14/8 vừa qua, chính quyền Philippines đã đóng cửa một phần bãi biển trên đảo Boracay, tỉnh Aklan sau khi video ghi lại cảnh một du khách Trung Quốc chôn tã trẻ em có chất thải xuống bãi cát, trong khi một người khác cho con đi vệ sinh trên bờ biển. Sự việc trên khiến nhiều người tự hỏi: Đâu rồi văn minh Trung Hoa 5000 năm?
Ít nhất 100 mét trên bãi tắm của đảo Boracay sẽ đóng cửa để chính quyền kiểm tra các chỉ số của nước biển, theo VnExpress. Nơi này sẽ mở cửa trở lại trong vòng 72 giờ, tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm các mẫu nước tại đây.
Bà Natividad Bernardino – trưởng nhóm quản lý cơ quan liên ngành phục hồi chức năng Boracay (BIARMG) thông báo, sau sự cố này, Sở Du lịch địa phương sẽ phát tờ rơi về quy tắc ứng xử khi đến Boracay. Tài liệu này được dịch sang tiếng Trung và Hàn cho hành khách trên máy bay.
Năm ngoái, đảo Boracay cũng phải đóng cửa trong 6 tháng vì môi trường ô nhiễm đến mức Tổng thống Rodrigo Duterte lo ngại nó biến thành “bể phốt”. Nơi này đón khách trở lại khi nước phục hồi đủ tiêu chuẩn để bơi lội.
Hành động này của du khách Trung Quốc khiến nhiều độc giả Việt Nam bất bình. Một người dùng mạng bình luận rằng: “Du khách Trung Quốc đúng là cơn ác mộng! Mình đã đi du lịch Trung Quốc 2 lần, cảnh đẹp thì nhiều nhưng con người thì thật là kinh khủng, ồn ào, thô lỗ, họ sẵn sàng chửi thẳng vào mặt mình nếu không hài lòng, thề không bao giờ quay lại đất nước đó nữa”.
Đây không phải là lần đầu tiên khách du lịch Trung Quốc có những hành vi bất lịch sự, phản cảm. Ở Nhật Bản, hoa anh đào tan nát vì du khách Trung Quốc. Ở Hàn Quốc, khách du lịch Trung Quốc không chịu xếp hàng làm náo loạn sân bay Jeju. Ở Australia, du khách Trung Quốc cầm đá ném Kangaroo đến tử vong, nguyên nhân là: ‘Chúng tôi chỉ muốn xem nó nhảy!’. Thậm chí trên chính mảnh đất “Thần Châu”, du khách Trung Quốc cũng từng đập vỡ thạch nhũ hàng triệu năm tuổi mang về làm kỷ niệm.
Có lẽ vì “tai tiếng” đó nên ở nhiều nơi trên thế giới có những biển quy định chỉ được viết riêng bằng tiếng Hoa. Nhà thờ Đức Bà ở Paris có viết một hàng chữ bằng tiếng Trung Quốc là “Xin đừng nói chuyện lớn tiếng”.
Trung Quốc từng được mệnh danh là “đất nước của lễ nghi” (lễ nghi chi bang), với nền văn minh rực rỡ 5000 năm. Trong lịch sử, nhiều quốc gia trên thế giới từng cử người đến xứ sở Thần Châu để học hỏi văn hoá, lễ nghi. Trẻ em Trung Quốc thời xưa được giáo dục về phép tắc xử sự vô cùng cẩn thận, làm việc gì cũng cần nghĩ cho người khác trước. Trong cuốn “Phép tắc người con” (Đệ tử quy) do tiên sinh Lý Dục Tú đời nhà Thanh biên soạn có đoạn:
“Vén rèm cửa, chớ ra tiếng
Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc
Cầm vật rỗng, như vật đầy
Vào phòng trống, như có người”.
Một người lễ phép cẩn thận, đến vén rèm cửa cũng nhẹ nhàng không gây tiếng động làm phiền người khác, thì không thể nào làm ra những việc gây hại tới bao người như du khách Trung Quốc phía trên. Vậy vì sao người Trung Quốc hôm nay lại khác cha ông họ nhiều đến thế?
Năm 1949, phe Cộng sản Trung Quốc chiến thắng quân đội Quốc Dân Đảng. Tưởng Giới Thạch dẫn theo 60 vạn quân dân rời Thần Châu, Đại Lục đến Đài Loan. Ông đã dùng hơn 20 năm cuối đời để phục hưng và xây dựng Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Tưởng Giới Thạch lấy đạo đức văn hóa truyền thống Trung Hoa làm nền tảng căn bản trong giáo dục, “Lễ nghĩa liêm sỉ” trở thành giáo huấn chung của các trường học khắp Đài Loan.
