Đại Kỷ Nguyên

Những gì bạn nên để lại cho con cái không phải nhà to xe đẹp, mà là 5 kĩ năng này

Nếu một người không có giáo dưỡng, dù cho có cả thực lực và ngoại hình dễ nhìn đi chăng nữa, thì cũng không có giá trị.

Có một học giả đã nói rằng, thành tích và bằng cấp quyết định khởi điểm của một cá nhân, nhưng đối với khả năng có thể đi bao xa của người đó, thì cách anh ta đối nhân xử thế mang tính quyết định lớn hơn. 

Cha mẹ vẫn luôn là người thầy tốt nhất cho con cái của mình. Bởi vì so với bất kỳ giáo viên nào thì cha mẹ đã là bạn của trẻ từ rất sớm và ở cạnh trẻ trong một thời gian dài. Vì thế, bằng tình yêu con vô bờ bến, bằng trách nhiệm của đấng sinh thành, cha mẹ hãy dạy trẻ 5 loại năng lực quan trọng sau đây để giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc và tự tin trong cuộc sống. Đây có lẽ là những tài sản quý giá nhất mà chúng ta có thể lưu lại cho trẻ:

1. Năng lực học tập và đọc sách

Xã hội hiện đại là loại hình xã hội học tập, tri thức tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm. Nếu muốn gặt hái thành công, bất cứ ai cũng phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức cho mình, thực hiện đề cao cá nhân và đạt được những bước đột phá.

 Từ chối học tập, thì thật khó để có sự trưởng thành, cũng sẽ rất khó để có triển vọng.

Sở dĩ Buffett có thể trở thành ông hoàng của thị trường chứng khoán, trở thành bậc thầy đầu tư được người người thán phục chính là bởi ông đã dành cả đời kiên trì học tập và đọc sách.

Buffett mỗi ngày đều thức dậy đúng giờ, dành rất nhiều thời gian để đọc các loại sách, tin tức và báo cáo tài chính. Văn phòng của ông không có máy tính, không có điện thoại thông minh, chỉ có những cuốn sách đặt trên kệ sách và những tờ báo bày trên một cái bàn – nơi mà mỗi ngày ông đều dành rất nhiều thời gian ngồi ở đó đọc sách và học tập thêm kiến thức.

Từ khi còn là một thanh niên trẻ trung đầy sức sống và nhiệt huyết, đến giờ là một ông lão tóc bạc hoa râm, sáu mươi năm như một ngày, ông đều kiên trì như vậy.

Dạy trẻ đọc sách và học tập, không phải để đối phó với kỳ thi, mà để rèn luyện những thói quen tốt về sự bền bỉ, thói quen trau dồi kiến thức cho cuộc sống. Có hiểu biết trong tay, bước chân con đi sẽ không còn sợ hãi. Cuộc sống này sẽ mở ra thật nhiều cánh cửa để con lựa chọn. Lúc đó, tự bản thân con sẽ biết mình nên chọn điều gì. Cha mẹ hãy cho con một nền tảng vững chắc, và con sẽ tự tin bước đi trên con đường của mình.

Nữ nhà văn nổi tiếng Long Ứng Đài (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan) đã nói: Khi bạn có quyền lựa chọn, bạn có thể lựa chọn một công việc có ý nghĩa và có thời gian, để sống một cuộc sống có tôn nghiêm, có cảm giác thành công và hạnh phúc.

Đọc sách và học tập suốt đời là cách tiêu tốn chi phí thấp nhất, cũng là con đường tắt tốt nhất để trau dồi tri thức, mở rộng tầm mắt và bồi đắp nhân cách của trẻ. Những thành tựu trẻ gặt hái được trong tương lai cũng sẽ vượt rất xa sự tưởng tượng của chúng ta.

Đọc sách và học tập suốt đời là con đường ngắn nhất để trau dồi tri thức, mở rộng tầm mắt và bồi đắp nhân cách của trẻ. (Ảnh theo zing)

2. Giáo dưỡng

Có một học giả đã nói rằng, thành tích và bằng cấp quyết định khởi điểm của một cá nhân, nhưng đối với khả năng có thể đi bao xa của người đó, thì cách anh ta đối nhân xử thế mang tính quyết định lớn hơn. Nếu một người không có giáo dưỡng, dù cho có cả thực lực và ngoại hình dễ nhìn đi chăng nữa, thì cũng không có giá trị.

Tại một công ty nọ, hàng năm có rất nhiều sinh viên đến xin làm thực tập sinh, một cô gái bước vào phỏng vấn tại công ty với số điểm cao nhất. Cô là người rất thông minh, cũng có năng lực, nhưng trong vòng thi cuối cùng lại không trúng tuyển. Nguyên nhân rất đơn giản, rất nhiều đồng nghiệp đều kể chuyện cô nhiều lần bắt nạt bác gái quét dọn vệ sinh. Bình thường cô vẫn hay vênh mặt hất hàm sai khiến bác giúp cô ấy rửa ly và dọn dẹp bàn làm việc, còn nói những lời tổn thương: “Bà chính là người dọn dẹp vệ sinh, bà không làm những việc thấp kém này thì ai làm?”

Mặc dù cô gái này năng lực không tầm thường, nhưng công ty không muốn cô ở lại làm bởi không một ai muốn trở thành đồng nghiệp của cô.

Trong gia đình, cha mẹ lưu lại cho trẻ tài sản quý giá nhất không phải là một cuốn sổ tiết kiệm, một chiếc xe đẹp hoặc một tờ sở hữu bất động sản, mà là giáo dưỡng con tự lập chỗ đứng trong xã hội.

Phẩm hạnh và giáo dưỡng, không phải là vì ai khác, mà chính là vì để đề cao năng lực ổn định cuộc sống, để lập nghiệp, lập thân, lập thất.

Người không được giáo dưỡng, nửa bước cũng khó đi.

3. Năng lực hòa hợp với những người xung quanh

Con trai của một người hàng xóm của tôi, từ nhỏ cậu là một học sinh giỏi có tiếng ở trường trung học, sau đó được chuyển đến học ở một trường đại học uy tín. Tuy nhiên, một năm sau khi tốt nghiệp đại học cậu ta đã thất nghiệp nhiều lần liên tiếp.

Hết lần này đến lượt khác gặp trắc trở, cậu ta rơi vào tiêu trầm, từ bỏ ý định tìm kiếm công việc, mỗi ngày trốn trong nhà chơi game quên trời quên đất, không khác gì mấy đứa vô dụng.

Mẹ cậu ta từng đi tìm giám đốc công ty nơi con trai làm việc trước kia, lắng nghe ông nói và được biết, học lực của con trai bà rất cao, năng lực không tệ chút nào, nhưng không biết đối nhân xử thế. Giám đốc phê bình cậu ta một lần, cậu ta giận dỗi và không đi làm vào ngày hôm sau. Khi đợi thang máy, cậu ta gặp giám đốc cũng chưa bao giờ nhường bước, nhìn thấy đồng nghiệp cũng không thèm chào hỏi. Khi gặp ý kiến trái chiều, liền trách mắng đồng nghiệp không chút nể nang, nắm được lý rồi thì quyết không tha cho ai.

Cha mẹ không cần phải dạy con khôn khéo lấy lòng người. Tình cảm giả tạo đưa lại một mối quan hệ không bền vững. Giá trị Chân – Thiện – Nhẫn mới đích thực là điều mà con cần học tập. Khi con có thể nhẫn được cái khẩu khí của mình, dành cho mọi người những lời nói chân thành và tấm lòng quan tâm, thân thiện. Thì khi đó, con sẽ sống an nhiên tự tại từ bên trong nội tâm và hài hòa với xã hội bên ngoài.

Khi con có thể dành cho mọi người những lời nói chân thành và tấm lòng quan tâm, thân thiện, khi đó con sẽ sống an nhiên tự tại và hài hòa với xã hội. (Ảnh theo afamily)

Rất nhiều bậc cha mẹ có lối nghĩ rằng: Trẻ có thành tích tốt chính là xuất sắc, gửi con vào một ngôi trường danh tiếng thì chính là mình đã thành công.

Thành tích tất nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối không phải là duy nhất, xã hội mới là tiêu chuẩn cuối cùng kiểm nghiệm một con người.

Trẻ cuối cùng cũng sẽ phải rời xa gia đình, bước vào xã hội, tiếp xúc với muôn vạn dạng người, vật lộn với xã hội này. Chúng ta có thể dành cho trẻ một cuộc sống đầy đủ, thoải mái lúc còn nhỏ, hết sức yêu thương, che chở, nhưng không thể đi cùng trẻ suốt đời.

Một ngày nào đó, con sẽ phải một mình đối diện với thế giới này, tự mình giải quyết khó khăn, tự mình gánh chịu gian khổ, tự mở ra con đường cho chính mình.

Bởi vậy, nếu thật sự yêu con, trước khi con rời xa gia đình, cha mẹ hãy dạy con kỹ năng hòa hợp với người khác và kỹ năng hòa hợp với thế giới, giúp con sống hài hòa trong xã hội. Đây mới là sự giúp đỡ và che chở tốt nhất cho con.

4. Kỹ năng tự bảo vệ

Đối với cha mẹ mà nói, bạn có thể không dạy con thông minh, có thể không dạy con thành công, nhưng bạn nhất định phải dạy con biết cách tự bảo vệ bản thân.

Thế giới này có quá nhiều góc khuất tăm tối, trong quá trình phát triển của trẻ, những người làm cha làm mẹ chúng ta, cũng không thể mọi nơi mọi lúc đều ở bên cạnh con. Bởi vậy, dạy con tự bảo vệ bản thân là điều cực kỳ quan trọng.

Hy vọng rằng những điểm sau đây, chúng ta có thể giáo dục an toàn cho trẻ từ bé:

So với học vấn, tiền bạc, tình yêu… an toàn thân thể cần phải xếp vào đầu danh sách.

Sinh mệnh trong lúc nguy cấp, vật ngoài thân có thể bỏ thì hãy bỏ, trước tiên phải bảo toàn tính mạng.

Vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu cũng đều nên học cách tránh chọc giận đối phương mà nên học cách biểu đạt uyển chuyển, học cách nói năng cẩn thận. Nói lý lẽ thì có thể được, nhưng đừng bao giờ nói lời ác ý, nhục mạ người khác.

Trong sâu thẳm nội tâm mỗi người đều có một điểm nhạy cảm không muốn ai biết. Mà đôi khi, một câu nói lại có thể kích nổ điểm này, khiến họ điên cuồng, mất đi nhân tính. Làm tổn thương người và làm đau chính mình, chính là kẻ ngốc nghếch nhất!

Trong bất kỳ tình huống nào, hãy nhớ không được chọc giận đối phương. (Ảnh theo ulead)

Đối với người lạ cần có ý thức cảnh giác, đừng ăn đồ ăn của người lạ, đừng ăn kẹo của người lạ, giữ khoảng cách nhất định với người lạ. Không chỉ là người lạ, cũng cần cẩn thận với những người quen nguy hiểm. Đôi khi, người quen còn đáng sợ hơn người lạ.

Để có thể sống an toàn và hòa hợp với người quen, cần phải nhớ kỹ nguyên tắc sau: Giữ sự chân thành và thân thiện, nhưng cần có một khoảng cách. Giữ một khoảng cách nhất định trong mối quan hệ với người quen mới là cách giữ an toàn tốt nhất.

Khi trẻ đang học mẫu giáo, cần nói cho con những bộ phận riêng tư. Nếu có người chạm vào những bộ phận riêng tư này, nhất định cần về nhà nói cho bố mẹ biết. Giai đoạn học tiểu học, cần nói cho con các tên gọi chính xác của các bộ phận riêng tư, và nhấn mạnh rằng tuyệt đối không cho phép bất kỳ ai xem hay động chạm vào. Nếu ai đó có hành vi này, nhất định cần dũng cảm nói không, cự tuyệt những yêu cầu loại này.

5. Năng lực kiên trì, không dễ dàng bỏ cuộc

Tôi rất thích phim ngắn “Giấc mơ từ mầm đậu”, người mẹ trong bộ phim nghỉ học từ năm lớp 4, biết rất ít chữ. Nhưng cách dạy con của cô ấy khiến tôi rất ngưỡng mộ và cũng rất xấu hổ.

Cô bé theo mẹ đi chợ, nhìn thấy rất nhiều người mua giá đỗ, liền hỏi mẹ: “Tại sao giá đỗ bán được tốt như vậy ạ?”

Mẹ nói: “Bởi vì chỉ có những quầy đó bày bán giá đỗ đó”.

Cô bé bất chợt nảy ra ý tưởng: “Vậy chúng ta có thể tự trồng và sau đó bán đi?”

Mẹ gật đầu: “Hay đấy, chúng ta có thể thử xem!”

Sau khi về nhà, mẹ và con gái cùng nhau bắt tay vào làm giá đỗ. Thật bất ngờ, qua mấy ngày, toàn bộ giá đỗ đều chết khô cả.

Nhìn đám giá đỗ chết khô, hai mẹ con đều có chút chán nản. Nhưng mẹ nói: “Không sao, chúng ta thử lại lần nữa.” Thế là, hai mẹ con mua cuốn sách hướng dẫn, cùng nhau học cách làm giá đỗ một cách khoa học.

Nhưng bởi vì họ bỏ quên việc tưới nước sớm – tối cho giá đỗ, nên lại một lần nữa thất bại.

Ngồi trong căn nhà đang bị mưa dột, nhìn số tiền ít ỏi trên sổ tiết kiệm, mẹ rơi nước mắt, nhưng rồi lại nhìn con gái cười nói: “Chúng ta thử lại lần nữa nhé.”

Với tinh thần không bỏ cuộc, cô con gái nhỏ trong bộ phim sau này làm bác sĩ, rồi cô bé nhận được học bổng nghiên cứu sinh tại Thụy Điển.

Chính tinh thần không dễ dàng từ bỏ của mẹ và câu nói “Chúng ta thử xem nhé” giống như chất dinh dưỡng kỳ diệu bồi dưỡng cho sự tò mò và tinh thần khám phá thế giới, giúp cây tri thức của con phát triển vô cùng xanh tươi.

Theo Cmoney
Mây Trắng biên dịch

Exit mobile version