Khi đề cập đến giáo dục, thì một quốc gia khác luôn duy trì ở vị trí số một thế giới – đó chính là Phần Lan. Vậy bí quyết của họ là gì?
Tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông lớn nhất Châu Âu, trong các cuộc thi quốc tế, học sinh Phần Lan luôn đứng đầu về các môn toán, khoa học và kỹ năng đọc. Người phần Lan làm được điều này không phải theo cách ép học sinh của mình với một núi bài tập về nhà hay biến trường học thành một nơi áp lực, mà hoàn toàn ngược lại.
Giáo dục những điều bản chất, không chạy theo thành tích
Nền giáo dục Phần Lan tin rằng ít hơn mới là tốt hơn. Thoạt nghe thì thì có vẻ là một quan điểm bất thường, tuy nhiên, người Phần Lan tin rằng, trong giáo dục, thì sự kiên trì, ham học, và khả năng tập trung giải quyết vấn đề là những kỹ năng quan trọng hơn bất kể điều gì khác, như chuẩn bị cho các bài kiểm tra, hay cố gắng ghi nhớ thông tin, những điều mà học sinh có lẽ sẽ quên ngay khi họ rời lớp học hoặc ngay sau kỳ thi.
Giáo viên ở Phần Lan cũng không chạy theo giáo án để có thể truyền đạt được càng nhiều thông tin càng tốt, hay cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh, để rồi học sinh có thể lôi những thứ đó ra, đưa vào bài thi nhằm đạt được điểm cao. Thay vào đó, giáo viên truyền tải kiến thức một cách chậm rãi, dành nhiều thời gian nhất có thể để đi xuyên suốt một chủ đề một cách bản chất và có chiều sâu.
Các trường công của Phần Lan cũng bảo đảm chắc chắn rằng tất cả các học sinh đều đạt được những khả năng cơ bản về những môn mà chúng học, không có bất kỳ học sinh nào bị rớt lại phía sau.
Nền giáo dục Phần Lan coi trọng sự cân bằng, những học sinh có điều kiện gia đình giàu có hay khó khăn đều được đối xử như nhau. Khi một học sinh bị rớt lại, thì giáo viên sẽ đặc biệt quan tâm bồi dưỡng để học sinh đó có thể đuổi kịp. Đó là lý do tại sao sự chênh lệch về giáo dục giữa những học sinh từ gia đình giàu có và học sinh từ gia đình nghèo ở Phần Lan là thấp nhất thế giới.
Điều này ngược lại với rất nhiều nền giáo dục, các học sinh cạnh tranh với nhau, cố gắng vươn lên đứng vị trí số một để nhận được khen thưởng hay học bổng. Theo thời gian những nền giáo dục này sẽ coi trọng việc hơn thua, đề cao người thắng cuộc, hạ thấp người thua cuộc. Trong khi kiến thức ở trường chỉ là một phần rất nhỏ bé khi các em ra đời, đó cũng là căn nguyên của căn bệnh thành tích.
Ở Phần Lan giáo viên không phải dạy để lấy thành tích, học sinh không phải học để thi, quan điểm của nền giáo dục này là: “Chúng tôi không quan tâm tới kết quả thi, chúng tôi không phải vì điều đó.”
Hơn nữa, học sinh chỉ bắt đầu học khi lên bảy tuổi, khi tới trường thì thời gian nghỉ giải lao của học sinh ở Phần Lan nhiều hơn gấp ba lần so với các nước khác, họ cũng hiếm khi giao bài tập về nhà, cho đến khi học sinh lên cấp ba. Nền giáo dục này hầu như không bao giờ thực hiện các bài kiểm tra, học sinh chỉ phải tham gia một kỳ thi duy nhất vào cuối cấp ba.
Giáo viên là một nghề cao quý
Trở thành một giáo viên ở Phần Lan quả thực không phải điều dễ dàng, chỉ có tám trường đại học ở Phần Lan đào tạo thạc sĩ và cấp bằng dạy học. Có bằng thạc sĩ nghĩa là giáo viên sẽ có 5 đến 7,5 năm để chuẩn bị trước khi thực sự đứng trên bục giảng.
Một giáo sư đã đưa ra thống kê về nền giáo dục Phần Lan vào năm 2012. Theo đó, tại thủ đô Helsinki đã có hơn 2.300 đơn ứng tuyển cho 120 vị trí giáo viên tiểu học. Có nghĩa là trong khoảng 20 giáo viên thì chỉ có duy nhất một người được chọn để đứng trên bục giảng.
Điều này giải thích tại sao ở Phần Lan nghề giáo viên lại được tôn trọng ngang với nghề bác sĩ hay luật sư.
Giáo viên Phần Lan chỉ dành 4 giờ mỗi ngày trên lớp, nhưng lại giành ra 2 giờ mỗi tuần để phát triển các kỹ năng nghề nghiệp. Họ cũng không quan tâm đến thành tích hay các khoản thưởng như ở các quốc gia khác, nơi thành tích tốt sẽ được đánh giá cao hay được thưởng nhiều, dẫn đến hậu quả là từ giáo viên đến cả hệ thống giáo dục gian lận trong thi cử để đạt thành tích cao, lấy danh tiếng cho giáo viên và nhà trường.
Trò chơi, niềm vui là một phần không thể thiếu của chương trình giáo dục
Có một câu nói phổ biến ở Phần Lan: “Những điều bạn học mà không có niềm vui, bạn sẽ dễ dàng quên nó.”
Mỗi trường học ở Phần Lan đều có một đội chuyên chăm lo tới niềm vui của học sinh ở trường. Mỗi ngày 4 lần học sinh được ra ngoài chơi tự do trong 15 phút, bất kể điều kiện thời tiết ra sao.
Học sinh ở Phần Lan cũng chịu ít sức ép bài vở hơn so với các quốc gia khác, chúng không có nhiều bài tập về nhà, và dành nhiều thời gian vui chơi sau khi tan học.
Khi một giải pháp hay bất kỳ một điều tốt nào xuất hiện ở một ngôi trường, thì nó sẽ nhanh chóng được chia sẻ sang các trường khác, như vậy những kinh nghiệm tốt nhất sẽ được phổ biến tới tất cả các trường.
Những bí quyết này đã giúp nền giáo dục Phần Lan luôn duy trì ở vị trí số một thế gới. Theo thống kê, 66% học sinh Phần Lan tiếp tục học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông, đây là một trong những tỉ lệ lớn nhất ở Châu Âu.
Đường Chính