(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Mình có tài
Diễn giải
Mình có năng lực thì không được chỉ lo cho bản thân, không chịu giúp đỡ người khác. Người khác có tài năng thì không được đố kỵ, không được nói xấu họ.
Không được xu nịnh lấy lòng người giàu có, cũng không được đối đãi với người nghèo khó bằng thái độ kiêu ngạo. Không được chán ghét đồ đạc, người thân hoặc bạn bè cũ, cũng không được thiên vị đồ đạc hoặc bạn bè mới.
Khi người khác không rảnh rỗi thì không được đem những việc nhỏ ra làm phiền họ. Khi người khác tâm tình không vui, bất an thì không được nói quá nhiều gây phiền nhiễu cho họ.
Câu chuyện tham khảo:
Tống Hoằng giàu sang không đổi vợ
Tống Hoằng là người Trường An, thời Hán Quang Vũ Đế ông làm quan trong triều đình. Ông đem tất cả bổng lộc phân chia cho họ hàng thân thích trong dòng tộc, còn nhà ông thì không có tài sản gì. Ông nổi tiếng là người có phẩm hạnh thanh cao.
Khi Quang Vũ Đế nói chuyện với chị gái là công chúa Hồ Dương về các đại thần trong triều đình, công chúa nói: “Tống Hoằng lòng dạ rộng lớn, đạo đức cao thượng, trong quần thần không có ai có thể sánh với ông ấy được”.
Quang Vũ Đế muốn gả công chúa cho Tống Hoằng, bèn triệu ông vào và nói: “Tục ngữ có câu ‘giàu đổi bạn, sang đổi vợ’, đây là lẽ thường tình của con người chăng?”
Tống Hoằng nói: “Thần chỉ nghe nói ‘người bạn kết giao lúc nghèo khó không được quên, người vợ cùng chung hoạn nạn không được bỏ’” (nguyên văn: bần tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường).
Thế là Quang Vũ Đế đành nói với công chúa: “Việc hôn nhân này không thể làm được rồi”.
(Tài liệu tham khảo: “Hậu Hán thư”)
Phụ chú
1. Nguyên văn Đệ tử quy
己 有 能 勿 自 私
人 所 能 勿 輕 訾
勿 諂 富 勿 驕 貧
勿 厭 故 勿 喜 新
人 不 閒 勿 事 攪
人 不 安 勿 話 擾
2. Âm Hán Việt
Kỷ hữu năng, vật tự tư
Nhân hữu năng, vật khinh tí
Vật siểm phú, vật kiêu bần
Vật yếm cố, vật hỷ tân
Nhân bất nhàn, vật sự giảo
Nhân bất an, vật thoại nhiễu.
3. Pinyin Hán ngữ
Jǐ yǒu néng,wù zì sī
Rén yǒu néng,wù qīng zǐ
Wù chǎn fù,wù jiāo pín
Wù yàn gù,wù xǐ xīn
Rén bù xián,wù shì jiǎo
Rén bù ān,wù huà rǎo.
4. Chú thích:
– Tự tư: chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân, không nghĩ cho người khác.
– Khinh tí: tùy ý phê phán người khác. Khinh nghĩa là tùy tiện. Tí nghĩa là phê phán, phỉ báng.
– Siểm: dùng lời nói xu nịnh, lấy lòng người khác.
– Phú: giàu có.
– Kiêu: kiêu ngạo tự đại.
– Bần: nghèo khó.
– Cố: trước kia, cũ.
– Bất nhàn: không rảnh rỗi. Nhàn nghĩa là rảnh rỗi.
– Giảo: quấy nhiễu, phiền nhiễu, làm phiền
– Bất an: không thoải mái, không vui, lo lắng.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch