(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Lỗi vô ý
Diễn giải
Lỗi do vô ý gọi là ‘sai’, biết rõ mà cố phạm lỗi thì gọi là ‘tội’, là ác. Biết sai mà có thể sửa sai thì lỗi lầm sẽ hết. Nếu vẫn nói dối che giấu lỗi lầm thì đã sai lại càng sai, tội tăng thêm một bậc.
Câu chuyện tham khảo:
Hối lỗi bệnh khỏi, nạn châu chấu tránh xa
Những năm cuối đời Thanh đầu thời Dân Quốc có một vị là Vương Thiện Nhân mở trường nghĩa học (trường học do tư nhân quyên tiền, miễn học phí) ở vùng Đông Bắc. Ông có đạo đức rất cao. Trương Nhạn Kiều người Sơn Đông đã học ông biết xem tính tình, giảng chữa bệnh.
Trương Nhạn Kiều trở về quê giảng chữa bệnh giúp người dân, hiệu quả rất kỳ diệu. Người đến xin giảng chữa bệnh nườm nượp không dứt. Ông nói với dân làng rằng: “Một người có cái tâm như thế nào thì sẽ có tính tình như thế ấy. Tính tình tốt thì sẽ hiển quý, giàu có. Tính tình xấu thì phiền não sinh bệnh”.
Trương Nhạn Kiều bảo bệnh nhân nói lớn ra lỗi lầm của mình, thực sự hối lỗi, bệnh rất mau chóng liền khỏi.
Bệnh khỏi rồi về nhà đầu tiên nhận lỗi, sau đó phải làm tốt luân thường đạo lý như hiếu đễ v.v… Như thế Thượng Thiên sẽ không trách tội người đã hối lỗi.
Một hôm, có người mời Trương Nhạn Kiều đến thôn trang họ trị nạn châu chấu. Ông nói có người bị bệnh thì ông xem được chứ bị nạn châu chấu thì ông không xem được. Mọi người không tin, cứ khẩn cầu ông mãi, ông đành phải đi.
Đến thôn trang đó, ông thấy châu chấu khắp nơi. Cái khó ló cái khôn, ông nói với châu chấu rằng: “Các ngươi phụng Thiên mệnh đến đây bởi vì người ở đây bất trung bất hiếu, trái với luân lý đạo đức, do đó Thượng Thiên giáng tai họa xuống trừng phạt họ. Ta cũng phụng Thiên mệnh đến để giảng đạo, khuyên con người hiếu thuận cha mẹ, yêu thương anh em, làm trọn đạo luân thường. Họ đều quyết định sẽ học làm người tốt, các người chớ làm tổn hại lúa mạ của họ nữa”.
Ông hỏi mọi người: “Sau khi châu chấu đi rồi mọi người có thể tận hiếu không?”
Mọi người đồng thanh trả lời: “Được”.
Không ngờ châu chấu bay đi hết. Trương Nhạn Kiều cũng vì vậy mà thành danh.
Phụ chú
1. Nguyên văn Đệ tử quy
無 心 非 名 為 錯
有 心 非 名 為 惡
過 能 改 歸 於 無
倘 揜 飾 增 一 辜
2. Âm Hán Việt
Vô tâm phi, danh vi thác
Hữu tâm phi, danh vi ác
Quá năng cải, quy ư vô
Thảng yểm sức, tăng nhất cô.
3. Pinyin Hán ngữ
Wú xīn fēi,míng wéi cuò
Yǒu xīn fēi,míng wéi è
Guò néng gǎi,guī yú wú
Tǎng yǎn shì,zēng yì gū.
4. Chú thích:
– Vô tâm: không phải cố ý, vô ý.
– Phi: sai lầm, lỗi lầm.
– Danh: gọi là.
– Hữu tâm: cố ý.
– Ác: tội, tội ác.
– Quá: sai lầm, lỗi lầm.
– Quy: trở về, trở lại.
– Vô: không có, không.
– Thảng: nếu.
– Yểm sức: che đậy, che giấu.
– Tăng: tăng thêm.
– Cô: tội, tội lỗi.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch