(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Đi thong thả
Diễn giải
Khi đi bộ thì thong dong, không vội vàng, khi đứng thì tư thế ngay ngắn, ngẩng đầu ưỡn ngực. Khi cúi chào thì phải chắp tay khom lưng, khi quỳ lạy hành lễ thì thái độ phải cung kính.
Chân không được giẫm lên thềm cửa ngưỡng cửa, thân thể không được nghiêng vẹo, tựa dựa. Khi ngồi không được dang hai chân ra, không được rung đùi.
Câu chuyện tham khảo:
Trường Tôn Kiệm tự trọng được mọi người tôn kính, đức thanh khiết lưu truyền hậu thế
Trường Tôn Kiệm là người Hà Nam thời Bắc Chu, tên gốc là Khánh Minh. Khi tuổi thiếu niên ông đã là người đoan chính, phẩm đức cao thượng, thần thái nghiêm túc, tuy ở nhà nhưng cả ngày vẫn giữ thái độ đoan chính trang trọng. Chu Văn Đế vô cùng kính trọng ông, ban cho ông đổi tên là Kiệm để biểu dương ông giữ gìn tiết tháo cao khiết.
Sau này, Trường Tôn Kiệm làm đến chức thượng thư (chức quan quản lý các tấu chương của quần thần). Một lần ông cùng quần thần ngồi hầu bên hoàng đế, Chu Văn Đế nói với mọi người xung quanh rằng: “Vị tôn công này cử chỉ trầm tĩnh nho nhã, mỗi lần nói chuyện với ông ấy, ta đều bỗng nhiên khởi lòng tôn kính, rất sợ mình có thái độ gì đó thất lễ”.
Khi khu vực Kinh Châu mới được thu phục lại, Chu Văn Đế trao mệnh cho Trường Tôn Kiệm thống lĩnh 12 châu vùng Tam Kinh. Bởi vì Kinh Châu là vùng đất hoang sơ, man dại, phong khí người dân chưa được khai hóa, người trẻ tuổi không biết tôn kính người lớn tuổi. Dưới sự khuyên dạy chỉ bảo cần mẫn của Trường Tôn Kiệm, phong tục địa phương đã cải biến lớn. Quan lại và người dân dâng thư kể sự tình, xây dựng Thanh Đức Lâu cho Trường Tôn Kiệm, dựng bia ca ngợi ông.
(Nguồn tư liệu: “Bắc sử” và “Chu thư”)
Phụ chú
– Kinh Châu: nước Sở thời cổ đại, là vùng Hà Nam, Hà Bắc Trung Quốc ngày nay. Thời cổ đại, vùng Kinh Châu có văn hóa thấp hơn vùng Trung Nguyên nên còn được gọi là Kinh Man, Nam Man, có nghĩa là các dân tộc hoang dã miền Nam. Thời Tam Quốc đến thời Nam Bắc Triều, Kinh Châu là khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, là vùng đất mà các nhà quân sự đều tranh giành để có được.
1. Nguyên văn Đệ tử quy
步 從 容 立 端 正
揖 深 圓 拜 恭 敬
勿 踐 閾 勿 跛 倚
勿 箕 踞 勿 搖 髀
2. Âm Hán Việt
Bộ thung dung, lập đoan chính
Ấp thâm viên, bái cung kính
Vật tiễn vực, vật bả ỷ
Vật ki cứ, vật dao bễ.
3. Pinyin Hán ngữ
Bù cōng róng,lì duān zhèng
Yī shēn yuán,bài gōng jìng
Wù jiàn yù,wù bǒ yǐ
Wù jī jù,wù yáo bì.
4. Chú thích:
– Bộ: đi bộ, đi đường.
– Thung dung: tâm tình thư thái, dáng vẻ không vội vàng hấp tấp.
– Lập: đứng.
– Đoan chính: ngẩng đầu ưỡn ngực, nghiêm, ngay ngắn.
– Ấp: chắp tay chào, hành lễ. Hai tay ôm quyền (nắm tay), khom lưng cúi người hành lễ.
– Thâm viên: chỉ tư thế khom lưng cúi người đến vị trí (Thâm nghĩa là sâu, viên nghĩa là tròn).
– Bái: cúi đầu chắp tay hành lễ hoặc quỳ xuống dập đầu bái lạy.
– Tiễn vực: giẫm lên bậc cửa. Tiễn nghĩa là giẫm đạp. Vực nghĩa là khung gỗ ngang phía dưới cửa.
– Bả ỷ: thân thể nghiêng vẹo, đứng không ngay ngắn. Bả nghĩa là chân tàn tật hoặc tư thế đi không ngay ngắn (thọt). Ỷ nghĩa là lệch nghiêng, tựa dựa.
– Ki cứ: ngồi dạng hai chân, hình dáng như cái ki hốt đất. Đây là cách ngồi không tuân thủ lễ tiết hoặc thái độ ngạo mạn. Ki nghĩa là cái ki, cái gầu hốt. Cứ nghĩa là dang chân ra ngồi, hai chân hình chữ bát.
– Dao bễ: rung lắc đùi. Bễ là bắp đùi.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch