Vũ Lê Hoàng Mai (17 tuổi), đến từ trường trung học phổ thông (THPT) Chuyên Hà Nội – Amsterdam vừa nhận thư trúng tuyển kèm học bổng toàn phần lên đến 7 tỷ đồng từ Hội đồng tuyển sinh Đại học Chicago, ngôi trường top 6 nước Mỹ.
Quyết định táo bạo khi apply vào ngôi trường hàng đầu nước Mỹ
Hoàng Mai chia sẻ, em rất đam mê học và đọc sách, đặc biệt là các tri thức về vật lý: từ lý thuyết lượng tử (về vũ trụ, hạt cơ bản, thuyết đa tuyến tính của không– thời gian…) tới ứng dụng vật lý hiện đại vào các lĩnh vực sản xuất thực tiễn.
Với Mai, đến Mỹ là hành trình như mơ. Trong khi nhiều bạn được gia đình xác định cho du học từ cấp 1, Mai vẫn chỉ là cô bé học trường Tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ. Khi ấy, không ai nghĩ sẽ cho con học một trường cấp hai tốt nhưng mẹ Mai thấy con học được nên đã cho ôn luyện để thi vào hệ THCS của trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Trúng tuyển lớp chuyên Toán, gia đình Mai tự hào xen lẫn lo lắng bởi tiếng Anh của em kém gần nhất lớp.
Mẹ gửi Mai tới lớp học thêm, có 7 lớp theo trình độ. Lớp 1 gồm những bạn giỏi, lớp 7 kém nhất thì em được xếp vào lớp 5. Không còn nhớ được truyền cảm hứng như nào, Mai chỉ biết đã đam mê tiếng Anh, học bao nhiêu cũng không thấy nặng. Lên lớp 8, Mai được lên lớp cao nhất. Em đọc được nhiều tài liệu nước ngoài, bắt đầu nghĩ tới chuyện du học. Đỗ vào 10 chuyên Anh 1, thấy các bạn ôn thi các bài chuẩn hóa như SAT, TOEFL, em cũng ôn theo.
Giữa lớp 11, Mai đã hoàn thành các bài thi với 1.570/1.600 điểm SAT I và tuyệt đối (800/800) SAT II ba môn Toán, Lý, Hóa. Với TOEFL, Mai đạt 114/120 điểm. Tuy nhiên, Mai vẫn không biết đi du học cần nhiều hơn thế.
Thấy các bạn gần hoàn thành hồ sơ du học, Mai lo lắng. Hết học kỳ I lớp 11, em đi tìm trung tâm hướng dẫn. Mai cho rằng việc tìm đến trung tâm không phải to tát, đơn giản là tìm người hiểu rõ về quá trình nộp hồ sơ để hướng dẫn bởi trường học Việt Nam không có bộ phận này như ở Mỹ. Đến đó, em thoải mái chia sẻ về khả năng chi trả tài chính, được định hướng những việc cần làm.
Mai có hai mối quan tâm. Một là giáo dục bởi em cảm nhận rõ sự bất bình đẳng không chỉ giữa miền quê với thành phố mà ngay giữa các trường trong thành phố với nhau. Hai là Vật lý, bởi từ khi biết nhiều tiếng Anh, em đọc được sách của Stephen Hawking, Neil deGrasse Tyson và yêu thích lĩnh vực này.
Bản ngã cá nhân và kỳ vọng xã hội
Sau đó là quãng thời gian Hoàng Mai miệt mài tham gia vào các hoạt động ngoại khoá và viết luận. Hoàng Mai tham gia vào một dự án giảng dạy và hướng dẫn các bạn học SAT yếu hơn.
Em cũng xin tham gia vào xây dựng ứng dụng từ vựng học SAT của một công ty công nghệ giáo dục. Hoàng Mai hoàn thành dự án Evy – tri thức cho em và tổ chức thành công buổi offline dạy các em học sinh cấp 2 về vật lý ứng dụng. Mai cho biết trên báo Dân Trí: “Chính nhờ tham gia các hoạt động, em có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và bản thân mình. Xen kẽ các hoạt động em tiến hành lên ý tưởng và viết nháp bài luận cá nhân. Tuy có nhiều ý tưởng nhưng em thường được phản hồi là chưa phản ánh hết cá tính bản thân, chưa nêu bật được con người của mình và cần trải nghiệm hơn nữa.
