện của thuộc hạ nên lại tặc lưỡi nhận.
Số vàng ròng đó ông mang biếu hết cho mẹ. Nhưng ngay khi nhìn thấy, mẹ Điền Tắc đã nổi giận: “Dù con làm Tể tướng 3 năm nhưng bổng lộc không thể nào nhiều thế này. Đây là con lấy bớt của dân hay nhận hối lộ?“.
Điền Tắc lúc ấy đành phải kể câu chuyện cho mẹ. Sau khi nghe xong, mẹ Điền Tắc nghiêm khắc dạy con trai:
“Người trí thức luôn nghiêm khắc tu thân dưỡng tính, tự trọng và giữ mình trong sạch. Họ không tùy tiện lấy của cải của người khác, cũng như không bao giờ làm chuyện lừa dối. Trong nhà họ cũng không bao giờ có của cải bất nghĩa.
Con gánh trên vai trọng trách quốc gia thì cần phải sống trong sáng, là tấm gương cho thiên hạ noi theo. Ấy vậy mà con lại đi nhận vàng hối lộ của kẻ dưới thì ấy là mắc trọng tội, là dối lừa nhà vua, phụ lòng trăm họ. Mẹ thật sự đau lòng về hành động của con. Thôi con hãy mau trả lại vàng và xin triều đình xử lý đi!”.
Những lời giáo huấn nghiêm khắc của mẹ đã khiến Điền Tắc vô cùng hổ thẹn. Ông đã lập tức đem trả lại số vàng theo lời mẹ.
Chuyện đến tai Tề Tuyên Vương, ông tỏ ra khâm phục và hết sức tán thưởng khí phách và đạo đức của mẹ Điền Tắc. Không chỉ vậy, ông còn hạ chiếu ra lệnh cả nước phải học tập sự đức hạnh, liêm chính và cách dạy con của mẹ Điền Tắc.
Cũng nhờ bài học của mẹ mà Điền Tắc sau đó nghiêm chỉnh tu dưỡng bản thân, trở thành một vị Tể tướng lưu danh sử sách.
Mẹ Khấu Chuẩn dạy con tu thân vì nhân dân
Khấu Chuẩn là đại thần Bắc Tống, từng làm đến chức quan Tể tướng. Ông nổi tiếng bởi tính tình cương trực, nhiều lần thẳng thắn can gián nên dần dần được hoàng đế trọng dụng.
Chuyện kể lại rằng, Khấu Chuẩn từ nhỏ đã mồ côi cha, cả gia đình nghèo khó phải dựa vào nghề dệt vải của mẹ để sống qua ngày.
Mỗi đêm khi dệt vải, mẹ Khấu Chuẩn thường đốc thúc con đọc sách và học tập. Khi Khấu Chuẩn lên kinh thành dự thi và đậu tiến sĩ thì ở nhà có tin mẹ ông lâm bệnh nặng.
Giây phút lâm chung, bà giao bức họa tự vẽ cho người nhà họ Lưu và dặn: “Khấu Chuẩn sau này nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm thì hãy giao bức họa này cho nó”.
Sau này, Khấu Chuẩn làm quan thật và còn làm đến chức Tể tướng. Một lần ông mời bạn bè đến, định tổ chức tiệc rình rang để chúc mừng sinh nhật bản thân. Người nhà họ Lưu thấy đây chính là thời điểm mà mẹ Khấu Chuẩn căn dặn trước khi qua đời nên lập tức lấy bức họa đưa cho ông xem.
Khấu Chuẩn xem qua và thấy trên bức họa “Hàn song khóa tử đồ” là một bài thơ như sau:
“Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân.
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh bần hàn”.
Đọc những lời tâm can mẹ nhắn gửi, Khấu Chuẩn bật khóc như mưa. Ngay sau đó, ông ra lệnh giải tán tiệc mừng sinh nhật. Nhớ lời vàng ngọc của mẹ, Khấu Chuẩn một lòng tu thân tích đức và trở thành một vĩ nhân được lưu danh muôn thuở.
Mẹ của Đào Khản dạy con cung kính thiện đãi người
Đào Khản là một vị tướng lừng danh thời Đông Tấn. Mẹ của ông, bà Trạm Thị, là một trong những lương mẫu nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ đại.
Có câu chuyện rằng khi Đào Khản còn trẻ, có một hôm ông mời bạn đến chơi nhà. Nhưng vì nhà Đào Khản quá nghèo túng, cái ăn cái mặc cũng còn khó khăn, -không có gì tiếp đãi bạn nên ông tỏ ra vô cùng lo lắng. Mẹ Đào Khản thấy vậy liền an ủi con trai: “Con đừng quá lo âu, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con”.
Sau đó, bà Trạm Thị cắt tóc đem đổi lấy đồ ăn, rồi lại lấy cỏ khô lót trên giường để làm thức ăn cho ngựa của khách. Sau khi bạn của Đào Khản vô tình biết được việc này, ông đã xúc động nói: “Chỉ người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con nhân tài!”.
Mặc dù cảnh nhà nghèo khó, bà Trạm Thị đã dùng cách hành xử cao đẹp của mình để dạy con một bài học đối nhân xử thế. Vì thế sau này, khi đã làm quan lớn, Đào Khản luôn dùng lòng cung kính và khiêm nhường để đối đãi với người khác.
Mẹ của Thôi Huyền Huy dạy con trung hậu thanh bạch
Thôi Huyền Huy là người thời Đường, làm quan Viên ngoại lang. Mẹ ông là bà Lô thị nghiêm túc dạy ông rằng:
“Mẹ nghe thấy có người giảng rằng, con cháu làm quan, nếu như cuộc sống thanh bần, thì ấy là quan tốt. Còn nếu có tài vật dư dả thừa thãi, hưởng thụ một cách xa xỉ, thì đó là quan tham. Mẹ cho rằng quan điểm ấy rất chính xác. Mẹ thấy rất nhiều thân thích các quan lại dùng rất nhiều tiền của để phụng dưỡng cha mẹ, thế mà cha mẹ họ lại không hỏi những thứ tiền của đó từ đâu mà có.
Nếu như tiền ấy là lương bổng của bản thân, thế thì cũng rất tốt. Nếu không, thì so với phường giặc cướp có khác gì đâu? Cho dù không có tội lỗi lớn, chẳng lẽ trong lòng lại không có áy náy gì hay sao? Con giờ đây ngồi mát ăn bát vàng hưởng bổng lộc triều đình, nếu không thể tận trung vì nước, thanh liêm mà làm việc chính sự, thì làm sao xứng đáng với ân huệ của đất trời được?”.
Thôi Huyền Huy nghe theo lời dạy của mẹ, làm một vị quan thanh liêm, tận trung với nước thương dân như con, nổi tiếng trong sạch lưu danh hậu thế.
***
Làm người thanh bạch đoan chính, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, làm tròn bổn phận, tận tụy với trách nhiệm, chăm chỉ tằn tiện, đó là mỹ đức truyền thống của người Á Đông. Làm ông bà cha mẹ, thì cần lấy bản thân mình làm gương, luôn luôn chú ý từng lời nói việc làm, từng giờ từng phút cần phải cảnh giác với phẩm hạnh đạo đức của bản thân.
Dạy bảo con cái tu thân trọng đức, ấy mới là mưu tính lâu dài cho con cái, mới đúng thực sự là trân trọng và có trách nhiệm với con, mới có thể giúp chúng vững bước trên đường đời.
Tâm Giao (TH)
Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 419: Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: “Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”?