Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện và nuôi dưỡng đam mê ở con trước, rồi mới mơ ước đến thành công sau

Lựa chọn nghề nghiệp tương lai dựa vào đam mê và năng lực (ảnh: Shutterstock).

Đam mê giống như ngọn lửa nung nấu ý chí, có ý chí cộng với nỗ lực thì mới có thể đạt được thành công. Vì vậy, điều quan trọng với mỗi người ngay từ khi còn nhỏ là phát hiện và nuôi dưỡng đam mê để đặt nền tảng cho thành công mai sau.

Cha mẹ thường kỳ vọng vào con cái, tạo điều kiện cho con học hành đầy đủ các lớp nâng cao, học thêm, kỹ năng mềm… mong con sau này thành đạt. Tuy nhiên, khi trò chuyện với con về nghề nghiệp tương lai, nhiều phụ huynh chỉ chú trọng tiền lương, so sánh mức lương giữa các công việc với nhau, nghĩa là phần ngọn, mà không quan tâm con đam mê điều gì, đó mới là phần gốc. 

Bill Gates là ví dụ điển hình của một người đi từ đam mê tới thành công. Ông sớm bộc lộ niềm say mê với những mô hình máy tính sơ khai nhất, từ nhỏ đã có sở thích rõ rệt. Sau đó ông sẵn sàng từ bỏ ngôi trường đại học danh giá Harvard để đi theo đam mê của mình và đã trở thành tỷ phú khi chỉ mới 38 tuổi.

Hãy dành thời gian quan tâm tới con

Không phải con trẻ nào cũng dễ dàng bộc lộ những đam mê thực sự. Do đó để khám phá ra đam mê của con, cha mẹ cần quan tâm và dành thời gian lắng nghe, quan sát. Giữa rất nhiều sở thích của con thì đâu là đam mê? Vì vậy, hiểu biết và kiên nhẫn là điều rất cần thiết trong trường hợp này.

Hãy dành thời gian vui chơi, tâm sự và ngắm nhìn con trong những trải nghiệm khác nhau. Quan trọng hơn nữa cha mẹ cần tạo nhiều cơ hội cho con trải nghiệm, bộc lộ bản thân, đồng thời cha mẹ ở bên cạnh và khích lệ con biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc, hành động. Cha mẹ có thể đưa ra những gợi ý, định hướng cho con nhưng không nên tạo áp lực, kỳ vọng vào con quá lớn, càng không nên áp đặt những đam mê của cha mẹ lên con.

Có không ít phụ huynh muốn con trở thành bác sĩ, kỹ sư…nhưng đó có thể không phải là công việc các em yêu thích. Những quyết định cho rằng tốt cho con thực tế có thể không phù hợp với niềm đam mê và khả năng cá nhân của chúng. Vì vậy, cha mẹ không nên ép buộc con làm theo lựa chọn của gia đình. Điều tiên quyết để tìm ra đam mê là phải trung thực với bản thân.

Cũng cần phân biệt đam mê với sở thích. Sở thích thường nhất thời trong khi đam mê là thứ con sẽ theo đuổi lâu dài. Sở thích là những việc mà con chỉ đơn giản là cảm thấy thích làm, ví dụ xem phim hoạt hình, ăn kem, chơi đá bóng, vẽ, đọc sách… Trong vô vàn sở thích đó, hãy quan sát xem điều nào con không chỉ thích mà còn mơ ước, khao khát thực hiện bất kể khó khăn thì đó chính là đam mê.

Chia sẻ về ý nghĩa công việc

Trò chuyện cùng con về nghề nghiệp tương lai, nhiều phụ huynh thường chỉ nói đến tiền lương và so sánh. Hãy thử tưởng tượng con bạn lựa chọn công việc kiếm được nhiều tiền nhưng không hề yêu thích và mỗi sáng thức dậy không thấy vui mà chỉ cố gắng xoay xở đến giờ tan ca. Liệu nghề nghiệp như vậy có đem lại hạnh phúc?

Trong những cuộc trò chuyện hướng nghiệp, phụ huynh nên chia sẻ về ý nghĩa của những công việc thay vì chỉ nói về tiền bạc. Khi hiểu được đặc điểm và giá trị của từng công việc khác nhau, con mới có thể nhận ra đam mê của bản thân thuộc lĩnh vực nào, nhờ đó sau này lựa chọn được công việc phù hợp. 

Thực tế, mỗi đam mê có thể mở ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Ví dụ, con đam mê vẽ, con có thể làm một họa sĩ, hoặc cũng có thể trở thành nhà thiết kế đồ họa, kiến trúc sư, nhà tạo mẫu thời trang, giảng viên mỹ thuật. Nếu con đam mê viết, con có thể bắt đầu mơ ước thành một nhà báo tương lai, một người phiên dịch sách, hoặc một nhà văn tự do.

Tạo môi trường nuôi dưỡng đam mê 

Có đam mê mà không có môi trường nuôi dưỡng phù hợp thì đam mê của trẻ cũng không phát triển được, thậm chí có xu hướng mai một dần. Vì vậy khi phát hiện ra những đam mê tích cực của trẻ, cha mẹ cần tạo điều kiện và môi trường để nuôi dưỡng, phát triển đam mê đó. 

Tạo điều kiện để con làm điều mình đam mê (ảnh: pixabay).

Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các cuộc thi, khoá học…để phát triển trở thành nghề nghiệp trong tương lai. Ví dụ con thích khoa học, hãy cho con tham gia lớp ngoại khóa về khoa học ở trường, mua sách về các thí nghiệm khoa học để cùng làm với con. Ngay cả khi sau này con không trở thành nhà khoa học thì những trải nghiệm này vẫn là yếu tố cần thiết hỗ trợ phát triển trí tuệ, tính cách, kỹ năng cho con.

Khuyến khích con tham gia các hoạt động

Tham gia câu lạc bộ tại trường học, tổ chức tại địa phương hoặc những dự án phi chính phủ, công việc bán thời gian là cơ hội giúp trẻ tìm ra niềm đam mê cá nhân. Việc tham gia các hoạt động còn giúp trẻ xây dựng các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếng Anh, khả năng tự lập, làm việc nhóm.

Đôi khi trong quá trình tham gia hoạt động, trẻ có thể cảm thấy thất vọng, buồn bã vì bị thất bại hoặc gặp trở ngại. Tuy nhiên, bạn có thể chia sẻ với con rằng để theo đuổi đam mê cũng cần sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng, kể cho con nghe câu chuyện của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison đã trải qua 10000 thất bại mới tìm ra đúng vật liệu làm sợi dây tóc của bóng đèn. Từ đó con sẽ hiểu không chỉ có đam mê mà cần nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân, tự do khám phá tiềm năng của chính mình.

Nếu con có bất cứ ý tưởng gì, cha mẹ chính là người khuyến khích, động viên và ủng hộ con theo đuổi. Cô bé Katherine ở tiểu bang Pennsylvania, nước Mỹ, tuy chỉ mới 5 tuổi nhưng đã gây quỹ mua màn cho các em nhỏ ở châu Phi để tránh bệnh sốt rét. Đó là một câu chuyện không chỉ khiến lòng người xúc động mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều những bạn nhỏ khác dám đưa ra ý tưởng của mình.

Bắt đầu từ một suy nghĩ “phải làm gì đó cho các bạn nhỏ ở châu Phi” của Katherine, mẹ cô bé đã ân cần giải thích về căn bệnh sốt rét, về biện pháp dùng màn chống muỗi, dắt cô bé đi siêu thị mua màn, cùng cô bé bán đồ cũ để lấy tiền quyên góp mua màn. Nhờ thế Katherine tự tin, không ngần ngại đến nhà thờ, trường học, tự làm mô hình để thuyết trình kêu gọi mọi người ủng hộ. Trước sinh nhật 6 tuổi, bé Katherine đã gây quỹ hơn 10.000 USD. Cho đến năm 10 tuổi, Katherine đã gây quỹ trên 180.000 USD, tương đương với 18.000 chiếc màn chống muỗi đã được gửi tới các gia đình châu Phi.

Những nỗ lực không mệt mỏi của cô bé Katherine đã góp phần thức tỉnh ý thức của cả cộng đồng đối với căn bệnh hiểm nghèo ở châu Phi. Cùng với mẹ Lynda, Katherine đã tham gia nhiều chiến dịch gây quỹ khác trên khắp nước Mỹ. Cô bé cũng nhiều lần xuất hiện trên các trang báo lớn như CNN, ABC… và nhận được các giải thưởng danh dự từ Nhà Trắng và nhiều tổ chức nhân đạo. Cô bé quả là đã thành công nhờ một ý tưởng, một tấm lòng biết nghĩ cho người khác và sự nỗ lực theo đuổi đam mê xuyên suốt chặng đường dài. Hành trình ấy của Katherine luôn có mẹ đồng hành.

 

Video xem thêm: Bài hát: Bơi tới bến bờ – Swim – Katy Mantyk

 

Exit mobile version