Đại Kỷ Nguyên

Những chuyến đi đầu đời bí mật không cho phụ huynh biết, nhà trường Nhật Bản muốn dạy trẻ điều gì?

“Tuần trước, cậu con trai 2 tuổi của tôi có một buổi học quan sát thiên nhiên thực tế ‘bí mật’. Trường mẫu giáo đã cho tất cả học sinh của lớp học lên xe buýt và không thông báo cho chúng tôi biết bọn trẻ được đưa đi đâu”.

Khi được biết thông tin về chuyến đi này, Kate Lewis và các bà mẹ Mỹ khác cùng trường nhìn nhau với ánh mắt hoài nghi. Họ to nhỏ nói với nhau rằng “Điều này không bao giờ xảy ra ở Mỹ”.

Lý do của chuyến đi “bí mật” khá đơn giản, vì đây là bài học quan sát đầu tiên của bọn trẻ mà không có bố mẹ đi cùng. Một phụ huynh người Nhật cười vui vẻ phiên dịch lại cho Kate rằng nhà trường không muốn có sự hiện diện của bố mẹ. Vì nếu có phụ huynh đi cùng, có thể vì tò mò mà một, hai người sẽ lẻn vào bên trong để xem bọn trẻ học như thế nào, như vậy sẽ ảnh hưởng tới giờ học rất quan trọng này – đây là một nấc thang nhỏ tự lập đầu tiên của chúng.

“Năm tới, con trai tôi bước sang tuổi thứ 3, bé sẽ tự đón xe buýt tới trường mẫu giáo một mình”

Trẻ em Nhật Bản từ 5 – 6 tuổi có thể tự sử dụng các phương tiện công cộng để đến trường. Khi cô Kate chia sẻ điều này với mẹ cô, bà đã vô cùng kinh ngạc và thốt lên: “Chúng tự đi bộ á? Suốt cả một chặng đường? Nó quá nhỏ để làm điều đó”.

Tuy nhiên, với quan điểm của một người Mỹ sống và làm việc tại Nhật, Kate cho rằng đất nước này đã có những bước chuẩn bị tuyệt vời cho sự tự lập của thế hệ trẻ. Trong khi cách giáo dục của Mỹ lại thể hiện tình thương dành cho con cái có khi là sự giám sát quá mức hoặc cho con tự do quá mức.

Học cách tự đi

Những buổi ban đầu, trẻ em được làm quen một cách rất từ từ. Trẻ trong lứa tuổi mới biết đi chỉ đến lớp 1-2 ngày/tuần, trường mẫu giáo sẽ cho phép các bà mẹ đưa con đến trường trong một vài buổi đầu và cùng thực hành những chuyến tự đi học đầu tiên trong đời của bé. Mất khoảng gần một tháng, trẻ sẽ có thể tự mình tới trường mà không cần bố mẹ.

Hình ảnh những em bé lũn chũn, chập chững biết đi đã mang cặp sách tự tới trường ở Nhật là điều hết sức quen thuộc. (Ảnh: Savvytokyo)

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Lộ trình an toàn tới trường Quốc gia tại Mỹ (SRTS – American-based Safe Routes to School National Partnership), chỉ có 1,7% trẻ em Nhật Bản đến trường bằng xe buýt, một số trường còn không cho phép bố mẹ chở con đi học bằng ô tô cá nhân, việc đi bộ đến trường là phổ biến.

Tuy nhiên, ban đầu trẻ không thể tự mở cửa nhà và tự học cách tìm đường đến trường một mình, các bé sẽ được dạy kỹ năng tự lập thông qua các tuần lễ thực hành tuần tự và chi tiết: từ việc học cách nắm tay bố mẹ, cách gặp và hỏi đường qua các chủ cửa hiệu trên đường đi, định hướng các điểm cần lưu ý khi đi qua để làm dấu. Và quan trọng nhất, việc giúp trẻ tự đi học cần phải chắc chắn rằng các em sẽ không chỉ biết phải làm thế nào mà còn phải biết làm thế nào cho an toàn.

Sự tin tưởng ở cộng đồng

Một nhân tố vô cùng quan trọng khiến việc giúp trẻ tự lập có thể thành công đó là sự đóng góp của cả cộng đồng Nhật Bản. Người dân sống lân cận khi thấy trẻ nhỏ đang đi bộ một mình hay đang chơi một mình, thay vì gọi cảnh sát hay trách cứ cha mẹ chúng, họ sẽ đến giúp chúng.

Khi phó giám đốc của SRTS được cử đến Tokyo vào năm 2011 để tìm hiểu về các phương pháp của Nhật Bản, trong các nội dung tìm hiểu, người ta nhận thấy rằng sự tham gia đóng góp của cộng đổng là yếu tố then chốt giúp hệ thống giáo dục vận hành thông suốt, điều này cũng giúp bố mẹ hoàn toàn yên tâm khi cho con cái tự đi lại một mình.

Các tuyến đường đến trường luôn có các tình nguyện viên giúp và bảo vệ các bé tại các điểm đường giao nhau, có các biển báo chỉ các cửa hiệu và căn nhà an toàn có thể chạy vào trong trường hợp khẩn cấp, và thậm chí một vài gia đình còn có chuông cảnh báo cho bọn trẻ đang mải chơi biết rằng trời đã tối, đến giờ cần phải trở về nhà. Với sự đóng góp này của cộng đồng, trẻ em được giáo dục tự lập và được tạo điều kiện thuận lợi phát triển tự do trong giới hạn an toàn.

Một nhân tố vô cùng quan trọng khiến việc giúp trẻ tự lập có thể thành công đó là sự đóng góp của cả cộng đồng Nhật Bản. (Ảnh: Savvytokyo)

Tính trách nhiệm cũng được từng bước áp dụng

Song song với việc từng bước giáo dục tính tự lập, tính trách nhiệm cũng được áp dụng tương tự như vậy. “Cuối buổi học của ngày đầu tiên, chúng tôi đã được nghe giáo viên nhận xét rằng một số bé không thu dọn đồ sau khi chơi xong, chúng trả lời cô giáo rằng: ‘Việc đó mẹ làm mà!’. Cô giáo kể lại với chúng tôi khiến chúng tôi đều bật cười”, cô Kate chia sẻ.

Đó cũng là lời nhắc nhở một cách rất thân thiện cho các bà mẹ. “Từ giờ, ngay cả khi ở nhà chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng, các con dù ở lứa tuổi mới biết đi cũng phải biết tự thu dọn sau khi chơi xong. Ở trường mẫu giáo, giáo viên sẽ củng cố rèn thêm cho chúng các hình thức làm sạch tại trường. Và như vậy, khi vào tiểu học, học sinh sẽ có thể tự làm sạch toàn bộ trường học. Qua các điều nêu trên, các kĩ năng tự lực mà trẻ học được khi còn nhỏ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, Kate nói thêm.

Tự dọn vệ sinh phòng học cũng là một bài học bắt buộc trong chuỗi tuần tự những bài học về sự tự lập của trẻ nhỏ Nhật Bản. (Ảnh: Savvytokyo)

Tự lập là bài học suốt cuộc đời

Tính tự lập là một hành trình rèn luyện lâu dài, nhưng càng được rèn luyện từ sớm thì trẻ càng có thêm tự tin làm chủ tình huống, buổi ban đầu không chỉ là tự đi đến trường, dần dần sẽ còn giúp chúng giải quyết những vấn đề ngày càng khó hơn trong cuộc sống. Những bước nhỏ này sẽ là yếu tố giúp trẻ trở thành người thành công khi trưởng thành.

