Xưa có câu: “Xấu chàng hổ ai?”, vợ chồng thì phải “đóng cửa bảo nhau”. Nhưng tình cảm mặn nồng hay lạnh nhạt của hai vợ chồng chỉ có thể giấu được người ngoài, sao có thể giấu được “người trong chăn” là những đứa trẻ đây?

Tính cách của con trẻ cũng có thể phản ánh được mối quan hệ chân thực giữa hai người. Bởi lẽ tính cách của trẻ có quan hệ mật thiết tới bầu không khí trong gia đình do cha mẹ tạo ra. Biểu hiện cụ thể là như thế nào?

Con cái có vẻ như là một cá thể độc lập tách biệt với cha mẹ, nhưng khi cùng chung sống dưới một mái nhà thì chúng chẳng thể chia cắt với mẹ cha mình. Những cảm xúc buồn giận, hờn ghen, hạnh phúc hay thương cảm của cha mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của trẻ. Lâu dần mối quan hệ vợ chồng tốt hay xấu cũng sẽ dưỡng thành tính nết và nhân cách của trẻ.

Tính cách của trẻ có quan hệ mật thiết tới bầu không khí trong gia đình do cha mẹ tạo ra. (Ảnh: twitter.com)

1. Tình cảm cha mẹ mặn nồng, con cái thường phát triển lành mạnh, tâm tình khoáng đạt

Vợ chồng hòa thuận sẽ tạo nên mái nhà đầm ấm hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp của những đứa trẻ. Con cái sinh trưởng trong những gia đình này thì thường tính tình nền nã, khoáng đạt, không cộc cằn, thô lỗ. Do mối quan hệ của cha mẹ rất tốt, con cái cũng sẽ có thiện cảm, luôn hướng tới một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, có tình yêu lành mạnh với người khác giới.

Trong môi trường ấy con gái sẽ học được cách yêu thương, chăm sóc cho chồng, cho con, vun vén cho gia đình. Nơi ấy con trai cũng học được cách yêu thương và bảo vệ người phụ nữ của mình. Quả đúng như câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

2. Tình cảm cha mẹ nhạt nhòa, con trẻ thường tùy tiện, ích kỷ

Nếu tình cảm cha mẹ nhạt nhòa, hai người sẽ sống chỉ vì trách nhiệm với con cái, gia đình và họ hàng. Họ thường phải dựa vào con cái để chia sẻ và duy trì mối quan hệ trong gia đình. Vậy nên những đứa trẻ này sẽ trở thành “trung tâm của vũ trụ”. Chúng có thể sẽ được quan tâm, bao bọc quá mức. Hoặc cha mẹ sẽ can thiệp quá nhiều vào tâm tư, tình cảm của con.

Điều này khiến trẻ dễ tự cho mình là người quan trọng, mà thiếu đi sự thấu hiểu và cảm thông với người khác. Chúng cũng dễ trở nên tùy tiện, thích gì làm nấy và ích kỷ chỉ biết đến bản thân mà quên đi nhu cầu của người khác.

Tình cảm cha mẹ nhạt nhòa thì con cái cũng chịu ảnh hưởng theo
Tình cảm cha mẹ nhạt nhòa thì con cái cũng chịu ảnh hưởng theo (Ảnh: mapquest.com)

3. Mẹ đanh đá, cha nhu nhược sẽ khiến con trai nhát gan, tự ti, mềm yếu

Do cha nhu nhược, nên quyền hành trong gia đình sẽ rơi vào tay mẹ. Sau khi gia đình ngày càng lệch theo hướng này, người mẹ sẽ ngày càng trở nên chuyên quyền, độc đoán hơn. Thậm chí mẹ nói một là một, hai là hai, mọi người trong nhà chỉ có thể lặng lẽ tuân thủ, không dám trái ý.

Con cái thường dễ hình thành sự đồng thuận với cha mẹ mình theo giới tính. Con gái sẽ tán đồng với sự chuyên quyền của mẹ, lâu dần cũng sẽ trở thành những cô gái nam tính, mạnh bạo. Con trai cũng sẽ mềm yếu, tự ti và không dám gánh vác trọng trách trong nhà.

Kỳ thực, trong gia đình truyền thống đã có sự phân công rất hài hòa giữa nam và nữ thuận theo thiên tính đặc định của riêng mình, đúng như câu: “Nam tôn nữ ti”. Khái niệm “tôn, ti” ở đây không phải chỉ sự “cao, thấp”, “hơn, kém” trong mối quan hệ vợ chồng. “Nam tôn nữ ti” là chỉ sự hài hòa, gắn bó keo sơn và đắp đổi cho nhau, giống như hai nửa đen trắng mới có thể tạo nên một vòng tròn hoàn thiện. Như vậy hai người đều có thể làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình trong gia đình và cuộc sống.

Người đàn ông được ban cho sức vóc cao lớn, khỏe mạnh, tâm mang chí lớn: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Vậy nên họ sẽ gánh vác trọng trách trong gia đình và để tâm đến những chuyện đại sự trong xã hội, góp phần mang lại cuộc sống ấm êm, thái bình cho muôn nhà. Còn phụ nữ liễu yếu đào tơ, nhu mì, hiền dịu là bến đỗ bình yên để người đàn ông nghỉ ngơi và tiếp thêm sức mạnh.

Nếu một gia đình đi lệch khỏi những giá trị đạo đức truyền thống này thì gia đình đó sẽ mất cân bằng và đảo lộn trật tự trên dưới. Vợ chẳng thể tìm được chỗ dựa bình yên. Chồng cũng không thể trở nên cứng cỏi, để có thể che chở và bảo vệ cho những người thân yêu của mình.

Những đứa trẻ sinh trưởng trong một gia đình như vậy, ắt cũng sẽ mang theo những quan niệm xã hội lệch lạc và hình thành nên tính cách trái với “quy luật tự nhiên”. Khi sự cân bằng mất đi thì niềm hạnh phúc chân chính cũng chẳng còn.

4. Cha mẹ ly dị quá sớm, con cái thường lạnh lùng, trong lòng bất an

Rất nhiều cặp vợ chồng khi chung sống với nhau không thể bao dung, nhún nhường và đủ khôn khéo để hóa giải những mâu thuẫn trong hôn nhân. Họ chỉ biết giải thoát cho bản thân bằng cách ly hôn. Nhưng có một điểm rất quan trọng là, người vĩnh viễn không thể giải thoát chính là những đứa trẻ.

Gia đình vốn là nơi che chắn cho con khỏi sóng gió cuộc đời, học những đạo lý đối nhân, xử thế, học cách yêu thương và niềm tin yêu cuộc sống. (Ảnh: pinterest.com)

Gia đình vốn là nơi che chắn cho con khỏi sóng gió cuộc đời. Điều quan trọng hơn là trẻ sẽ học được những đạo lý đối nhân, xử thế, học cách yêu thương những người quanh mình và vun đắp niềm tin yêu cuộc sống.

Vậy nên khi gia đình tan vỡ, trẻ dường như mất hết niềm tin vào bản thân, vào gia đình, và cuộc sống. Nếu thiếu vắng hơi ấm của mẹ hay sự bảo ban của cha, trẻ rất khó có được một nhân cách hoàn thiện. Vết thương trong tâm hồn chúng thường khó có thể hồi phục trong suốt cả cuộc đời sau này.

Cảm giác lo lắng, bất an và nỗi khiếp sợ sẽ vĩnh viễn đeo bám chúng, chẳng khi nào nguôi. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình cha mẹ ly hôn rất dễ phạm tội và gặp trở ngại về tâm lý như lo âu, trầm uất, thích đối đầu, thù nghịch, lạnh lùng vô cảm.

