Nhà nghèo, đông con, trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề, vợ chồng ông Chuẩn, bà Dần vẫn nuôi được 10 người con ăn học đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn (85 tuổi) và bà An Thị Dần (83 tuổi) nổi tiếng ở vùng đất Lý Nhân, Hà Nam, vì gia cảnh nghèo khó mà vẫn lo được cho 10 người con thành danh, thành tài.

Chật vật từng miếng ăn cho các con

Theo Vietnamnet, ông là giáo viên trường THPT, vợ làm nghề buôn bán. Cái nghèo đeo bám cuộc sống của hai vợ chồng trong suốt hàng chục năm khi 10 người con lần lượt ra đời.

Nói về quãng thời gian vất vả nuôi con của mình, ông Chuẩn kể những năm 1970, lũ con của ông đứa nào cũng đói, mặt xanh như tàu lá, cứ vài bữa các con lại phải vác cái rá thủng đi khắp làng vay gạo. Có lần, cậu con thứ 3 đi bộ ra tận đầu làng, cách nhà một km nhưng vẫn về tay không.

Đói khổ, lại bị người đời mỉa mai, nhưng ông Chiểu vẫn “xua” cả đàn con 5 trai, 5 gái (sinh từ 1956 đến 1976) đi học hết.

Một góc nhà ngày xưa của ông Chuẩn, bà Dần (ảnh: Vietnamnet).

Nhớ một lần, nhà hết gạo, chỉ còn quả bí ngô. Mấy đứa trẻ cử cậu thứ 9 sang hàng xóm vay muối về chấm bí ngô luộc. Thằng bé chạy đi, rồi về nhà khóc tu tu vì bị hàng xóm mắng: “Nhà mày đến muối mà cũng không có để ăn à?”. Lúc đó, lũ trẻ bảo nhau: “Thầy nói đúng, anh em mình phải học thật giỏi để thoát nghèo”.

Bà Dần cũng nhớ lại, bà buôn đủ nghề vẫn không lo nổi cho các con ăn học nên thường xuyên phải vay nợ. Bà chia sẻ với PV Vietnamnet khi nhớ lại lúc giáp Tết, các con bà thường bảo: “Ngày Tết, người lạ đầy nhà mà mẹ thì ở ngoài đường”. Vì lúc đó người ta đến đòi nợ còn bà vẫn cố buôn bán, kiếm thêm được chút gì cho con ăn.

Để có tiền cho các con ăn học, ông Chiểu “vừa làm thầy, vừa làm thợ, đi chợ, làm nông”, không nề hà công việc gì. Đầu tuần, ông dậy từ một giờ sáng, đi bộ khoảng 40km đến trường ở Thường Tín, (Hà Nội) dạy học, cuối tuần lại đi bộ về. Ngày nghỉ, ông cùng vợ mua quýt, vôi, quang gánh đi bán khắp Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. 

Ngoài cày cấy, ông tự làm máy xát rong, trồng rau để kiếm thêm. Nhà không có gạo thì ăn rau, ăn củ chuối.

Những đứa con hiếu học  

Theo Vnexpress, nhiều năm phải đi vay, gia đình ông Chiểu nợ khắp nơi. Vài hôm lại có người đến ngôi nhà tranh xiêu vẹo đòi thóc, đòi tiền. Ông Chiểu mời chủ nợ vào nhà bảo “Ngày nào các bác cũng đến đòi, tiếp các bác tôi chẳng còn thời gian làm mà trả nợ. Tôi hẹn bác này 3 tháng, còn bác đây 2 tháng sẽ trả”. Có người đồng ý, nhưng cũng có người chửi, không ít lần ông phải qua nhà anh trai.

Thấu hiểu hoàn cảnh và thương mẹ cha, các con ông lại càng cố gắng học hành.

(ảnh: Đức Minh/VnExpress).

Chị Hằng (người con thứ 7 của ông bà) nhớ lại: “Người ta đến đòi nợ, mấy chị em tôi vẫn mắc võng lên cành cây hồng xiêm nằm học. Họ quát tháo ồn quá thì lại chui vào buồng, đóng kín cửa học. Nửa đêm, hai cái đèn dầu cạn, mấy đứa bảo nhau đổ nước cho váng nổi lên”.

Bà Dần kể: “Thằng con thứ 3 hôm nào đi cuốc đất cũng cài cuốn sách sau lưng. Cứ nghỉ tay là nó lại đặt ngang cán cuốc làm chỗ ngồi, rồi lôi sách ra học”.

Chị Nguyễn Thị Xuân, con gái thứ 4 của ông bà, hiện là giáo viên về hưu, cho biết các anh em chị không bao giờ chán học và lúc nào cũng đạt học sinh giỏi. “Chúng tôi chẳng có bí quyết gì, chỉ do nghèo đói quá thì phải học thôi!”.

10 người con của ông Chiểu bà Dần lần lượt đậu đại học, 7 người chọn ngành sư phạm giống cha. Vợ chồng ông tiếp tục nuôi các con ăn học thêm 20 năm, năm nào cũng có 2 đứa đang học. Các con vừa gắng học giỏi để giành học bổng, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải và đỡ đần cha mẹ.

Gia đình toàn thạc sĩ, tiến sĩ

Đến khoảng cuối những năm 1990, các con ông Chiểu đều đi làm và dần trả hết nợ cho gia đình. Giờ đây, người con thứ 3 mang sách ra ruộng mà bà Dần nhắc đến đã là một phó giáo sư, tiến sĩ. Người con thứ 9, nằm lăn dưới đất khóc vì không xin được muối ngày ấy đã là một thạc sĩ, hiện dạy cấp 3 tại một trường điểm của huyện Lý Nhân. 8 người con còn lại, có một tiến sĩ.

Nếu tính cả dâu rể và hàng cháu, nhà ông Chiểu hiện có một phó giáo sư, 5 tiến sĩ và 20 thạc sĩ. Con gái đầu của vợ chồng ông thời đó là người con gái duy nhất trong xã học đại học.

Vợ chồng ông Chiểu hiện sống cùng con trai thứ 9. Các con đều đã thành đạt, có gia đình riêng không phải lo lắng vất vả từng miếng ăn nữa nhưng sáng nào ông cũng lúi cúi ngoài vườn, vun gốc hồng xiêm, gốc bưởi trong khu vườn rộng hơn nghìn mét vuông, bà Dần trẩy bưởi, hồng xiêm bán vui hưởng tuổi già. 

Ông Chiểu chưa bao giờ phải dùng roi vọt để dạy con (ảnh: Đức Minh/VnExpress).

“Chúng tôi bước chân ra đời, cũng đối mặt với nhiều thách thức nhưng học được ở cha mẹ chữ ‘nhẫn’, sự bền bỉ, kiên cường. Anh em chúng tôi cũng chẳng bao giờ tỵ nạnh nhau cái gì, vì quãng thời gian khổ cực nhất, chúng tôi đã luôn đùm bọc nhau”, Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, con trai thứ 3 của ông Chiểu nói.

Hiện, các con, cháu ông bà đều đã thành đạt, có nhiều người làm chức vụ lớn, truyền thống hiếu học trong gia đình vẫn được giữ nguyên vẹn.

Video xem thêm: Phẩm hạnh của bố mẹ là nền tảng giáo dục tốt nhất cho con cái

videoinfo__video3.dkn.tv||01a0d7c69__