Ứng dụng hỗ trợ giải bài tập về nhà SHub Classroom của Nguyễn Đăng An (sinh năm 1996) cùng các cộng sự đạt giải cao nhất cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 và lọt top 4 ứng dụng giáo dục thịnh hành trên Google Play. 

Sau khi giành giải thưởng cao nhất trong cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019, Đăng An cho biết trên báo VTC NEWs rằng nhóm sẽ sử dụng số tiền 100 triệu đồng này để phát triển dự án, tái đầu tư sản xuất, chi trả tiền thuê máy chủ và các nền tảng công nghệ cho ứng dụng.

Hiện tại, SHub Classroom nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng giáo viên và học sinh trên cả nước, xếp hạng 22 ứng dụng tốt nhất trên App Store, top 4 ứng dụng giáo dục thịnh hành trên Google Play, 90.000 học sinh và 5.000 giáo viên đăng ký với hơn 150.000 lượt nộp bài và đặt câu hỏi.

Đăng An nhớ lại khoảnh khắc nhận giải thưởng: “Là người đầu tiên được xướng tên trong top 5 công trình xuất sắc, mình như vỡ òa, chân tay run lên. Giải thưởng như một dấu mốc, ghi nhận công sức, đam mê của mình và các thành viên trong nhóm bỏ ra trong hơn 2 năm qua”.

Nhóm startup của Đăng An gồm 10 người từ 19 đến 23 tuổi, quen nhau vì học chung Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM. Trước khi thực hiện SHub Classroom, nhóm đã đồng hành trong hơn hai năm với ba dự án startup khác nhưng đều thất bại, thua lỗ khoảng 50 triệu đồng.

Các thành viên của dự án SHub Classroom (ảnh: VnExpress).

Không nản lòng, Nguyễn Đăng An tự nhủ sẽ phải làm điều gì đó khác biệt, mở lối đi mới cho nhóm. Từ những trải nghiệm khi còn đi học, Đăng An nhận thấy các em học sinh mỗi ngày đến lớp đều phải học kiến thức mới. Song, khi lượng kiến thức chưa được nắm rõ hoàn toàn, thì các em lại phải tiếp tục học thêm những vấn đề mới vào ngày hôm sau. Điều này gây hổng kiến thức, thậm chí là quá tải đối với các em học sinh.

Đăng An chia sẻ với báo VnExpress: “Mình nảy ra ý tưởng giúp học sinh có thể tìm được người hỗ trợ, giải đáp và bổ sung kiến thức còn thiếu một cách liên tục, kịp thời thay vì phải đợi đến buổi học hôm sau mới có thể hỏi giáo viên, bạn bè”.

Cuối tháng 2, An chia sẻ ý tưởng này với các thành viên và được đón nhận rất tích cực. Mượn được một phòng tại Khu Công nghệ của Đại học Quốc gia Tp.HCM, cả nhóm đến đó tập trung nghiên cứu và phát triển dự án.

SHub Classroom hoạt động theo mô hình kết nối như các ứng dụng xe ôm công nghệ hiện nay, khi có vấn đề hoặc bài tập nào khó, các em đăng câu hỏi hoặc chụp hình lại, hệ thống sẽ tự động tìm người hỗ trợ phù hợp. Trước đó, người dùng cần đăng ký thông tin về điểm mạnh, điểm yếu của mình ở môn học nào để hệ thống có căn cứ kết nối. Điểm khác biệt của SHub Classroom là một người có thể vừa đăng câu hỏi, vừa giúp đỡ người khác giải bài tập nếu làm được.

Người dùng SHub Classroom hướng đến là các học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở, bởi các em thuận tiện hơn trong việc sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý là học sinh hoàn toàn có thể trở thành người cố vấn nếu như có khả năng giải đề.

Sau thời gian phát triển và thử nghiệm, SHub Classroom đã có mặt trên cửa hàng ứng dụng và người dùng được tải miễn phí. Số lượng người dùng sau bốn tháng ra mắt của SHub Classroom đạt khoảng 100.000, tăng nhanh đến mức chính Đăng An và các thành viên không ngờ tới.

Những khó khăn mà dự án SHub Classroom trải qua

Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu thực hiện dự án, Đăng An cho biết trên báo VnExpress, mỗi tháng nhóm phải trả 10 triệu đồng tiền thuê máy chủ và các nền tảng công nghệ thông tin cho ứng dụng vận hành. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, con số này đã lên tới 30 triệu vì số lượng người dùng tăng quá nhanh. Các thành viên trong nhóm phải kêu gọi hỗ trợ, đầu tư đồng thời sử dụng tiền kiếm được từ các công việc khác để bù vào số tiền vượt dự tính.

Trong hơn bảy tháng thực hiện dự án, khó khăn lớn nhất của Đăng An và cộng sự là thiếu kinh phí duy trì. “Có nhiều ngày anh em hết tiền phải ở văn phòng ăn mì gói, làm đến 9-10h tối, có khi ngủ lại rồi sáng mai lại làm tiếp”, An nhớ lại.

Ngoài ra, thách thức rất lớn cho các thành viên là tìm cách để SHub Classroom cạnh tranh được với các đối thủ trong và ngoài nước khi không có tiềm lực như họ. Câu hỏi làm thế nào để bật lên, sống được khi thiếu kinh phí, không có đại diện và người cố vấn khiến Đăng An và nhóm đau đầu tìm lời giải.

Đăng An cùng các cộng sự đã vượt qua được khó khăn (ảnh: Truyền hình Bắc Giang).

Có thời điểm dự án SHub Classroom tưởng chừng phải dừng lại vì “đường đi mờ mịt, tiền lại không có”, Đăng An stress đến mức gần như rơi vào trầm cảm. “Mình không có gì lúc đó, ngoài ý chí và đam mê. Nếu muốn thoát khỏi tình trạng này và tiếp tục theo đuổi những gì mình thích, đam mê phải lớn hơn những khó khăn trước mắt”, An tự động viên mình và các thành viên.

Để có tiền duy trì dự án, nhóm thay nhau đi xin tài trợ từ một số nhà đầu tư nhỏ, cựu sinh viên và nhận được sự hỗ trợ từ gia đình. Khi đã có thêm vốn, các thành viên SHub Classroom tiếp tục phải giải quyết việc tìm chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. Nhờ có bố mẹ đều là giáo viên tiểu học, Đăng An được tiếp xúc nhiều với thầy cô, hiểu được khó khăn và áp lực học tập của cả người dạy và người học, từ đó đặt mục tiêu tạo ra một ứng dụng thiết thực, dễ sử dụng.

Đăng An nói: “Mỗi ngày, bọn mình đều gọi điện cho 20 người dùng là giáo viên, học sinh để lấy ý kiến, làm căn cứ chỉnh sửa những chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm như màu sắc, phông chữ sao cho thân thiện và dễ sử dụng nhất”.

Video xem thêm: Tik Tok là ứng dụng giải trí hay phần mềm gián điệp của Trung Quốc?

videoinfo__video3.dkn.tv||d98d4b082__