Liu Xiao, một kỹ sư Trung Quốc đến từ Bắc Kinh, thuộc thế hệ 8x, đã từng du lịch Đài Loan vào năm 2010. Trong nhật ký hành trình của mình, Liu Xiao đã viết:
“Là một người đã từng du lịch qua nhiều nơi, đến Đài Loan, tôi thấy được sự khác biệt rõ ràng. Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều nói tiếng Hán, hai nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại nằm ở hai hình thái xã hội hoàn toàn khác nhau”.
“Ở Đài Loan bạn có thể tìm thấy những điều đã biến mất ở Trung Quốc. Tôi cảm nhận thấy sự thân thiện giữa người với người trong đối nhân xử thế. Sau cuộc cách mạng tại Trung Quốc, phương thức sống, lễ nghi truyền thống mấy nghìn năm đều bị mất mát rất nhiều. Những năm sau đó, cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến mọi thứ đều chỉ hướng về lợi ích, sự lạnh nhạt giữa người với người tăng lên, lợi ích trần trụi được đặt ngay trước mắt”.
“Đài Loan không phải trải qua quá trình tẩy não nghiêm trọng như vậy nên từng phút từng giây ở mảnh đất này đều khiến bạn cảm thấy mình được tôn trọng. Điều này thật hiếm có. Ở đại lục khi làm bất kể một việc gì đó, bạn sẽ rất dễ bắt gặp ánh mắt khinh thường của người khác. Con người ở đó thật lạnh lùng!”.
Những chuyện người Đài Loan cảm thấy quá đỗi bình thường thì Liu Xiao lại cảm thấy không thể tưởng tượng được: “Tại bến xe mọi người đều tự giác xếp hàng. Ở Đài Loan ngay cả khi bốn phía nơi ngã tư đường không có bóng một chiếc xe, mọi người cũng đều nhẫn nại chờ đèn xanh, đèn đỏ. Thành phố của Đài Loan không có thùng rác, nhưng đường phố lại vô cùng sạch sẽ, hầu như không có rác.
Khi tới cửa hàng mua pin, họ sẽ hỏi bạn có cần giúp cho pin cũ vào trong túi rồi bỏ đi không hay có cần lấy lại pin đã thay ra hay không. Khi bạn mua trà sữa, họ sẽ hỏi bạn cần cho bao nhiêu đá hay không cần cho đá, cần ngọt như thế nào… Sau đó, họ sẽ dùng giấy lau sạch những giọt nước trên cốc giấy, rồi đưa cho bạn bằng cả hai tay rồi giúp vứt túi bọc ống hút vào thùng rác.
Không phải chỉ nhân viên của cửa hàng uy tín mới được huấn luyện như vậy, mà tất cả các cửa hàng đều có chung văn hóa đó. Ngay cả khi bạn tới ăn thịt hầm trong một cửa hàng nhỏ của người dân địa phương thì cũng đều nhận được những lễ nghi như vậy. Họ khiến bạn từng phút từng giây đều cảm thấy mình được tôn trọng. Bạn sẽ cảm thấy cùng là người Trung Hoa mà sao Đài Loan lại có sự khác biệt lớn đến thế!”.
Cảm nhận của Liu Xiao cũng là cảm nhận chung của rất nhiều người Trung Quốc khi đặt chân đến Đài Loan. Hòn đảo này là nơi lưu giữ nền văn hoá truyền thống Trung Hoa coi trọng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trọng Đạo, kính Thần, điều từng bị coi là mục tiêu đả phá và tiêu diệt của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc. Pháp Luân Đại Pháp, một phương pháp tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn bị bôi nhọ và đàn áp tại Trung Quốc đại lục, thì lại phát triển rực rỡ tại Đài Loan.
Quay trở lại câu chuyện Philippines phải đóng cửa bãi biển vì khách Trung Quốc chôn tã xuống đất, đây quả là một tấn bi hài kịch cho dân tộc Trung Hoa. Hy vọng một ngày không xa, văn hoá Thần truyền 5000 năm sẽ trở lại Hoa Hạ, và những giá trị đạo đức phổ quát sẽ làm hồi sinh mảnh đất này.
Bạn đang đọc bài viết: “Philippines đóng cửa bãi biển vì khách Trung Quốc chôn tã xuống cát: Đâu rồi văn minh 5000 năm?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |