(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Cách đọc sách
Diễn giải
Trong phương pháp đọc sách thì có 3 điểm nhất định phải làm được: tâm đặt vào chữ, mắt nhìn chữ, miệng đọc chữ. Tâm, mắt, miệng đều tập trung vào việc đọc sách, cả 3 điểm này đều rất quan trọng.
Đang đọc quyển sách này thì không được lại nghĩ muốn đọc quyển sách khác. Quyển sách này chưa đọc xong thì không được lại bắt đầu đọc quyển khác.
Kế hoạch đọc sách có thể đặt dôi dư một chút, nhưng khi đọc sách thì phải dụng công và tận dụng thời gian. Khi công phu đọc sách đã đủ rồi thì những chỗ chưa hiểu sẽ tự nhiên liền minh bạch.
Trong tâm có nghi vấn thì lập tức ghi chép lại, tìm người thỉnh giáo, tìm cầu ý nghĩa chính xác.
Câu chuyện tham khảo:
Phạm Công cắt cháo, khắc khổ cần mẫn học tập
Phạm Trọng Yêm tên chữ là Hy Văn, là danh thần triều Bắc Tống. Khi ông lên 2 thì cha qua đời, mẹ ông nghèo khổ không nơi nương tựa đã tái giá với ông Chu Thị ở Trường Sơn, Sơn Đông.
Thuở niên thiếu, Phạm Trọng Yêm đi học ở Tăng Xá Trường Bạch Sơn, mỗi ngày chỉ nấu hai thăng cháo (1 thăng tương đương 0.2 lít ngày nay), để qua đêm đóng rắn lại, dùng dao cắt thành 4 miếng, sáng tối mỗi buổi ăn hai miếng. Ông lại cắt mấy cọng rau hẹ, thêm chút giấm và muối trộn ăn. Cứ như thế trải qua 3 năm.
Sau khi trưởng thành, biết thân thế mình, ông thương cảm cáo biệt mẹ đến phủ Ứng Thiên ở Hà Nam bái Thích Đồng Văn làm thầy, sớm tối khắc khổ học tập. Mùa đông mệt mỏi cực độ rồi, ông bèn dùng nước lạnh rửa mặt. Ngày ngày, ngay cả đến cháo cũng không đủ ăn nên đến buổi chiều ông mới ăn. Người khác không thể nào nhẫn chịu nổi cuộc sống như thế này nhưng Phạm Trong Yêm không coi đó là khổ.
Một lần, Tống Chân Tông trên đường đi qua Nam Kinh, mọi người đều tranh nhau đến ngắm xem. Phạm Trọng Yêm đóng cửa không ra ngoài, vẫn đọc sách như ngày thường. Các bạn học trách ông để lỡ cơ hội ngắm nhìn hoàng đế, ông nói: “Ngày sau lại nhìn xem cũng chưa muộn”.
Con trai quan đứng đầu Nam Kinh thấy ông ăn cháo quanh năm bèn tặng ông một số thức ăn ngon, nhưng ông không hề ăn một miếng. Người ta trách ông, ông mới chắp tay đáp tạ rằng: “Tôi đã quen với sống bằng cháo rồi, nếu hưởng thụ thức ăn ngon thì sau này e rằng sẽ không chịu được khổ nữa”.
Năm 27 tuổi ông đỗ tiến sỹ. Ông đón mẹ về phụng dưỡng, đổi trở lại họ Phạm. Sau này ông tham gia ngự thí (cuộc thi do đích thân hoàng đế làm chủ khảo), lần đầu tiên ông được trông thấy hoàng đế Tống Chân Tông khi đó đã gần 50 tuổi.
Sau khi Phạm Trọng Yêm khắc khổ học tập, ông đã lĩnh hội quán thông yếu chỉ của lục kinh (tức 6 kinh điển Nho gia), ông lòng ôm chí lớn, coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình. Ông thường nói: “Người trí thức nên lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Khi ông trấn thủ biên cương, người Tây Hạ không dám đến xâm phạm, họ khuyên răn nhau rằng: “Chớ nghĩ tấn công Diên Châu nữa, hiện nay trong bụng ông Phạm Nhỏ (Phạm Trọng Yêm) tự đã có hàng vạn quân rồi, không dễ bắt nạt như ông Phạm Lớn (Phạm Ung) nữa”.
(Nguồn: “Tống danh thần ngôn hạnh lục” và “Tống sử”)
Phụ chú
1. Nguyên văn Đệ tử quy
讀 書 法 有 三 到
心 眼 口 信 皆 要
方 讀 此 勿 慕 彼
此 未 終 彼 勿 起
寬 為 限 緊 用 功
工 夫 到 滯 塞 通
心 有 疑 隨 札 記
就 人 問 求 確 義
2. Âm Hán Việt
Độc thư pháp, hữu tam đáo
Tâm nhãn khẩu, tín giai yếu
Phương độc thử, vật mộ bỉ
Thử vị chung, bỉ vật khởi
Khoan vi hạn, khẩn dụng công
Công phu đáo, trệ tắc thông
Tâm hữu nghi, tùy trát ký
Tựu nhân vấn, cầu xác nghĩa.
3. Pinyin Hán ngữ
Dú shū fǎ,yǒu sān dào
Xīn yǎn kǒu,xìn jiē yào
Fāng dú cǐ,wù mù bǐ
Cǐ wèi zhōng,bǐ wù qǐ
Kuān wéi xiàn,jǐn yòng gōng
Gōng fū dào,zhì sè tōng
Xīn yǒu yí,suí zhá jì
Jiù rén wèn,qiú què yì
4. Chú thích:
– Pháp: phương pháp, cách thức, cách.
– Tam đáo: chỉ tâm đáo, nhãn đáo, khẩu đáo (tâm, mắt, miệng đều tập trung đến câu chữ), cả 3 điều này đều phải tập trung đầy đủ.
– Tín: thực sự, xác thực.
– Giai yếu: đều quan trọng. Giai nghĩa là đều. Yếu nghĩa là quan trọng.
– Phương: đang.
– Thử: đây, cái này.
– Mộ bỉ: nghĩ cái khác.
– Vị chung: vẫn chưa hoàn thành. Vị nghĩa là chưa. Chung nghĩa là kết thúc, hoàn thành.
– Khởi: bắt đầu.
– Khoan: rộng rãi.
– Hạn: hạn định.
– Công phu: chỉ bỏ ra nhiều thời gian và tinh lực.
– Trệ tắc: tắc, ngưng trệ, không thông.
– Tùy: lập tức.
– Trát ký: ghi chép, khi đọc sách ghi chép trọng điểm hoặc tâm đắc.
– Tựu nhân vấn: tìm người hỏi, thỉnh giáo người khác. Tựu nghĩa là đến gần, tiếp cận.
– Cầu: tìm, tìm cách đạt được.
– Xác nghĩa: ý nghĩa chân chính.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch