(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Cha mẹ ghét
Diễn giải
Những sự vật hoặc hành vi mà cha mẹ yêu thích, là người làm con vì cha mẹ thì phải dốc hết sức làm được. Những sự vật hoặc hành vi mà cha mẹ không thích, là người làm con vì cha mẹ thì phải cẩn thận bài trừ, cẩn thận sửa chữa quy chính.
Thân thể người con bị thương sẽ làm cho cha mẹ buồn rầu lo lắng. Phẩm đức người con bị tổn hao sẽ khiến cha mẹ tủi nhục.
Cha mẹ yêu thương mình, mình hiếu thuận với cha mẹ thì có gì là khó? Cha mẹ ghét bỏ mình, mình vẫn hiếu thuận với cha mẹ, đó mới là người hiền có phẩm đức cao thượng thực sự.
Câu chuyện tham khảo:
Mẫn Tử Khiên mặc áo hoa lau hiếu thuận với mẹ
Mẫn Tổn tên tự là Tử Khiên, người nước Lỗ thời Xuân Thu (triều nhà Chu), là đệ tử của Khổng Tử. Đức hạnh Tử Khiên nổi tiếng sánh vai với Nhan Uyên, ông cũng là một trong 24 tấm gương hiếu hạnh.
Khi còn nhỏ, Mẫn Tử Khiên đã mồ côi mẹ, cha tái hôn, mẹ kế sinh được hai em trai. Tử Khiên vô cùng hiếu thuận với cha mẹ, nhưng mẹ kế lại rất ghét cậu. Bà dùng bông làm áo rét cho hai con đẻ, và dùng hoa lau làm áo rét cho Tử Khiên. Mùa đông giá rét, cha Tử Khiên bảo cậu giúp ông đánh xe, Tử Khiên bị rét cứng tay chân, cầm không nổi dây cương, mấy lần đánh rơi dây cương. Bị cha trách mắng, cậu vẫn không biện hộ giải thích.
Sau đó, cha cậu thấy cậu bị lạnh đến mức mặt xanh xám tái nhợt. Ông sờ lên áo rét của cậu mới phát hiện ra áo rất mỏng. Ông xé áo ra xem mới biết không phải là áo bông, mà áo rét của hai người con của mẹ kế lại toàn là bông tinh chất. Cha ông cảm thấy vô cùng đau buồn, quyết định bỏ vợ.
Tử Khiên khóc như mưa khuyên cha: “Mẹ còn thì chỉ một người con bị lạnh, mẹ đi thì cả 3 người con côi cút”. Mẹ kế nghe thấy vô cùng cảm động, cuối cùng hối cải, đối đãi với cả 3 người con như một người mẹ hiền từ. Danh tiếng người con hiếu hạnh của Mẫn Tử Khiên cũng từ đó mà lan truyền khắp thiên hạ.
Phụ chú
1. 24 tấm gương hiếu hạnh (Nhị thập tứ hiếu)
Quách Cư Kính là một người con hiếu hạnh nổi tiếng triều Nguyên. Ông cảm thán rằng không còn cơ hội để hiếu thuận với cha mẹ đã mất, bèn lựa chọn những câu chuyện của 24 người con hiếu hạnh tiêu biểu nhất được lưu truyền trong các sách cổ, biên soạn thành sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu hạnh), gồm có: Ngu Thuấn, Hán Văn Đế, Tăng Sâm triều Chu, Mẫn Tổn triều Chu, Tử Lộ triều Chu, Đổng Vĩnh triều Hán, Đàm Tử triều Chu, Giang Cách triều Hậu Hán, Lục Tích triều Hậu Hán, Đường Phu Nhân triều Đường, Ngô Mãnh triều Tấn, Vương Tường triều Tấn, Quách Cự triều Hán, Dương Hương triều Tấn, Chu Thọ Xương triều Tống, Canh Kiền Lâu triều Nam Tề, Lão Lai Tử triều Chu, Thái Thuận triều Hán, Hoàng Hương triều Hán, Khương Thi triều Hán, Vương Bầu nước Ngụy thời Tam Quốc, Đinh Lan triều Hán, Mạnh Tông thời Tam Quốc, Hoàng Đình Kiên triều Tống.
2. Nguyên tác
親 所 好 力 為 具
親 所 惡 謹 為 去
身 有 傷 貽 親 憂
德 有 傷 貽 親 羞
親 愛 我 孝 何 難
親 憎 我 孝 方 賢
3. Âm Hán Việt
Thân sở hiếu, lực vị cụ
Thân sở ố, cẩn vị khứ
Thân hữu thương, di thân ưu
Đức hữu thương, di thân tu
Thân ái ngã, hiếu hà nan
Thân tăng ngã, hiếu phương hiền.
4. Pinyin Hán ngữ
Qīn suǒ hào,lì wèi jù
Qīn suǒ wù,jǐn wèi qù
Shēn yǒu shāng,yí qīn yōu
Dé yǒu shāng,yí qīn xiū
Qīn ài wǒ,xiào hé nán
Qīn zēng wǒ,xiào fāng xián
5. Chú thích:
– Thân: cha mẹ, phụ thân và mẫu thân
– Hiếu: thích
– Lực: dốc sức, hết sức
– Cụ: đủ, chuẩn bị đủ
– Ố: ghét
– Cẩn: cẩn thận
– Khứ: trừ bỏ
– Di: để lại, lưu lại
– Ưu: lo lắng ưu sầu
– Tu: xấu hổ, hổ thẹn, mất mặt, mất thể diện
– Hà nan: có gì khó đâu? Hà có nghĩa là vì sao, sao
– Tăng: ghét
– Phương: mới, thì mới
– Hiền: hiền lương, phẩm đức cao thượng
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch