(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Cha mẹ bệnh
Diễn giải
Cha mẹ mắc bệnh thì người con cần phải nếm thuốc (thuốc bắc) trước xem nóng lạnh có thích hợp không. Ngày đêm phục vụ chăm sóc, không rời xa giường cha mẹ. Khi cha mẹ mất, người con phải thủ tang 3 năm, thường có tâm đau buồn cảm ân cha mẹ. Cuộc sống trở nên đơn giản chất phác hơn, từ bỏ hưởng thụ rượu thịt. Làm tang lễ cho cha mẹ cần phải tuân theo lễ nghi, tế lễ cần phải cung kính thành kính. Thờ cúng cha mẹ đã mất cần giống như thờ phụng cha mẹ khi còn sống.
Câu chuyện tham khảo:
Đinh Lan khắc gỗ thờ cha mẹ
Đinh Lan sống vào thời nhà Hán, khi anh còn nhỏ cha mẹ đã qua đời rồi. Tuy không kịp phụng dưỡng cha mẹ nhưng anh thường nhớ đến công ơn sinh thành nuôi dưỡng vất vả của mẹ cha.
Đinh Lan dùng gỗ điêu khắc tượng cha mẹ, thờ cha mẹ giống như cha mẹ còn đang sống. Lâu ngày vợ anh không tôn kính tượng nữa, dùng kim châm vào ngón tay tượng để chơi đùa. Không ngờ, ngón tay tượng lại chảy ra máu. Tượng gỗ nhìn Đinh Lan, mắt ngân ngấn nước. Đinh Lan hỏi rõ sự tình, bèn bỏ vợ.
(Nguồn: “Nhị thập tứ hiếu”)
Phụ chú
1. Nguyên tác
親 有 疾 藥 先 嘗
晝 夜 侍 不 離 床
喪 三 年 常 悲 咽
居 處 變 酒 肉 絕
喪 盡 禮 祭 盡 誠
事 死 者 如 事 生
2. Âm Hán Việt
Thân hữu tật, dược tiên thường
Trú dạ thị, bất ly sàng
Tang tam niên, thường bi ế
Cư xử biến, tửu nhục tuyệt
Tang tận lễ, tế tận thành
Sự tử giả, như sự sinh.
3. Pinyin Hán ngữ
Qīn yǒu jí,yào xiān cháng
Zhòu yè shì,bù lí chuáng
Sāng sān nián,cháng bēi yè
Jū chǔ biàn,jiǔ ròu jué
Sāng jìn lǐ,jì jìn chéng
Shì sǐ zhě,rú shì shēng.
4. Chú thích:
– Tật: bệnh tật
– Thường: nếm, dùng miệng nếm thử vị
– Trú dạ: từ sáng đến tối, ngày đêm. Trú nghĩa là ban ngày, ngày. Dạ nghĩa là ban đêm, đêm.
– Thị: hầu, phục vụ.
– Bi ế: buồn đau nghẹn ngào. Ế nghĩa là âm thanh bị tắc nghẹn, nghẹn ngào.
– Cư xử: dung mạo cử chỉ, sinh hoạt hàng ngày.
– Tuyệt: từ bỏ, đoạn tuyệt.
– Tận lễ: tuân thủ lễ tiết. Tận nghĩa là hết sức, dốc hết sức.
– Tế: tế lễ, lễ bái.
– Tận thành: tâm ý chân thành, hết sức thành kính.
– Sự: thờ, phụng sự.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch