Những câu chuyện đau thương từ trầm cảm, tự tử, cho đến sát nhân lạnh lùng… khiến người ta không khỏi lo lắng cho thế hệ trẻ ngày nay. Vì đâu mà xảy ra “sự cố giữa đường đời” như vậy? Phải chăng người lớn chúng ta đã mải mê đưa con chạy theo cuộc đua của sự thông minh và thành tích mà quên mất nuôi dưỡng ở con một năng lực tinh thần khỏe mạnh?
Nếu như người xưa nuôi con chỉ mong có con cơm ăn áo mặc, được học hành đầy đủ, thì giờ đây nhà nhà người người đều muốn con mình giỏi giang, thành đạt. Nhiều gia đình còn không tiếc tiền để con được học những trường đắt đỏ, với hy vọng con sẽ thông minh, thi cử đỗ đạt, cuối cùng kiếm được nhiều tiền, thành danh trong sự nghiệp sau này.
Thông thường các bậc cha mẹ chỉ quan tâm tới Chỉ số thông minh (IQ) và cảm thấy mừng thầm khi con có chỉ số IQ cao và kết quả học tập rạng rỡ.
Nhưng nếu chỉ dựa vào IQ ta sẽ không thể hiểu tại sao có những đứa trẻ chỉ số IQ cao mà kết quả học tập kém? Tại sao có những bạn trẻ dù kết quả học tập rất cao nhưng sự nghiệp không thành công? Ta càng không thể hiểu được vì lẽ gì mà một người trẻ nào đó đang thành đạt trong sự nghiệp lại bất ngờ gục ngã?
Ngoài sự thông minh học giỏi con người còn cần một thứ năng lực tinh thần mạnh mẽ để vươn tới thành công và đứng vững trong nghịch cảnh: đó là trí thông minh cảm xúc hay còn gọi là EQ. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục đã khẳng định rằng thành công của chúng ta trong công việc hay trong cuộc sống phụ thuộc 80% vào chỉ số EQ và 20% vào IQ. Cũng như vậy, người xưa đã đúc kết lại bí quyết của thành công trong câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
EQ là gì?
Hai nhà tâm lý học người Mỹ Salovey và Mayer lần đầu tiên đưa ra khái niệm EQ năm 1990. Nhìn chung, có thể hiểu trí tuệ cảm xúc là “Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình”.
Biểu hiện thường thấy ở người có chỉ số EQ thấp là thiếu bạn bè, sống thu mình, khó hòa nhập, trong khi theo ông Daniel Goleman, nhà nghiên cứu tiêu biểu về trí thông minh cảm xúc thì người có chỉ số EQ cao sẽ có 5 loại năng lực tinh thần với những biểu hiện sau đây:
Năng lực tự nhận biết bản thân
Biết khi nào cơ thể cần nghỉ ngơi, biết yêu bản thân, biết điểm yếu, điểm mạnh của mình.
Có thể thật lòng nói ra suy nghĩ của bản thân.
Luôn tỉnh táo để đặt ra giới hạn cho cảm xúc của chính mình.
Năng lực tự điều chỉnh
Không hấp tấp phản ứng nhất thời vì bị cảm xúc chi phối.
Nhìn nhận lời chê bai như là cơ hội để học hỏi thêm.
Chấp nhận sự thay đổi và không ngừng thay đổi để thích nghi.
Năng lực tạo động lực
Thường xem kết quả của công việc là quan trọng.
Luôn chú ý đến mục tiêu của tổ chức trước khi ra quyết định, luôn tìm được mục tiêu của bản thân trong mục tiêu của tập thể.
Gắng hết sức thực hiện lời hứa của mình bằng mọi giá.
Năng lực giao tiếp xã hội
Có khả năng truyền đạt thông tin.
Có thể xử lý những tình huống căng thẳng.
Có khả năng thương thuyết và giải quyết những mối bất hòa.
Năng lực thấu cảm với người khác
Thường tò mò về những người xung quanh.
Có khả năng “đọc” ý nghĩ trước khi mọi người nói ra.
Không đề cao sự hoàn hảo.
Không ngại nói lời xin lỗi.
Biết cảm thông với người khác.
Sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Đến đây, ta có thể hiểu được tại sao học giỏi mà không thành công? Đó là bởi tuy thông minh nhưng năng lực tự điều chỉnh thấp, năng lực giao tiếp xã hội kém hoặc không có năng lực thấu cảm với người khác thì sẽ gặp nhiều trở ngại, dễ bỏ cuộc và cô độc trên con đường sự nghiệp.
Ta cũng có thể hiểu nguyên nhân khiến những người trẻ trầm cảm, hay thậm chí tự tử. Khi năng lực tự điều chỉnh yếu hoặc năng lực tạo động lực kém, tinh thần của họ sẽ dễ dàng bị kéo xuống, kéo mãi thì có lúc đến đáy…
Không có cha mẹ nào mong muốn con nhận kết cục thương tâm, nhưng nếu điều đó xảy ra lỗi lầm vẫn nằm ở quá trình giáo dục. Đáng nhẽ ra cha mẹ đã có thể giúp con cải thiện EQ từ sớm để không phải hối hận sau này…
Cải thiện EQ là một quá trình cố gắng
Nếu như IQ có những bài kiểm tra đo lường với kết quả bằng con số thì EQ lại không dễ dàng đong đếm chỉ bằng 1 bài thi. Mặt khác, IQ ít thay đổi theo thời gian nhưng EQ có thể được thay đổi và cải thiện tại mọi thời điểm.
Điều này khiến ta liên tưởng tới công thức thành công: 1% trí thông minh + 99% nỗ lực. Ta chợt hiểu rằng 99% này chính là sự cải thiện EQ nhờ môi trường quanh trẻ (cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm…). Hơn ai hết, cha mẹ có thể cải thiện EQ cho con.
Vậy phải dành thời gian chất lượng cho con mới có thể nhận biết và cải thiện trí thông minh cảm xúc ở con. Chỉ số EQ gồm 4 cấp độ: nhận biết cảm xúc, hiểu được cảm xúc, tạo ra cảm xúc và quản lý cảm xúc của mình và của người khác. Tương ứng với 4 cấp độ đó là 4 câu hỏi giúp cha mẹ nhận ra và điều chỉnh mức độ thông minh cảm xúc ở con mình. Mỗi khi bên con cha mẹ cần tự thẩm vấn bản thân 4 câu hỏi này:
1.Con có thể nhận biết đúng cảm xúc của bản thân mình và cảm xúc của những người xung quanh hay không?
2. Con có khả năng hiểu và thấu cảm được các loại cảm xúc, đồng thời biết nguyên nhân và hậu quả của các loại cảm xúc ấy hay không?
3. Con có khả năng diễn tả và đáp lại các cảm xúc của người khác hay nói cách khác con có biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ với người khác không?
4. Con có thể tự quản lý được cảm xúc của mình, cư xử hợp lý để dễ dàng hòa đồng với tập thể không?
Chỉ khi hiểu con rồi cha mẹ mới có thể từng chút từng chút uốn nắn con như người trồng cây ngày đêm tỉa cành tỉa lá. Quá trình ấy cần sự nhẫn nại bên con, cùng con trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau và hướng dẫn con thấu hiểu cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Từ đó ta sẽ bồi đắp cho con khả năng tự điều chỉnh và sự đồng cảm, để con lớn lên có năng lực tinh thần mạnh mẽ.
Video xem thêm: 20 năm đi dạy, giờ tôi mới nhận ra môn học quan trọng nhất cuộc đời