5. Cha mẹ thích chỉ trích lẫn nhau con cái thường trở nên nhạy cảm, thích vin cớ và bướng bỉnh

Đối với con trẻ, cha mẹ là những người thầy đầu tiên và cũng là tấm gương theo chúng suốt cả chặng đường đời. Trẻ con như trang giấy trắng. Chúng sẽ tiếp thu rất nhanh những gì tai nghe, mắt thấy quanh mình.

Sống trong một gia đình mà cha mẹ luôn thích chỉ trích lẫn nhau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cách đối nhân xử thế của trẻ. Đặc biệt là khi hai vợ chồng cãi nhau họ thường dễ kể lể với con về những khiếm khuyết và thiếu sót của người kia. Điều này sẽ khiến những đứa trẻ sau khi lớn lên sẽ không còn tôn trọng cha mẹ nữa.

Thậm chí có những cặp vợ chồng muốn công kích người kia còn sẵn sàng trút cơn bực tức, bất mãn lên đầu con cái. Cuối cùng cha mẹ sẽ chỉ mang đến sự tổn thương cho con mà thôi.

6. Cha mẹ thường động thủ, xô xát con cái sẽ thích bạo lực, tính tình nóng nảy, ngỗ ngược

Bát đũa cũng có lúc xô nhau. Cha mẹ cũng là những con người bình thường, có ưu khuyết điểm của riêng mình. Nên đôi khi xảy ra cãi cọ cũng là chuyện có thể thông cảm được với những người đã trưởng thành.

Nhưng đối với trẻ mà nói điều này lại đáng sợ như bầu trời sắp sụp đổ. Chúng sẽ không còn cảm giác an toàn ngay trong mái ấm của mình. Đồng thời đứa trẻ cũng sẽ bị tiêm nhiễm mà bắt đầu thích bạo lực. Tính cách chúng cũng trở nên nóng nảy, bộp chộp và thích la hét như cha mẹ mình.

Tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới được nên duyên vợ chồng. (Ảnh: marry.vn )

“Tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới được nên duyên vợ chồng”. Dẫu là thiện duyên hay ác duyên thì cũng là do bản thân gieo mầm từ kiếp trước mà thôi. Nếu là thiện duyên thì hãy tận hưởng những trái ngọt mà cuộc sống trao tặng. Nếu là ác duyên thì hãy nhẫn nhịn và bao dung để sớm trả món nợ ân tình kiếp trước cho người.

Đừng nên chỉ nhìn vào những chuyện trước mắt mà phân định đúng sai và lẽ công bằng mà oán hận, trách móc và trừng phạt lẫn nhau. Làm vậy vừa khiến bản thân bị tổn thương, lại ảnh hưởng tới hạnh phúc cả một đời của con trẻ. Làm vậy cũng tương đương với nợ cũ chưa trả lại chồng chất thêm nợ mới. Dẫu có ly hôn thì món nợ ấy vẫn sẽ đeo đẳng bạn đến tận chân trời góc biển mà thôi. Vậy nên trước khi trách móc hay muốn thay đổi người bạn đời của mình hãy hoàn thiện bản thân mình và học cách bao dung hơn với người ấy.

Sự trưởng thành của một đứa trẻ là do tác dụng tương hỗ của gien di truyền và môi trường sống tạo nên. Môi trường sống không tốt sẽ khiến trẻ bị tổn thương về tâm lý. Có những vết thương sẽ theo chúng đến hết chặng đường đời cũng chẳng thể chữa lành. Những ông bố bà mẹ kính mến, vì hạnh phúc của chính mình, vì những đứa con thân yêu của mình, hãy học cách chung sống hòa bình và yên ả với người bạn đời của mình.

Bạn đang đọc bài viết: “Quan hệ vợ chồng ấm lạnh ra sao, con cái là người đầu tiên chịu ảnh hưởng” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__