Mãi sau khi hoàn thành app từ vựng học SAT và được tìm kiếm nhiều nhất trên Apple store, em mới chốt xong ý tưởng. Ý tưởng đó lại phải sửa thêm gần 10 lần nữa mới ra bản cuối cùng. Tuy vất vả nhưng em lại thấy đó là một quá trình trưởng thành. Em nhận thức được nhiều khía cạnh về cuộc sống và hiểu bản thân mình hơn”.
“Trong đó, khó nhằn nhất là bài luận bổ sung không giới hạn từ về mạng sống. Đề bài đưa ra khái niệm về đa mạng như con cáo trong truyền thuyết có 9 cuộc đời, nhân vật pacman trong trò chơi điện tử có 3 cơ hội sống… và yêu cầu em tự đưa ra một khái niệm và giải thích về ý nghĩa số mạng sống của khái niệm đó.
Em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết về 2 cuộc đời: sống theo bản ngã cá nhân và sống theo kỳ vọng xã hội của con người hiện đại. Lúc hoàn thành bài luận, em cảm thấy đó là một trong những thử thách khó nhất trong đời mình”, Hoàng Mai bồi hồi kể.
Tự tin vào dự án mình thành lập, bài luận cùng các chứng chỉ, trước thời gian nộp hồ sơ khoảng nửa tháng, Mai xác định nộp vào trường trong top 20 của Mỹ, không dám nghĩ tới trường top 10 như UChicago bởi tự ti vì khả năng tài chính.
Khi xét sinh viên quốc tế, các trường Mỹ muốn ứng viên đóng nhiều tiền bởi quỹ của họ đã phải hỗ trợ cho sinh viên trong nước. Ứng viên quốc tế xin nhiều hỗ trợ sẽ mất ưu thế hơn. Vậy mà Mai chỉ chi trả được thấp hơn so với mặt bằng chung của các bạn trong lớp – những người cạnh tranh trực tiếp với em.
Mai nói với báo VnExpress: “Em rất sợ trường đánh trượt vì phải xin hỗ trợ. Đã có lúc em như mất hết động lực. Rất may em được nhiều người động viên và khuyên mạnh dạn thử một lần nên đã cố vượt qua”.
Một tuần trước ngày nộp hồ sơ, Mai chia sẻ lo lắng với người hướng dẫn. Em xin lời khuyên thì được bảo hãy làm theo con tim để không phải nuối tiếc. Lúc này, Mai mới mạnh dạn nộp hồ sơ vào đại học em yêu thích nhất – UChicago, theo dạng cam kết nếu trúng tuyển sẽ chắc chắn nhập học. Điều này nhằm nhấn mạnh mong muốn được vào trường.
Quyết định “táo bạo nhất trong đời” đã giúp Mai nhận trái ngọt. Thông báo trúng tuyển của Đại học Chicago khiến Mai như trút được mọi gánh nặng. Một lần nữa em phá bỏ định kiến phải có thành tích ở đấu trường quốc tế mới có cơ hội trúng tuyển vào những trường nặng về học thuật như UChicago.
Còn 8 tháng trước ngày sang Mỹ, Mai sẽ tiếp tục các dự án, học thêm khóa online ở nhiều lĩnh vực. Mai nói: “Em đang nghĩ tới cảnh tối thứ Bảy được ngồi trong khuôn viên trường để bàn về Triết học Plato hay một chủ đề Vật lý nào đó. Em sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể trước khi đến Mỹ”.
University of Chicago (UChicago) nằm trong top 10 trường đại học tốt nhất nước Mỹ, năm 2019 trường được xếp hạng #6NU – top 6 đại học quốc gia Mỹ, chỉ đứng sau một số trường như Princeton, MIT, Harvard… và còn được đánh giá cao như các trường thuộc khối Ivy League. Bên cạnh đó, UChicago nổi tiếng là ngôi trường có tỷ lệ chấp nhận học sinh cực thấp – chỉ khoảng 7% và năm 2018 ghi nhận mức thấp kỷ lục 5.9% (theo Chicagomaroon). |
Video xem thêm: Thiếu tướng nguyên tổng biên tập báo quân đội nói gì về Pháp Luân Công