(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Sáng dậy sớm
Diễn giải
Buổi sáng phải dậy sớm, vì buổi sáng cần tận dụng thời gian để học tập nhiều thêm, có thể đi ngủ muộn một chút. Chúng ta nên trân quý thời gian hiện tại, bởi vì con người sẽ rất nhanh chóng trở nên già cả.
Buổi sáng dậy, phải rửa mặt, đánh răng súc miệng. Mỗi lần sau khi đi vệ sinh thì phải rửa tay ngay.
Câu chuyện tham khảo:
Nghe gà gáy dậy múa kiếm
Chương ‘Tổ Địch liệt truyện’ quyển thứ 62 sách ‘Tấn thư’ có ghi chép rằng, Tổ Địch tên tự là Sỹ Trĩ, là người huyện Phạm Dương Tù (huyện Lai Thủy tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Anh tính tình hào phóng, là người nghĩa hiệp, thường cứu tế những người nghèo khổ, do đó được mọi người rất kính trọng. Đương thời, tình hình quốc gia thù trong giặc ngoài, Tổ Địch lập chí dốc sức vì quốc gia, bình định phản loạn.
Sau đó, anh và người bạn thân là Lưu Côn cùng đến ty châu nhậm chức. Vì chí hướng tương đồng, hai người bèn ở cùng nhau, khích lệ rèn giũa lẫn nhau. Khi đó, hai người thấy người Hồ (dân tộc phương Bắc) tiến xuống phía nam xâm chiếm, quốc gia bị tàn phá, trong lòng đều vô cùng đau buồn và phẫn uất, bèn lập chí dốc sức báo đáp quốc gia.
Một lần Tổ Địch nghe thấy tiếng gà gáy lúc nửa đêm, tuy trời chưa sáng, nhưng anh cảm thấy thời gian rất quý báu, nên nỗ lực nắm giữ, bèn gọi Lưu Côn còn đang ngủ ở bên dậy: “Nghe thấy tiếng gà gáy chưa, chúng ta mau dậy, tận dụng thời gian luyện võ đi”. Thế là hai người chẳng quản giá lạnh lúc nửa đêm, ra sân múa kiếm rèn luyện thân thể, không ngày nào gián đoạn, cuối cùng đã luyện được một thân võ nghệ thành tài.
Sau này, Tổ Địch được hoàng đế biết tới tài năng, được bổ nhiệm là đại tướng quân, dẫn quân đi bình định phản loạn, thu hồi được rất nhiều vùng đất bị xâm chiếm, hoàn thành tâm nguyện báo đáp quốc gia. Còn Lưu Côn làm đô đốc, quản lý quân sự 3 châu Tinh Châu, Ký Châu và U Châu, cũng đã thể hiện được tài năng của mình.
Phụ chú
1. Nguyên tác
朝 起 早 夜 眠 遲
老 易 至 惜 此 時
晨 必 盥 兼 漱 口
便 溺 回 輒 淨 手
2. Âm Hán Việt
Triêu khởi tảo, dạ miên trì
Lão dị chí, tích thử thời
Thần tất quán, kiêm thấu khẩu
Tiện niệu hồi, triếp tịnh thủ.
3. Pinyin Hán ngữ
Zhāo qǐ zǎo,yè mián chí
Lǎo yì zhì ,xí cǐ shí
Chén bì guàn,jiān shù kǒu
Biàn niào huí ,zhé jìng shǒu.
4. Chú thích:
– Triêu: buổi sáng
– Miên: ngủ
– Trì: muộn
– Dị chí: rất nhanh liền đến
– Tích: quý tiếc
– Thời: thời gian
– Quán: rửa mặt rửa tay
– Kiêm: đồng thời, cùng
– Tiện niệu: đi vệ sinh (đại tiểu tiện)
– Triếp: mỗi lần
– Tịnh thủ: rửa tay
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch