(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Trước người lớn

Diễn giải

Trước mặt người lớn phải nói nhỏ nhẹ. Nếu nói nhỏ quá, lí nha lí nhí nghe không rõ thì cũng không thích hợp, không nên.

Đến trước mặt người lớn thì phải nhanh chân bước tới, khi cáo lui thì phải bước chậm rãi. Người lớn hỏi chuyện thì phải lập tức trả lời, chăm chú nhìn vào người lớn, không được nhìn ngang liếc dọc.

Phụng sự các chú các bác, những người bằng vai với cha mình thì cũng tôn kính như đối với cha mình.

Đối với các anh họ, những người bằng vai với anh trai mình thì cũng phải tôn kính như anh ruột mình.

Câu chuyện tham khảo:

Trương Lương kính trọng người già, 3 lần đến cầu Di cuối cùng đắc Đạo

Trương Lương gặp một ông cụ trên đường đi qua cây cầu Di. (Ảnh minh hoạ: Epoch Times)

Trương Lương tên tự là Tử Phòng, là công thần khai quốc triều Hán, được phong làm Lưu hầu, đại tư đồ.

Khi Trương Lương còn nhỏ, trên đường đi qua cây cầu Di ở huyện Hạ Phì tỉnh Giang Tô, đúng lúc gió to tuyết rơi. Lúc đó, cậu gặp một cụ già đầu thắt khăn đen, mặc áo vàng đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu. Cụ già nhìn Trương Lương và nói: “Cháu bé, giúp ta nhặt chiếc giày lên”. Trương Lương không hề khó chịu, vội vàng xuống dưới cầu nhặt chiếc giày lên cho ông cụ, hai tay dâng lên. Ông lão thò chân ra đi giày, Trương Lương cung kính xỏ giúp cho cụ. Ông lão cười và nói: “Đứa bé này có thể dạy được. Sáng mai đến đây ta có thứ muốn dạy cậu”.

Sáng hôm sau khi trời sắp sáng, Trương Lương liền đến như đã hẹn, ông lão đã ở đó rồi. Ông lão nói: “Chúng ta đã hẹn rồi, sao cậu lại đến muộn hơn ta, không thể truyền Đạo cho cậu được”.

Cứ như thế đi đến lần thứ 3, Trương Lương đến trước, cũng không có vẻ mệt mỏi gì. Ông lão rất vui mừng, lấy sách đưa cho cậu và nói: “Đọc quyển sách này có thể thành thầy đế vương, nếu còn muốn cầu học với ta thì đến Cốc Thành tỉnh Sơn Đông, Hoàng Thạch dưới chân núi chính là ta”.

Sau khi Trương Lương đọc quyển sách này, ông đã có thể tùy cơ ứng biến, phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang dẹp yên thiên hạ. Người đời sau gọi quyển sách này là “Hoàng Thạch Công thư”, có nghĩa là “Sách của ông Hoàng Thạch”. Dùng sách này tu thân có thể tu luyện khí công, tịch cốc không cần ăn uống, tiếp theo nữa là thân thể nhẹ nhàng, đắc Đạo thành Tiên.


Ông cụ đưa cho Trương Lương cuốn sách quý. (Ảnh minh hoạ: Epoch Times)

Sau khi Trương Lương thi giải rời thế gian, mai táng ở cánh đồng Long Thủ ở Trường An. Trong cuộc nổi loạn Xích Mi những năm cuối thời Tây Hán, nông dân tổ chức thành Xích Mi quân đi khắp nơi bắt giết quan lại và binh sỹ. Khi đó có người đào mộ Trương Lương, chỉ thấy cái gối bằng đá màu vàng. Cái gối đá bỗng nhiên bay vọt lên không trung mất tích, như một vệt sao băng. Trong mộ không thấy thi thể và quần áo, mũ của Trương Lương.

Trương Lương đăng Tiên vị, là Thái Huyền Đồng Tử, quanh năm theo Thái Thượng Lão Quân (danh xưng tôn kính Lão Tử của Đạo gia) trên Tiên giới. Cháu 8 đời của ông là Trương Đạo Lăng xuất gia tu Đạo, bạch nhật phi thăng ở núi Hạc Minh. Sau khi đắc Đạo thành Tiên, Trương Đạo Lăng đến núi Côn Luân bái kiến Tây Vương Mẫu, Trương Lương cũng đến tham gia đại hội.

(Nguồn: “Tiên truyện thập di” của Đỗ Quang Đình đời Đường)

Phụ chú

– Đại tư đồ: chức quan quản lý giáo hóa, cùng với Đại tư mã và Đại tư không là Tam Công.
– Tịch cốc: phép tu luyện của Đạo gia, không ăn ngũ cốc để tu luyện thành Tiên.
– Thi giải: hình thức viên mãn của Đạo gia. Sau khi tu luyện đắc Đạo, mượn một vật hóa làm thi thể, nhưng bản thân người đó đã thành Tiên đi lên, chứ không phải thực sự chết.
– Bạch nhật phi thăng: nghĩa là ban ngày bay lên trời. Chân nhân đắc Đạo của Đạo gia sau khi tu luyện thành công, nhục thân đã tu thành Đạo thể, có thể đem Đạo thể bay lên Trời.

1. Nguyên tác

尊 長 前 聲 要 低
低 不 聞 卻 非 宜
進 必 趨 退 必 遲 
問 起 對 視 勿 移
事 諸 父 如 事 父
事 諸 兄 如 事 兄

2. Âm Hán Việt

Tôn trưởng tiền, thanh yếu đê.
Đê bất văn, khước phi nghi.
Tiến tất xu, thoái tất trì.
Vấn khởi đối, thị vật di.
Sự chư phụ, như sự phụ.
Sự chư huynh, như sự huynh.

3. Pinyin Hán ngữ

Zūn zhǎng qián,shēng yào dī.
Dī bù wén,què fēi yí.
Jìn bì qū,tuì bì chí.
Wèn qǐ duì,shì wù yí。
Shì zhū fù,rú shì fù.
Shì zhū xiōng,rú shì xiōng.

4. Chú thích:

– Đê: nói nhỏ nhẹ
– Văn: nghe thấy, nghe được
– Khước: trái lại, ngược lại
– Nghi: thích đáng, thích hợp
– Xu: nhanh chân bước tới
– Trì: chậm rãi
– Khởi đối: đứng lên trả lời. ‘Khởi’ nghĩa là đứng lên. ‘Đối’ nghĩa là đối đáp, trả lời.
– Thị: nhìn, xem chăm chú
– Sự: thờ phụng, phụng sự
– Chư phụ: Anh em của cha, anh của cha gọi là bác, bá phụ, em của cha gọi là chú, thúc phụ. Nghĩa rộng là chỉ những người cùng vai vế với cha. Chư nghĩa là nhiều, các, chư vị.
– Chư huynh: anh họ. Con trai của chú, bác, cô, dì, cậu, mợ thì gọi là anh em họ. Chư phụ chư huynh là chỉ họ hàng của cha, nhưng nguyên tắc này cũng thích hợp dùng cho họ hàng của mẹ.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch