(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Sắp vào cửa
Diễn giải
Khi sắp vào cửa thì trước tiên hỏi rõ ai đang ở trong. Khi sắp bước vào phòng phải lớn tiếng chào hỏi.
Người khác hỏi cậu là ai thì phải trả lời rõ tên mình. Nếu chỉ trả lời ‘tôi’ thì người khác không biết rõ ràng.
Muốn sử dụng đồ vật của người khác thì trước tiên nói rõ, hỏi xin mượn dùng. Nếu không được sự đồng ý mà tự tiện lấy đi thì chính là ăn trộm.
Đồ mượn của người khác khi dùng xong phải nhanh chóng trả lại. Người khác hỏi mình mượn đồ, nếu mình có thì không được keo kiệt.
Câu chuyện tham khảo:
Bài minh ở Địa phủ chép tội ăn trộm gà
Thời cổ đại, ở vùng Giang Nam có một học trò có lòng chính trực. Đúng lúc Điện thứ 7 của Địa phủ chốn âm gian thiếu người, Ngọc Hoàng Đại Đế trao mệnh để anh tạm thời cai quản. Cứ cách mấy ngày anh lại đến Địa phủ xử lý công việc, chỉ cần xem xét sổ sách, không phải xử án.
Anh thấy mỗi người tùy theo nghiệp thiện (đức) và nghiệp ác khác nhau của bản thân mà được phúc báo hay bị trừng phạt khác nhau. Mỗi lần thấy có người phải bò trên núi dao, leo cây kiếm, anh liền sai người hầu xung quanh đi cứu. Càng cứu thì trái lại họ bò càng nhanh, không cách nào cứu được.
Một hôm, lúc xem sổ sách anh thấy vợ mình có một tội, đó là ăn trộm một con gà nhà hàng xóm. Con gà gồm cả lông là 1 cân 12 lạng (đơn vị xưa, tương đương với 0.9 kg ngày nay). Anh bèn gấp trang này lại đánh dấu.
Trở về dương gian anh chất vấn vợ. Vợ anh vẫn chối cãi lừa anh. Anh kể lại những chuyện thấy dưới Địa phủ rồi lại hỏi vợ, vợ anh mới thừa nhận rằng, con gà nhà hàng xóm ăn thức ăn chị phơi, chị lỡ tay đánh chết nó, sợ người phụ nữ hàng xóm trách mắng, do đó đã giấu con gà đó đi không dám nói ra. Hai người đem con gà chết ra cân, quả nhiên không sai một ly, đúng là 1 cân 12 lạng. Hai vợ chồng đều cảm thấy kinh ngạc lạ lùng, thế là đem con gà này quy đổi ra số tiền tương đương bồi thường cho hàng xóm và tạ tội.
Không lâu sau anh lại đến Địa phủ. Kiểm tra sổ sách trước đây, vết gấp vẫn y như cũ, nhưng tội trạng vợ anh đã không còn tung tích nữa.
(Nguồn tài liệu: “Kiến văn lục bạch thoại” đời Minh)
Phụ chú
1. Nguyên văn Đệ tử quy
將 入 門 問 孰 存
將 上 堂 聲 必 揚
人 問 誰 對 以 名
吾 與 我 不 分 明
用 人 物 須 明 求
倘 不 問 即 為 偷
借 人 物 及 時 還
人 借 物 有 勿 慳
2. Âm Hán Việt
Tương nhập môn, vấn thục tồn
Tương thượng đường, thanh tất dương
Nhân vấn thùy, đối dĩ danh
Ngô dữ ngã, bất phân minh
Dụng nhân vật, tu minh cầu
Thảng bất vấn, tức vi thâu
Tá nhân vật, cập thời hoàn
Nhân tá vật, hữu vật san.
3. Pinyin Hán ngữ
Jiāng rù mén,wèn shú cún
Jiāng shàng táng,shēng bì yáng
Rén wèn shuí,duì yǐ míng
Wú yǔ wǒ,bù fēn míng
Yòng rén wù,xū míng qiú
Tǎng bú wèn,jí wéi tōu
Jiè rén wù,jí shí huán
Rén jiè wù,yǒu wù qiān
4. Chú thích:
– Nhập môn: vào cửa. Nhập nghĩa là vào. Môn nghĩa là cửa, cổng.
– Thục tồn: có ai ở bên trong. Thục nghĩa là ai. Tồn nghĩa là có, tồn tại.
– Thượng đường: đi lên phòng lớn. Thượng nghĩa là lên. Đường nghĩa là phòng chính, phòng lớn.
– Dương: cất cao âm thanh.
– Ngô: tôi.
– Phân minh: rõ ràng, minh bạch.
– Dụng nhân vật: mượn đồ vật người khác để dùng. Dụng nghĩa là dùng, sử dụng.
– Thảng: nếu, nếu như.
– Tức: tức là, chính là, là.
– Cập thời: nhanh chóng và không lỡ thời gian. Kịp thời.
– San: keo kiệt, bủn xỉn (còn có âm là khan).
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch