Đại Kỷ Nguyên

Những ‘cậu ấm, cô chiêu’ ở Nhật được giáo dục về tính tự lập như thế nào?

Người ta thường nghĩ, những đứa trẻ nhà giàu thì thường được bao bọc quá mức hoặc yếu ớt như nuôi trong lồng kính, nhưng ở Nhật, trẻ nhỏ lớn lên phải có tinh thần hợp tác dựa trên nền tảng lễ nghĩa và tính tự lập thì mới được coi là một người ưu tú.

Điều được coi là quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ nhỏ ở Nhật chính là giáo dục sinh hoạt cơ bản hằng ngày

Nói đến các cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu đang học tại các trường tư thục, ta thường nghĩ tới hình ảnh những đứa trẻ đã quen với việc muốn gì được nấy, nhưng ở Nhật mọi chuyện lại khác. Nhà dù giàu đến mấy thì ngay từ bé, chúng đã được dạy mặc quần cộc giữa mùa đông lạnh, để bắp chân trần ra ngoài, từ những năm lớp 1, lớp 2 đã đeo chiếc cặp randoseru to đùng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng tự mình đến trường và phần lớn đều theo học trường tư.

Người ta thường nghĩ, những đứa trẻ nhà giàu thì thường được bao bọc quá mức hoặc yếu ớt như nuôi trong lồng kính, nhưng ở Nhật, trẻ nhỏ lớn lên phải có tinh thần hợp tác dựa trên nền tảng lễ nghĩa và tính tự lập thì mới được coi là một người ưu tú.

Không hề quá lời khi nói rằng, điều được coi là quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ nhỏ ở Nhật chính là giáo dục sinh hoạt cơ bản hằng ngày. Ngay từ nhà trẻ, với các bé mới chỉ 2 tuổi, dù cô giáo biết rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng họ vẫn để trẻ tự lập làm những việc như ăn uống, thay quần áo, đi giày, dọn dẹp đồ chơi… Khi giữa các bé xảy ra tranh cãi, cô giáo sẽ yêu cầu các bé phải giải thích rõ lý do, quá trình, và dạy các con nhất định phải nói câu ‘xin lỗi’ và ‘không sao’ với đối phương.

Những giáo viên ở đây đã dạy cho các con hiểu rằng, dù cho con có khóc to đến đâu đi nữa, nếu như không diễn đạt suy nghĩ của mình cho rõ ràng thì cũng không ai giúp cả. Tại trường mẫu giáo trẻ nhỏ đã hoàn toàn quen thuộc với cách giáo dục tính tự lập này và khi học lên đến tiểu học, hầu hết trẻ nhỏ đã tự làm được những việc của cá nhân mình.

Ở Nhật trẻ được rèn luyện tính tự lập ngay từ khi học trường mẫu giáo. (Ảnh: Youtube.com)

Điểm ấn tượng trong văn hóa thi cử của trẻ em Nhật – Phỏng vấn phụ huynh

Điểm ấn tượng trong văn hóa thi cử của trẻ em Nhật là càng những trường có tên tuổi thì càng coi trọng trình độ nhận thức của các bậc cha mẹ và tính tự lập của học sinh. Để vào được trường mầm non và tiểu học quốc lập hay tư thục, cần phải vượt qua được vòng phỏng vấn. Ở đây không phải phỏng vấn kiến thức mà chính nền tảng cơ bản xây dựng được mới là tiêu chuẩn quyết định thành bại.

Việc có trúng tuyển vào trường mầm non và tiểu học hay không, 70% – 80% là nhìn vào cha mẹ học sinh mà quyết định. Các giám khảo trong cuộc phỏng vấn sẽ xem xét kỹ từ trang phục của cha mẹ học sinh, cho tới cách nói năng, việc sử dụng kính ngữ có thích hợp không và cả nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình.

Ngoài ra, tại một số trường quốc lập, cha mẹ học sinh còn phải trải qua cả thi viết luận. Điều này nhằm kiểm tra xem các bậc cha mẹ học sinh có thể diễn đạt ý kiến của mình một cách bài bản và mạch lạc đến đâu. Bên cạnh đó, dù là các bậc cha mẹ nhà có điều kiện tốt, nhiều tiền và học cao đến đâu đi nữa, nếu như là người cương quyết giữ chủ kiến của mình thì cũng có thể bị đánh trượt. Bởi người ta lo ngại hiện tượng ‘phụ huynh tai quái’ đang trở thành một vấn đề trong nền giáo dục Nhật gần đây.

‘Phụ huynh tai quái’, đúng như cách nói này, nghĩa là các bậc cha mẹ ‘khó ưa’. Cứ động một chút là đến trường làm ầm lên chẳng ra sao, hoặc bất cứ chuyện gì cũng có ý kiến bất mãn, chỉ biết nghĩ cho con mình – kiểu bố mẹ ích kỷ như thế này đang dần dần tăng lên. Vì vậy, các bậc phụ huynh vượt qua được kỳ phỏng vấn là những người có chính kiến và rất quan tâm đến giáo dục, nhưng đồng thời cũng tôn trọng phương châm hoạt động của nhà trường, tin cậy các thầy cô giáo và tích cực hợp tác. Cha mẹ như vậy có lẽ việc đứa con lớn lên lịch sự, lễ phép cũng là chuyện đương nhiên. Vì vậy, cuộc phỏng vấn cha mẹ là yếu tố quyết định thành bại.

Để vào được các trường mầm non hay tiểu học thì các em hoặc cha mẹ chúng đều phải vượt qua các vòng phỏng vấn. (Ảnh minh họa: go.jp)

Một đứa trẻ khỏe mạnh, hồn nhiên ,trong sáng đúng kiểu trẻ con, đồng thời biết giữ lễ nghĩa tùy lúc tùy nơi sẽ được công nhận là một đứa trẻ thuộc tầng lớp ưu tú

Tại Nhật, một đứa trẻ khỏe mạnh và hồn nhiên trong sáng đúng kiểu trẻ con, nhưng đồng thời cũng biết giữ lễ nghĩa tùy lúc tùy nơi sẽ được công nhận là một đứa trẻ thuộc tầng lớp ưu tú. Thực tế, ngay cả trường mầm non tư thục thông thường – nơi có tiếng là dễ vào nhất, cũng cực kỳ coi trọng việc trẻ có tính tự lập hay không.

Có trường mầm non còn cho trẻ phỏng vấn chung với bố mẹ, nhưng cũng có trường cho trẻ một mình vào trong phòng học và trả lời câu hỏi của giáo viên. Câu hỏi thường đơn giản như màu sắc, hình vẽ, loại trái cây yêu thích… nhưng điểm quan trọng ở đây là trẻ có khả năng trò chuyện và hoạt động ở môi trường lạ mà không hề cảm thấy lo âu khi bị chia tách với bố mẹ.

Dù các trường tư thục có chạy theo lợi nhuận, nhưng không phải cứ đóng tiền học phí đắt đỏ là ai cũng có thể vào học. Nếu một đứa trẻ cứ rời cha mẹ ra là lập tức khóc lóc không chịu nghe lời thì ngay cả trong cuộc phỏng vấn của một trường bình thường cũng có thể bị trượt.

Đối với các trường quốc lập hoặc trường tư danh tiếng tính tự lập của trẻ được đánh giá rất gắt gao

Đối với các trường quốc lập hoặc trường tư danh tiếng sẽ phức tạp hơn một chút, người ta còn xem xét tính tự lập của trẻ gắt gao hơn một bậc. Trẻ cởi giày ra rồi có tự đi giày lại được không, trước khi ăn cơm có biết rửa tay rồi tự mình mở nắp hộp cơm ra ăn hay không… họ chỉ kiểm tra đơn giản như vậy, nhưng nếu như sinh hoạt hằng ngày chưa ăn sâu vào nề nếp thì đây sẽ là việc khá khó khăn.

Ảnh các bé tại một trường mầm non Nhật Bản. (Ảnh: blogfa.com)

Trẻ nhỏ không những cần phải giỏi hòa đồng với các bạn, mà còn phải có sự ham hiểu biết mạnh mẽ, biết chăm chú lắng nghe lời giáo viên. Nhìn qua thì thấy có vẻ như đó là những điều kiện rất bình thường, nhưng những khó khăn để nuôi được một đứa trẻ có tính tự lập như vậy thì bất cứ ai từng nuôi một đứa trẻ đều biết rõ rồi.

Tôi đã từng được nghe về cách dạy con của một bà mẹ Nhật cho con đi học ở một trường mẫu giáo tư thục có tiếng. Buổi sáng, cả gia đình cô ấy đều ngồi vào bàn cùng nhau ăn sáng. Cơm sáng gồm cá nướng, cùng một bát cơm, một bát súp miso. Mỗi người nhất định phải ăn hết phần của mình thì mới được rời khỏi bàn. Quần áo, giày dép của bọn trẻ không gắn đồ trang trí và khi mặc thì thoải mái dễ cử động, nhưng cô ấy cố tình chọn loại có cúc hoặc khuy cài, và dù có mất thời gian đi nữa, cô ấy vẫn để bọn trẻ tự tay mặc quần áo hay đi giày. Con đang đi mà bị vấp ngã, cô ấy cũng không đỡ dậy mà chỉ lặng lẽ quan sát đến khi con tự mình đứng lên.

Cô ấy thực hiện những việc mà nếu như người mẹ không thực sự quyết tâm thì không thể nào làm được. Lòng thương con thì cô ấy cũng chẳng thua kém gì ai, nhưng cô ấy nói càng thương thì càng phải nuôi dạy con cho mạnh mẽ. Dù không chắc chắn sẽ đưa con vào được trường tốt thì ít nhất các nề nếp, thói quen sinh hoạt này sẽ khiến con mạnh mẽ, giúp con biết tự lập. Lúc đó, tôi mới lại thấy trong việc nuôi dạy con nên người, quả nhiên gia đình và đặc biệt là người mẹ có vai trò rất lớn, không ai thay thế được.

Hồng Ân

Exit mobile version