Nhật Bản giúp trẻ em thành thạo các kĩ năng theo từng giai đoạn phát triển, tạo cơ hội và động lực để các em tự hoàn thành công việc theo cách của mình. Một trong những sự kiện quan trọng đối với các gia đình, thậm chí có hẳn một chương trình truyền hình thực tế rất nổi tiếng dựa trên sự kiện này, có tên Hajimete No Otsukai (Kinh nghiệm đầu tiên), đã cho thấy mức độ giáo dục tự lập của Nhật Bản. Khi các bé khoảng 4 tuổi, chúng sẽ bắt đầu được giao nhiệm vụ mua đồ dùng lặt vặt trong gia đình. Đây chỉ là một hành động nhỏ trong công cuộc nuôi dưỡng cả một thế hệ độc lập của xã hội Nhật Bản. Truyền hình Việt Nam cũng đã thực hiện một phiên bản khác của chương trình nổi tiếng này với tên “Con đã lớn khôn” mang lại góc nhìn thực tế về những tình cảm, tâm lý trẻ em tới những biện pháp giáo dục và cách ứng xử thích hợp với các bé để giúp các bé tự lập hơn trong cuộc sống.

Bạn có thể thấy rằng việc áp dụng giáo dục tự lập cho trẻ như người Nhật quả là khó khăn khi ở trong môi trường Việt Nam, làm sao chúng ta có thể để con mình tự đi tới trường trong khi không có sự giúp đỡ của cả cộng đồng và những bảo đảm an toàn nhất định. Đó chỉ là một tham khảo gợi ý, nhưng bạn hoàn toàn có thể giáo dục con tự lập bằng những cách đơn giản hơn. Các mẹ Nhật luôn để con tự làm mọi thứ trong khả năng tối đa có thể, đồng thời cũng tạo điều kiện và cung cấp những hỗ trợ cần thiết nhất để con có thể bước đầu tự lập, lặng lẽ giúp bé nâng cao sự tự tin nhưng vẫn không bị lệ thuộc cha mẹ.

Vì có nền tảng đạo đức xã hội tốt nên những đứa trẻ có thể tự lập ngay từ rất nhỏ mà cha mẹ chúng không phải lo lắng gì. Ảnh dẫn theo japonismo.com

Ví dụ từ việc ăn uống của bé, tự thay quần áo, xếp đồ chơi sau khi chơi xong, xếp giày dép khi vào nhà, tự mang cặp sách của mình khi tới trường… Mẹ có thể giúp con bằng những đồ dùng bát đĩa thích hợp để trẻ có thể dễ dàng sử dụng, thêu hoặc dán những hình thù đặc biệt lên giày dép để trẻ phân biệt được phải trái, mua những đồ đựng nhẹ dễ sử dụng để trẻ xếp đồ chơi… Bắt đầu từ những việc đơn giản và tăng dần mức độ khó lên khi bé đã quen dần. Như khi bé quen với việc cất đồ chơi sau khi chơi, mẹ Nhật sẽ khuyến khích bé tự dọn dẹp phòng của mình hoặc giúp mẹ làm những công việc nhà đơn giản. Dần dần từng bước, trẻ em Nhật lớn lên và trở thành những đứa trẻ độc lập. Bạn cũng có thể áp dụng từ những điều nhỏ bé đơn giản như vậy, cùng với những hỗ trợ âm thầm để con có thể tự tin hơn vào bản thân.

***

Ở một đất nước như Nhật Bản, giáo dục thế hệ trẻ không chỉ được xem như mà đã thật sự trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Và khi một cộng đồng đủ tin tưởng nhau thì trẻ nhỏ mới có môi trường tốt nhất để phát triển. Điều đó có nghĩa là dù muốn áp dụng phương thức giáo dục ưu việt tới đâu đi nữa, điểm trọng yếu nhất vẫn là nền tảng đạo đức của cả xã hội. Khi một xã hội coi trọng và thực hành đạo đức thì mới có đủ niềm tin và sự hỗ trợ cho việc giáo dục thế hệ trẻ.

Vi Viên 

Exit mobile version