Đại Kỷ Nguyên

Tâm đắc giáo viên: (4) Hướng dẫn con trẻ cái nhìn đúng đắn về vấn đề giàu nghèo của bản thân

Nhận thức chính xác về mối quan hệ giữa tiền bạc và tu dưỡng đạo đức tự thân, tăng cường kỹ năng và kiến ​​thức của bản thân, trở thành một người "giàu có" chân chính. (Ảnh: Freepik)

Mẹ W từng nói với tôi rằng vì điều kiện kinh tế gia đình không tốt, W bị các bạn cùng lớp ở trường cũ bắt nạt, chê cười, nên W rất nhạy cảm đối với từ “nghèo”, tính cách cũng trở nên có chút cực đoan. Vì vậy, tôi đã nghĩ về cách hướng dẫn W đối đãi với vấn đề này một cách đúng đắn mà không làm tổn thương lòng tự tôn của cậu ấy.

“Tiền bạc” thường là một trong những nguyên nhân chủ yếu của rất nhiều vấn đề sản sinh trong cuộc sống của mỗi người. Có tiền hay không có tiền, bần cùng hay giàu có, nó không chỉ liên quan đến vấn đề sinh tồn căn bản của con người, mà còn liên quan đến chất lượng cuộc sống cao thấp. Làm thế nào để nhìn nhận và đối đãi đúng đắn đối với sự giàu hay nghèo tiền bạc của bản thân mình, đó kỳ thực là một học vấn rất lớn.

Tư tưởng của trẻ em tương đối đơn thuần, khái niệm về tiền bạc của chúng thường phiến diện và mơ hồ. Ngoại trừ một số rất ít trẻ em phải đảm nhận chi tiêu trong gia đình, đại đa số trẻ em chỉ nghĩ rằng có tiền nghĩa là có thể mua những thứ mà người khác không có, và những người bạn xung quanh sẽ ghen tị với chúng. Nếu cha mẹ về vấn đề tiền bạc không có phương thức giáo đạo con đúng đắn, hoặc phớt lờ cảm thụ của con, đều sẽ dẫn đến trẻ xuất hiện những hành vi bất hảo hoặc mâu thuẫn xung đột với bạn bè đồng trang lứa trong phương diện này.

Ảnh: Freepik.

Ví dụ, một số cha mẹ giàu có từ nhỏ đã dạy con giao lưu xã hội thế nào, nhất nhất chỉ kết giao với những đứa trẻ thuộc gia đình giàu có đồng dạng, khiến trẻ sản sinh quan niệm lệch lạc, cho rằng có tiền là cao hơn người khác một bậc, từ đó có thái độ kiêu ngạo hoặc xa cách bạn bè từ những gia đình nghèo khó hơn. Những bậc cha mẹ có kinh tế không khá giả phần lớn giáo dục con cẩn trọng trong mọi việc, không phô trương phóng túng, không tiêu tiền bừa bãi; điều này nguyên là tốt và không sai, nhưng cha mẹ lại thường bỏ qua việc lý giải hoàn cảnh con trẻ, những sự tình mà trẻ gặp phải và những suy nghĩ trong tâm trẻ, từ đó sẽ dẫn đến trẻ sự tự ti hoặc tâm lý tật đố.

Học kỳ này, một học sinh W mới chuyển đến lớp, bố mẹ cậu ly hôn từ khi cậu còn nhỏ, cậu sống với mẹ. Mẹ của W bận rộn với công việc mưu sinh nên ít có thời gian kèm cặp, dạy dỗ cậu, thêm vào đó, kinh tế gia đình eo hẹp nên tính tình cậu cũng trở nên có chút thu mình và cáu kỉnh. W đã vào lớp hơn một tháng, nhưng cậu ấy luôn là một người cô độc, rất hiếm khi chơi với các học sinh khác sau giờ học, chưa hòa nhập vào tập thể lớp. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số xung đột liên quan đến W. Ví dụ, nếu một người bạn cùng lớp mặc trang phục rất tân thời, mọi người xúm lại xung quanh để ngắm nghía, W sẽ mỉa mai nói: “Cũng vậy thôi, có gì hay ho đâu.” Bạn đồng học vì thái độ cậu ta như vậy nên đều xa cách, có bạn đồng học cố ý chạy tới chọc tức cậu ta, nói cậu ta nghèo hèn, hai bên suýt chút nữa đánh nhau, cũng may được các bạn đồng học thuyết phục.

Một lần khác, bạn cùng bàn của W thấy cậu ta chỉ có hai ba cái bút nên có nhã ý tặng cậu vài cây bút, nhưng bất ngờ W giật lấy những chiếc bút đó ném xuống đất một cách thích thú, rồi chỉ thẳng vào bạn cùng bàn gầm lên: “Không cần cậu giả hảo tâm, đừng coi thường tôi không có tiền, đưa cho tôi mấy cây bút để làm trò cười!” Bạn cùng bàn là một nữ sinh tính cách ôn hòa, lập tức chạy đến nói với tôi, nước mắt lưng tròng. Sau khi nghe xong, tôi cũng cảm thấy rất khó xử, vì mẹ W từng nói với tôi rằng điều kiện kinh tế gia đình không tốt, W bị các bạn cùng lớp ở trường cũ bắt nạt, chê cười vì nghèo, nên W rất nhạy cảm đối với từ “nghèo”, tính cách cũng biến trở nên có chút cực đoan. Vì vậy, tôi đã nghĩ về cách hướng dẫn W đối đãi với vấn đề này một cách đúng đắn mà không làm tổn thương lòng tự tôn của cậu ấy.

Trong tiết tự học hôm đó, tôi hỏi các học sinh quan điểm về giàu nghèo như thế nào? Các câu trả lời của học sinh rất chung chung và mơ hồ. Tôi hỏi lại: “Vậy các em cảm thấy điều gì quan trọng hơn để thành công trong cuộc sống, tiền bạc hay nhân phẩm?” Cả lớp im lặng. Tôi tiếp tục nói: “Trong lịch sử, những danh nhân lưu danh thiên cổ, kỳ thực xuất thân từ gia đình có tiền và không có tiền đều có một tỷ lệ nhất định. Ví như hoàng đế khai quốc triều Minh Chu Nguyên Chương khi nhỏ gia đình đặc biệt bần cùng, cha mẹ đều bị chết đói, ông từ nhỏ đã đi chăn trâu kiếm sống, sau này đến chùa Hoàng Giác xuất gia làm tăng, mỗi ngày làm những công việc nặng nhọc như gánh củi đun nước v.v. để sống. Sau này Chu Nguyên Chương đầu quân theo quân khởi nghĩa của Quách Tử Hưng, nhờ dũng thiện chiến và trí dũng đa mưu mà được trọng dụng, trải qua rất nhiều năm chinh chiến cuối cùng đã kiến lập nên vương triều Đại Minh, trở thành hoàng đế khai quốc một thời đại. Hay như đại văn học gia Âu Dương Tu và anh hùng dân tộc Nhạc Phi, họ từ thời niên thiếu đều gia cảnh bần hàn, nhưng họ đều có ý chí kiên cường khác người thường, trong cuộc sống bần khổ trước sau đều luôn nỗ lực rèn rũa bản thân, mới có được thành tựu như vậy.”

Nhìn vẻ mặt trầm ngâm của các học sinh, tôi tiếp tục nói: “Vậy những danh nhân có gia cảnh giàu có là ai? Ví dụ, Vương Hi Chi, một nhà thư pháp vĩ đại thời Đông Tấn, sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, ông cha làm quan đến thái thú, Vương Hi Chi từ nhỏ đã yêu thích thư pháp, mỗi ngày đều dành phần lớn thời gian để luyện tập chữ, mỗi lần ông ấy đều rửa bút lông ở ao trước nhà, sau một thời gian dài, nước trong ao đều biến thành ‘ao mực’. Cuối cùng ông đã trở thành ‘Thánh thư pháp’ một thời đại. Lại ví như Tư Mã Thiên xuất thân nhà quan sử, từ nhỏ đã khắc khổ học tập các loại sử thư, cuối cùng viết ra cuốn ‘Sử ký’ ghi chép lại lịch sử hơn 3.000 năm từ thời Hoàng Đế đến Hán Vũ Đế.”

“Còn rất nhiều ví dụ khác về những danh nhân, quá nhiều để có thể liệt kê hết. Các em có để ý rằng rất nhiều danh nhân trong lịch sử, bất kể họ xuất thân trong nghèo khổ hay giàu có, họ đều thông qua nỗ lực của tự thân và nghị lực kiên trì mà đạt được một phen thành tựu. Những người này sau khi thành danh hầu hết đều đãi nhân hòa thuận, khiêm nhường và thành khẩn, không tranh cường hiếu thắng cũng không ỷ thế khinh người, thay vào đó họ luôn tự cảnh tỉnh bản thân, phải chăng chính những phẩm đức mỹ hảo này đã tạo nên thành công của họ?”

Các học sinh gật đầu tán đồng. Tôi nói: “Đương nhiên, thầy không bảo các em nhất định phải trở thành danh nhân nổi tiếng trong ngoài nước. Thầy chỉ mong các em nhìn nhận đối đãi đúng đắn đối với nghèo và giàu. Khổng Tử nói: ‘Nghèo nhi nhạc đạo, phú nhi hảo lễ’, về vấn đề tiền bạc chúng ta đừng đi so đo, bất luận giàu hay nghèo đều cần học hỏi nhiều văn hóa và kỹ năng, không ngừng đề cao cảnh giới tư tưởng. Có tiền không kiêu ngạo tự mãn, không xa xỉ mà hãy đối đãi tử tế hòa thuận với người khác; Không có tiền cũng không tự ti tự kháng, dùng tâm bình hòa mà đối đãi. Bởi vì tài hoa, đạo đức và nhân cách mới là trọng yếu hơn, chỉ bằng cách này mới có được sự tôn trọng phát từ nội tâm người khác.”

Các học sinh đã rất cảm động sau khi nghe xong, đặc biệt là W, tôi nhìn thấy quang sắc rực rỡ trong mắt cậu ấy. Sau này, W chăm chỉ hơn trong học tập, điểm số ngày càng tiến bộ, hòa nhập được với tập thể, khi có học sinh hỏi phương pháp học tập, cậu ấy đều giảng giải tận tình, có vẻ tự tin hơn rất nhiều.

Trong giáo dục, cha mẹ nên dạy con cái nhận thức chính xác về mối quan hệ giữa tiền bạc và sự tu dưỡng đạo đức của bản thân, đồng thời cũng chú trọng hơn đến giáo dục phẩm đức, để trẻ không đi chệch hướng khi đối diện với vấn đề về tiền bạc trong tương lai. Đồng thời, nên cổ động trẻ tăng cường kỹ năng và học ​​thức của bản thân, trở thành một người “giàu có” chân chính.

Tác giả: Vân Quyển, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version