Đại Kỷ Nguyên

Suy nghĩ khác biệt về danh và lợi, họ là ai?

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Từ cổ chí kim có những con người thành công mà không màng danh lợi. Họ khiến người đời ngưỡng mộ bởi cái tâm trong sáng, xem nhẹ được mất. Nếu một người giữ được tâm trong sáng và nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình, thành công của người ấy sẽ luôn đi cùng sự ca tụng.

Ngay sau khi nghe nói về dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc, tháng 12/2019, một chàng thiếu niên 17 tuổi người Do Thái, tên là Avi Schiffmann, đang học tại Seattle (Mỹ) đã bắt đầu xây dựng một trang web để chuyên cung cấp thông tin miễn phí về dịch bệnh.

Điều đáng nói là trang web (ncov2019.live) thành công nhanh chóng với vài triệu lượt truy cập mỗi ngày, nhưng Avi sẵn sàng từ chối khoản tiền quảng cáo lên đến 8 triệu đô (tương đương 200 tỷ đồng). Rất nhiều người ngạc nhiên và ngưỡng mộ! Avi còn cho biết cậu mong việc làm của mình có thể truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tài năng có thêm động lực để tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp.

Cảm ơn Avi, không chỉ vì tài năng mà chính là phẩm chất xem nhẹ danh lợi của em, em đã thực sự nổi bật trong xã hội hiện đại luôn khao khát danh vọng, quyền lực và tiền bạc. Chuyện của Avi như một mắt xích giúp ta xâu chuỗi lại những con người thành công trong lịch sử cũng suy nghĩ rất khác biệt về danh lợi như thế. Đó là Albert Einstein, Marie Curie và Vương Trung Thừa.

***

“Khoa Phụ đuổi mặt Trời” là một câu chuyện thần thoại chép trong kinh Hải Sơn Trung Quốc. Chuyện kể rằng có một người tên là Khoa Phụ, vì đuổi theo mặt trời nên rất khát nước, anh ấy uống cạn nước sông Hoàng Hà, sông Vị Hà mà vẫn không hết khát bèn đến nơi khác để tìm nước, nhưng đến giữa đường thì bị chết khát.

Con người biết rằng Danh và Lợi chỉ là thứ phù du, như hoa kia sớm nở tối tàn, thực chất là khi sinh không mang đến, khi tử không mang theo. Nhưng rất ít người có thể tránh khỏi sự cám dỗ của chúng. Thậm chí có người sống cả đời tranh tranh đấu đấu, mạo hiểm đánh đổi cả nhân cách của bản thân để đạt được danh lợi.

Khi một người cố gắng tìm kiếm danh lợi, anh ta sẽ suốt một đời mệt mỏi, không thể giữ được sự thanh thản trong tâm. Cuộc sống của người đó cũng giống như cuộc đua của Khoa Phụ với Mặt trời rực rỡ. Anh ta không bao giờ đạt được điều mình theo đuổi, mà chỉ vắt kiệt bản thân cho đến khi sức tàn lực tận.

Cũng có người quan niệm rằng danh lợi là động lực để bản thân cố gắng, cho nên mệt mỏi một chút, tổn hại một chút là lẽ thường tình. Họ cũng biết rằng phải cân bằng cuộc sống, không để điều gì quá đi, nhưng xem ra chừng nào còn lấy danh lợi làm trọng thì có thể làm điều sai trái lúc nào không biết. Mục tiêu không trong sáng thì cái tâm kia không đảm bảo giữ vững được, dần dần cộng từng ngày tổn đức hại thân.

Phật gia giảng rằng tài lộc phú quý thành công là do đức tích lũy từ nhiều đời mà thành, cái gì của mình thì sẽ là của mình, cho nên hết sức khuyên người “tùy kỳ tự nhiên”. Ấy chính là cái tâm trong sáng, thuần khiết, thuận theo Đạo.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Albert Einstein không nhận quà

Einstein từng nói rằng ngoài khoa học ra, không có thứ gì ông thực sự quan tâm yêu thích và ông cũng không ghét cay đắng điều gì. Một lần nọ trong chuyến đi biển du ngoạn, thuyền trưởng chuẩn bị một căn phòng sang trọng nhất cho Einstein. Nhưng ông đã từ chối món quà của viên thuyền trưởng.

Trong suy nghĩ của Einstein, bản thân ông không có gì khác biệt so với những người khác, do đó ông không “hưởng thụ” cách đối đãi đặc biệt này. Đức tính khiêm nhường và chân thành của ông được nhiều người ngưỡng mộ.

Marie Curie từ chối danh và lợi

Sau khi tìm thấy nguyên tố radium, nhiều người trên khắp thế giới đã viết thư đến bà Curie, yêu cầu được biết phương pháp chiết xuất. Ông Curie ôn tồn trả lời: “Chúng ta có 2 lựa chọn. Một là chúng ta sẽ kể cho họ mọi thứ về cách chiết xuất radium mà không cần trả công thứ gì”. Bà Curie đồng ý với chồng và nói: “Vâng, tất nhiên rồi”.

Ông Curie tiếp lời: “Một lựa chọn khác là chúng ta đặt vị trí của mình vào thế của những người phát minh và người giữ quyền sở hữu của phương pháp chiết xuất radium. Nhưng đầu tiên chúng ta phải lấy bằng sáng chế cho công nghệ chiết xuất quặng uranium và thiết lập sở hữu độc quyền công nghệ radium trên toàn thế giới”.

Sở hữu bằng công nhận đặc quyền đồng nghĩa với việc họ sẽ thu được những khoản tiền lớn và có một cuộc sống thoải mái tiện nghi. Ngoài ra, họ còn có thể để lại một khoản tiền thừa kế đáng kể cho con cái.

Tuy nhiên, khi nghe đến đó, bà Curie nói: “Chúng ta không thể làm thế. Nếu chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ vi phạm ước nguyện ban đầu khi bước chân vào nghiên cứu khoa học”. Bà Curie đã từ bỏ danh và lợi mà bà vốn có thể có được một cách dễ dàng.

Trong suốt cuộc đời, bà đã được trao 16 huy chương các loại và 117 danh hiệu cao quý, nhưng bà đã không xem chúng quá quan trọng.

Một ngày nọ, một người bạn gái đến thăm nhà Curie. Nhìn thấy đứa con gái nhỏ của bà đang chơi đùa với chiếc huy chương vàng mà Viện hàn lâm Hoàng gia Anh quốc đã trao tặng, người bạn vô cùng ngạc nhiên nói: “Chiếc huy chương đó là một vinh danh cao quý. Sao bạn có thể để một đứa trẻ đối xử với nó như món đồ chơi như vậy?”.

Bà Curie mỉm cười: “Tôi muốn con tôi hiểu rằng vinh danh chỉ là một thứ đồ chơi. Bạn chỉ có thể chơi với nó thay vì bảo vệ nó. Nếu không, cả đời sẽ không thành tựu được gì”.

Vương Trung Thừa không gian dối

Vương Trung Thừa là quan tổng chế vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) vào triều nhà Minh. Một lần khi tiến hành kiểm tra quốc khố, ông phát hiện 34 vạn lạng bạc dư ra so với thống kê thu chi. Số dư này là do quốc gia đã lâu không có chiến tranh, quân số ít mà lương nhiều, tích luỹ qua ngày tháng, dần dư ra nhiều. Đáng chú ý là không có ai có thể tra cứu số tiền này, triều đình cũng không biết.

Ông đã lên kế hoạch viết sớ tấu lên triều đình về phát hiện của mình. Một người bạn của ông khuyên: “Ngài nổi tiếng là quan thanh liêm. Số dư này không phải bòn rút từ triều đình hay người dân. Tại sao ngài không tấu lên 30 vạn lạng và giữ lại bốn vạn lạng cho bốn người con trai? Điều đó đâu có ảnh hưởng đến lòng tận trung báo quốc của ngài.”

Vương Trung Thừa cười và nói: “Điều đó khác gì so với việc một góa phụ thủ tiết được 30 năm, một sớm chỉ vì lợi ích của con cái mà cải tiết. Chẳng phải đáng tiếc sao?”

Ông đã tấu báo chính xác và trả lại hết số tiền dư. Người dân ca ngợi ông là một bậc quân tử thật sự khó tìm, và ông được bổ nhiệm làm quan thái thú suốt nhiều năm. Con cháu của ông cũng giữ nhiều chức quan nhờ đỗ đạt cao, và gia đình ông hưng vượng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể nói rằng, người hiểu Đạo, thuận theo Đạo mà tùy kỳ tự nhiên, chỉ chuyên tâm làm việc của mình mà xem danh lợi nhạt như nước, nhẹ như mây thì người đó đã ở cảnh giới của bậc trí huệ, suy nghĩ hơn người. Thành công của người ấy sẽ luôn đi cùng sự ca tụng của nhân gian.

Video: 20 năm phiêu du cùng trời cuối đất, cơ trưởng người Việt tìm ra con đường cuối cùng đến Hạnh phúc

Exit mobile version