(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Chưa thật chớ nói
Diễn giải
Trước khi thấy rõ chân tướng sự việc thì không được tùy ý nói bừa. Trước khi hiểu rõ sự việc thì không được tùy tiện truyền bá.
Việc không nên làm thì không được tùy tiện nhận lời. Nếu tùy tiện nhận lời thì làm hay không làm cũng đều là sai.
Khi nói chuyện cần phải thận trọng suy xét, thái độ thong dong. Nói chuyện không được quá gấp quá nhanh, cũng không được nói mơ hồ không rõ ràng rành mạch.
Nghe thấy người khác đàm luận chuyện phải trái tốt xấu, không liên quan đến mình thì không được quản chuyện.
Câu chuyện tham khảo:
Lời ác độc tổn thương người, 500 đời làm chó
Thời Phật Ca Diếp (Kashyapa, là vị Phật nguyên thủy đến thế gian truyền Pháp độ nhân trước Phật Thích Ca) trụ thế, có một tỳ kheo (hòa thượng) trẻ có giọng nói trong trẻo thanh nhã, có sở trường tụng kinh kệ. Mọi người đều rất thích nghe tỳ kheo trẻ tụng kinh. Trong khi đó, một tỳ kheo già có giọng tụng khàn đặc. Tỳ kheo trẻ chê bai giọng tụng của tỳ kheo già như chó kêu mà không hay biết rằng tỳ kheo già đã là bậc Thánh giả chứng ngộ quả vị La Hán rồi.
Tỳ kheo già hỏi tỳ kheo trẻ: “Cậu có biết tôi không?”
Tỳ kheo trẻ trả lời: “Tôi biết ông từ lâu rồi, ông là tỳ kheo có giọng tụng khàn đặc”.
Tỳ kheo già nói: “Hiện nay tôi đã chứng được quả La Hán rồi, đã giải thoát khỏi hết thảy khổ não thế gian rồi”.
Tỳ kheo trẻ nghe vậy cảm thấy kinh sợ và tự trách mình. Bởi vì cậu nói lời ác độc nên bị sinh làm kiếp chó trong 500 đời. Mãi cho đến khi gặp tôn giả Xá Lợi Phất thì mới được giải thoát.
Khi đó, có một nhóm thương gia đi đến nước khác buôn bán, họ có nuôi một con chó. Khi nghỉ ngơi dọc đường, con chó ăn trộm miếng thịt mà người chủ đem theo. Các thương gia phát hiện ra thì bực tức tranh nhau đánh con chó này. Chó bị đánh gẫy chân rồi vất ra cánh đồng hoang. Tôn giả Xá Lợi Phất dùng thiên mục trông thấy con chó này đang đói khát sắp chết bèn đến bên, cho nó ăn uống, đồng thời thuyết giải Phật Pháp vi diệu cho nó. Sau khi con chó chết, nó đầu thai sinh vào gia đình Bà la môn (quý tộc Ấn Độ xưa) ở nước Xá Vệ.
Một hôm, tôn giả Xá Lợi Phất cầm bình bát đi khất thực một mình, người Bà la môn nhìn thấy hỏi ngài rằng: “Tôn giả đi một mình, không có sa di (tức chú tiểu, người xuất gia thụ 10 giới, vẫn chưa thụ giới tỳ kheo) đi theo à?”
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Tôi không có sa di, nghe nói ông có đứa con trai, có thể xuất gia làm sa di không?”
Người Bà la môn nói: “Tôi có một đứa con trai tên là Quân Đề, tuổi vẫn còn quá nhỏ, khó mà dùng để sai khiến được. Để nó lớn chút nữa tôi đưa đến chỗ ngài làm sa di”.
Khi đứa trẻ được 7 tuổi, tôn giả Xá Lợi Phất lại đến thỉnh cầu. Người Bà la môn liền đem con trai giao cho tôn giả, để nó xuất gia. Tôn giả Xá Lợi Phất giảng giải cho nó rất nhiều diệu Pháp. Cậu bé rất nhanh chóng đã khai ngộ, chứng đắc quả La Hán.
Sa di Quân Đề sau khi chứng ngộ nhìn thấy nhân duyên ác khẩu trong đời quá khứ của mình, lại thấy đời trước mình là một con chó được ân sư là tôn giả Xá Lợi Phất cứu, đời này ân sư lại dạy mình chứng ngộ quả vị, thoát ly bể khổ. Sa di Quân Đề quyết định làm sa di hầu tôn giả Xá Lợi Phất cả đời để báo đáp sư ân.
(Nguồn tư liệu: “Hiền ngu kinh”)
Phụ chú
1. Nguyên văn Đệ tử quy
見 未 真 勿 輕 言
知 未 的 勿 輕 傳
事 非 宜 勿 輕 諾
苟 輕 諾 進 退 錯
凡 道 字 重 且 舒
勿 急 遽 勿 模 糊
彼 說 長 此 說 短
不 關 己 莫 閒 管
2. Âm Hán Việt
Kiến vị chân, vật khinh ngôn
Tri vị đích, vật khinh truyền
Sự phi nghi, vật khinh nặc
Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác
Phàm đạo tự, trọng thả thư
Vật cấp cự, vật mô hồ
Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản
Bất quan kỷ, mạc nhàn quản.
3. Pinyin Hán ngữ
Jiàn wèi zhēn,wù qīng yán
Zhī wèi dí,wù qīng chuán
Shì fēi yí,wù qīng nuò
Gǒu qīng nuò,jìn tuì cuò
Fán dào zì,zhòng qiě shū
Wù jí jù,wù mó hú
Bǐ shuō cháng,cǐ shuō duǎn
Bù guān jǐ,mò xián guǎn
4. Chú thích:
– Vị: chưa.
– Khinh: khinh suất, tùy tiện.
– Đích: đích xác, chân thực.
– Phi nghi: không thích đáng. Phi nghĩa là không. Nghi nghĩa là thích nghi.
– Nặc: đáp ứng, nhận lời.
– Cẩu: nếu, nếu như.
– Phàm: hễ, hết thảy, tất cả.
– Đạo tự: nói chuyện. Đạo nghĩa là nói.
– Trọng: thận trọng, chắc chắn.
– Thư: chậm rãi, thong dong.
– Cấp cự: nhanh. Cự nghĩa là gấp, vội.
– Mô hồ: không rõ ràng, mơ hồ.
– Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản: ý nói chuyện thị phi của người khác. Bỉ nghĩa là kia, người kia. Thử nghĩa là này, người này. Trường nghĩa là sở trường, ưu điểm. Đoản nghĩa là sở đoản, khuyết điểm.
– Mạc: không được, chớ.
– Nhàn quản: quản chuyện (ý nói chuyện không đáng, không liên quan, vô bổ).
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch