Vừa hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, em Nguyễn Thị Thu Hương đã tất bật đi làm thêm để kiếm tiền nhập học. Câu chuyện của em khiến chúng ta nhớ đến những tấm gương hiếu học, vượt mọi khó khăn để luyện rèn tri thức của người xưa.
Gia cảnh nghèo khó của cô tân sinh viên
Với ước mơ trở thành cô giáo, em Nguyễn Thị Thu Hương (SN 2001, trú tại thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã nỗ lực suốt 12 năm học và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia để chạm đến ước mơ trở thành tân sinh viên của ĐH Sư phạm Huế.
Hương sinh ra trong gia đình nhà nông có 3 chị em. Cả cha mẹ đều là nông dân, ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quần quật với mấy sào ruộng, theo Dân Trí.
Những lúc nông nhàn, cha em là ông Nguyễn Văn Tám phải đi làm thợ hồ để kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình. Công việc làm thêm này tuy vất vả nhưng thu nhập của cha cũng không ổn định, mỗi ngày được khoảng 200.000. Tiền bán lúa mỗi mùa cũng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà, ngoài ra cha mẹ em còn phải chăm sóc người cô ruột bị thần kinh nhiều năm qua.
Biết cha mẹ vất vả nên Hương và các chị em rất chăm chỉ học tập, có thời gian rảnh lại giúp cha mẹ việc nhà. Nhờ vậy mà kết quả học tập của 3 chị em luôn đạt loại khá giỏi.
Dù khó khăn cũng không chùn bước
Năm nay Hương thi lên Đại học. Sau khi biết mình trúng tuyển, em vô cùng hạnh phúc, vậy là cánh cổng trường đại học đã mở ra, đó là bước ngoặt cho tương lai của em và gia đình.
Trước niềm vui của con, mẹ em là bà Đào Thị Lý cũng thấy tự hào. Tuy nhiên, mấy ai hiểu được nỗi lo lắng trong lòng người mẹ nghèo.
Đứng trước cánh cổng đại học ấy là biết bao nỗi trăn trở của mẹ cha, tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt phí biết lấy đâu bây giờ?
Dù vậy, thấy Hương hiếu học, thương con lắm nên bà và chồng vẫn quyết định sẽ giúp con theo học đến nơi đến chốn. “Vợ chồng tui sẽ động viên nhau cố gắng lao động, kiếm tiền để chu cấp cho con đến cùng. Tui sẽ cố gắng chạy vạy để vay mượn bà con lối xóm, thậm chí phải làm thêm để đóng học cho con”, bà Lý chia sẻ.
Biết nhà mình nghèo khó nên vừa hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi năng khiếu của trường ĐH Sư phạm Huế, Hương đã thu xếp thời gian đi làm thêm. Em đi bán cà phê buổi sáng, buổi chiều thì ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi lợn, gà.
Dẫu số tiền công thu được mỗi ngày chỉ chừng 50.000 đồng, nhưng Hương luôn ấp ủ, những đồng tiền kiếm được sẽ cho mình thêm cơ hội được đến trường.
Chia sẻ với PV Dân Trí, Hương nhẩm tính, chi phí nhập học ban đầu như nộp các khoản, thuê nhà trọ… cũng tốn không dưới 3 triệu đồng. “Trước mắt, em sẽ thuyết phục mẹ vay mượn cho em nhập trường. Sinh viên sư phạm như em đã được miễn học phí nên khi vào trường em sẽ đi làm thêm để trang trải các khoản sinh hoạt. Bốn năm đại học sẽ rất khó khăn, nhưng em tin rằng, bản thân mình sẽ làm được”, Hương bày tỏ.
Vượt qua bao khó khăn, ý chí học tập của Hương khiến nhiều người cảm động. Trên thực tế, truyền thống hiếu học, tôn Sư trọng Đạo là nét đẹp quý báu của văn hóa truyền thống phương Đông. Trong lịch sử Việt Nam, có một vị Trạng Nguyên cũng xuất thân bần hàn như thế.
Tranh thủ thì giờ, khắc phục hoàn cảnh túng thiếu mà đọc sách
Mạc Đĩnh Chi (1272–1346) sinh ở vùng đất Chí Linh, Hải Dương, từ nhỏ đã mồ côi cha. Nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày.
Mẹ ông chịu thương chịu khó dành dụm tiền mong con đi học lấy cái chữ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập. Ông chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm nội dung, kể cả những lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên để học.
Với nghị lực phi thường như vậy, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng Nho học. Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên; thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên.
Sau này Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Hoa, với tài năng xuất sắc, ông còn được Hoàng đế nhà Nguyên phong làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của cả hai nước Trung Hoa và Đại Việt).
Dù là thời xưa hay ngày nay, những tấm gương hiếu học luôn đáng để mọi người noi theo. Trong quá trình khắc phục khó khăn để học tập, người học không chỉ đạt được tri thức mà còn rèn luyện cho mình ý chí kiên cường cùng lòng nhẫn nại. Nhờ vậy mà khi đạt tới thành công, họ càng cảm thấy trân trọng nó hơn.
Video xem thêm: Mục đích cao nhất của giáo dục là gì?