Khi cha mẹ và thầy cô bất đồng trong cách giáo dục, thì cuối cùng người chịu thiệt thòi vẫn là trẻ em…
Cách đây ít lâu, trên các trang mạng có một đoạn video khiến người dùng Internet chú ý, nội dung là: Một học sinh trường nghề ở Đài Nam (Đài Loan) đuổi đánh giáo viên ra đến ngoài hành lang.
Sau khi sự việc xảy ra, người giáo viên trong đoạn video nói trên liên tiếp nhận được lời mời phỏng vấn. Với bên mắt trái vẫn còn lưu lại vết thương, người thầy nói: “Tất cả vết thương bên ngoài đều không quan trọng, tôi có thể chịu được, nhưng trong lòng tôi lại rất đau buồn”. Ông tự hỏi, gọi một học sinh đang nằm trên ghế ngồi dậy để học hành nghiêm túc thì có điều gì sai? Trong khuôn viên trường hiện nay, ngày càng có nhiều học sinh không tôn trọng giáo viên, thậm chí còn động tay động chân đuổi đánh thầy cô. Khi gặp tình huống này đa phần phụ huynh đều đứng ra đỡ lời cho con em mình. Tuy nhiên trong khuôn viên nhà trường, giáo viên quản lý và dạy dỗ học sinh có gì sai hay sao?
Học sinh đánh giáo viên, phụ huynh lên tiếng: “Đứa trẻ rất ngoan, chỉ là nhiều ý kiến mà thôi!”
Trong câu chuyện này, vị phụ huynh bào chữa: “Khi đứa trẻ nằm trên ghế để ngủ, thì thầy giáo đến gọi nó dậy. Thầy giáo còn thúc đầu gối của mình vào nó, nhưng nó không nghe, thầy lại đến nhắc nhở. Nó nói tục, thầy giáo liền ra tay đánh người trước, cuối cùng chúng nó mới vây quanh đánh giáo viên”.
Cũng có phụ huynh nói: “Đứa trẻ bình thường rất ngoan, chỉ là nhiều ý kiến mà thôi”.
Hay: “Con chúng tôi đâu có hư hỏng, chỉ là suy nghĩ nhiều hơn người khác thôi”.
Phía nhà trường cũng lên tiếng về sự việc:
“Đối với sự việc phát sinh đột ngột này, chúng tôi không che giấu hoặc bảo vệ bất kỳ hành vi sai trái nào, hiện tại vẫn đang trong quá trình tìm hiểu và xử lý. Đôi bên cùng nhau thuật lại mọi chuyện xảy ra. Cứ mãi bàn luận không thể giải quyết được vấn đề mà ngược lại còn làm tổn thương đến người thầy đã nghiêm túc hết lòng với sự nghiệp. Hy vọng mọi người tin tưởng phía nhà trường sẽ có biện pháp giải quyết thích hợp nhất, không nên đơn phương có hành động thiếu lý trí mà che mất sự nhiệt tình của bên còn lại. Một lần nữa cảm ơn sự quan tâm của mọi người. Nếu như mọi người không hài lòng với quá trình xử lý tối nay, rất mong được lượng thứ”.
Quản giáo trẻ em rốt cuộc là trách nhiệm của giáo viên hay phụ huynh?
Quản giáo học sinh cuối cùng là trách nhiệm của ai? Câu chuyện này không phải là trường hợp đầu tiên phát sinh. Mấy năm gần đây những chuyện tương tự cũng không ngừng xảy ra, giáo viên vì quản giáo học sinh mà phải chịu bạo lực, chịu tổn thương. Đa phần trong đó là do học sinh ngủ gục trong giờ học, giáo viên gọi chúng dậy, thì bị chúng mắng chửi bằng nhiều từ ngữ thô tục, thậm chí còn động tay động chân. Thay đổi góc độ suy nghĩ, học sinh có nên ngủ gục trong giờ học hay không?
Vấn đề lớn nhất trong giáo dục: Phụ huynh không muốn quản, giáo viên không dám quản!
Nếu như quản giáo học sinh mà bị đánh, bị chửi, thậm chí còn bị phụ huynh kiện cáo vì “muốn bảo vệ con trẻ” thì còn ai dám quản lý học sinh nữa? Nếu như giáo viên không dám quản, cha mẹ vì thương yêu con trẻ mà không la rầy, lơ là việc quản giáo chúng, cứ như vậy, trẻ em sẽ không có người chỉ dạy, dần dần trở thành vấn đề lớn nhất của nền giáo dục.
Xã hội hiện nay, có nên cho giáo viên quyền được quản giáo học sinh không? Ai cũng biết trẻ em có quyền được học tập, quyền được tiếp nhận giáo dục, quyền tự chủ thân thể và quyền phát triển nhân cách, ngay cả pháp luật cũng nghiêm cấm các hình phạt thể xác. Khi học sinh bị xâm phạm đến “quyền tự chủ thân thể và quyền phát triển nhân cách”, pháp luật sẽ bảo vệ các em.
Nhưng còn giáo viên thì sao? Khi “quyền tự chủ” của giáo viên bị xâm phạm, ai sẽ bảo vệ họ?
Giáo viên trở thành người yếu thế trong giáo dục
Giáo viên trở thành thành phần yếu thế trong giáo dục. Điều đáng sợ nhất chính là khi thầy cô quản giáo học sinh mà bị công kích, họ sẽ phải chịu áp lực nặng nề về tâm lý và dư luận. Nếu như giáo viên không tha thứ cho học sinh, sẽ bị mọi người phê bình rằng không có đủ lòng bao dung. Tư duy thông thường của chúng ta là: “Giáo viên cần phải bao dung sai lầm của học sinh”.
Vì vậy không cần biết sẽ chịu bao nhiêu tổn thương, các thầy cô hầu như đều lựa chọn tha thứ. Trong xã hội ngày nay, giáo viên trở thành một thành phần vô cùng yếu thế.
Ở một số nước tiên tiến khác, ví dụ như Anh có “Pháp lệnh tiêu chuẩn và khuôn khổ trường học”, Mỹ có “Đạo luật bảo vệ giáo viên”, nghĩa là, họ đều có các điều luật bảo vệ giáo viên trong quá trình giáo dục và giảng dạy. Pháp luật cho phép giáo viên quản giáo học sinh, để chúng biết về quy tắc của xã hội, cũng cho phụ huynh hiểu: Khi đứa trẻ mắc lỗi thì một hình phạt hợp lý sẽ là điều cần thiết.
Phạm lỗi thì phải chịu phạt
Điều này không có nghĩa là trẻ em làm sai đều phải chịu các hình phạt gây tổn thương thân thể, các phương thức hình phạt thích hợp không nhất định phải làm tổn thương thân thể. Cần để trẻ biết rằng, một khi đã làm sai chúng bắt buộc phải thừa nhận sai lầm. Phụ huynh bảo vệ con em quá mức sẽ khiến cho chúng không biết sợ, làm sai đã có cha mẹ che chắn. Vì vậy giáo viên cũng hết cách với học trò, cứ như vậy sẽ tạo thành vòng tuần hoàn ác tính: Trẻ làm sai, cha mẹ đến gánh vác.
Trẻ em dần dần khôn lớn, chỉ cần cha mẹ không thể đáp ứng được chúng, đến khi chúng phạm phải một sai lầm lớn và bị pháp luật trừng trị, thì sẽ tạo ra nhiều bi kịch cho xã hội. Đến lúc đó cho dù có bảo vệ chúng như thế nào cũng không còn kịp nữa, tất cả đều vô ích.
Hãy để giáo dục trả lại cho giáo viên quyền giáo dục và giảng dạy
Phương pháp giáo dục thật ra luôn là một vấn đề trọng yếu trong xã hội. Cả gia đình và nhà trường cần có trách nhiệm trong giáo dục, đừng để lại giới tuyến mơ hồ như hiện nay làm khổ những giáo viên đứng trên tuyến đầu của nền giáo dục, trả lại cho thầy cô quyền giáo dục và giảng dạy.
Phụ huynh nên biết cách để cho con trẻ chịu trách nhiệm trước sai lầm của chúng. Nếu gặp phải vấn đề trực tiếp tìm giáo viên nói rõ, không nên sử dụng phương tiện truyền thông nữa. Các nhà chính trị không nên nhúng tay trong khuôn viên trường học, hãy để giáo dục trở lại đơn thuần.
Trẻ em sẽ gặp được rất nhiều “người thầy” trong cuộc đời mình, vì vậy phụ huynh nên học cách buông tay
Mọi người đều nói trong quá trình trẻ em khôn lớn thì cha mẹ là những người thầy đầu tiên. Tuy nhiên khi dần dần trưởng thành, chúng sẽ phải đến trường, gia nhập xã hội. Những lúc này cho dù là trong khuôn viên nhà trường hay trên xã hội, chúng đều sẽ gặp được những người khác nhau, đối mặt với những người thầy khác nhau. Cho nên phụ huynh nên buông tay, hãy để những người khác nhau dẫn dắt chúng trưởng thành.
Giá trị quan của xã hội là luôn coi trọng phẩm đức, sự tôn trọng và lịch sự. Trước những xung đột liên tục trong xã hội ngày nay, mọi người nên suy ngẫm lại, rốt cuộc giáo dục đã phát sinh vấn đề gì? Chúng ta nên nhớ rằng giáo dục không phải tùy tiện, một nền giáo dục đạo đức đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người.
Theo Cmoney
Khải Phong dịch