Việc cha mẹ dùng thành tích học tập làm thước đo để quyết định việc kết bạn của con cái không còn là chuyện hiếm. Quan điểm này có phần phiến diện, phải chăng chúng ta đang quá khắt khe đối với con trẻ?

Từ ngày Dung bước vào học cấp hai, cha mẹ rất khắt khe với việc kết bạn của cô bé, khiến cô bé rất buồn. Cha mẹ yêu cầu Dung chỉ được kết thân với các bạn nữ, đặc biệt là những bạn có thành tích học tập tốt, thật thà, hiền lành, giản dị… Cô bé không được phép kết bạn với các bạn nam, nếu trái lời cha mẹ kiểu gì cô bé cũng bị tra hỏi.

Một lần, bé Dung lấy hết dũng khí dẫn mấy đứa bạn thân về nhà chơi. Cha mẹ cô bé vui vẻ nói chuyện cùng đám bạn của con, nhưng trong những câu chuyện ấy lại luôn xoay quanh chủ đề học tập như thành tích thế nào, xếp thứ mấy trong lớp khiến các bạn của cô bé rất căng thẳng. Sau đó, cha mẹ bé Dung còn tìm hiểu và biết rằng những người bạn thân của con thành tích học tập không có gì nổi trội, thậm chí có bạn học lực chỉ trung bình khá, họ đã giận dữ, cấm con chơi với những người bạn đó và muốn con phải kết bạn với những bạn học giỏi trong lớp.

Việc cha mẹ dùng thành tích học tập làm thước đo để quyết định việc kết bạn của con cái không còn là chuyện hiếm. Quan điểm này có phần phiến diện, phải chăng chúng ta đang quá khắt khe đối với con trẻ? Thành tích học tập chỉ phản ánh một phương diện chứ không nói lên phẩm chất của người đó là tốt hay dở. Bởi trong cuộc sống, có những trẻ học hành bình thường, nhưng các phẩm chất khác lại rất xuất sắc. Vì thế, cha mẹ cần cho phép con giao tiếp với nhiều bạn bè để con có cơ hội gặp được người bạn tốt và phù hợp với mình.

Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, phạm vi hoạt động cũng ngày càng lớn, phạm vi giao tiếp của trẻ càng rộng thì bạn bè xung quanh trẻ càng nhiều và đa dạng. Vậy, cha mẹ nên lưu ý vấn đề gì khi hướng dẫn con kết bạn?

1. Phải chân thành, thật thà, không dối trá

Nguyên tắc giao tiếp căn bản của con người chính là dùng tâm đổi lấy tấm lòng. Yêu cầu đầu tiên trong đối nhân xử thế chính là sự chân thành, cần thành thật đối xử với bạn bè, cởi mở, giúp đỡ lẫn nhau, như vậy mới tạo được cảm giác an toàn và trở thành người tin cậy. Cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng phẩm chất này cho con, để mỗi đứa trẻ đều trở thành người dù có đi đến đâu cũng được mọi người chào đón. Ngược lại, đối với người có hành vi dối trá, cha mẹ cũng cần giúp con nhận diện để cảnh giác với họ.

Nguyên tắc giao tiếp căn bản của con người chính là dùng tâm đổi lấy tấm lòng. (Ảnh: ikn.kr)

2. Đối xử khoan dung, biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác

Con người không có ai hoàn hảo, ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Cha mẹ cần giúp con hiểu được rằng, khi người khác phạm lỗi lầm họ cũng cần được tha thứ và khoan dung, như thế mới có thể duy trì, bảo vệ được tình bạn. Không nên vì lỗi nhỏ mà làm hủy hoại tình bạn cao đẹp. Khi biết bao dung với lỗi lầm của bạn, bản thân sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, tình bạn nhờ đó càng trở nên bền chặt.

3. Cần giữ khoảng cách thích hợp, không can thiệp vào chuyện riêng tư của bạn bè

Mỗi người đều có bí mật nhỏ của mình, cha mẹ cần dạy con biết giữ gìn và tôn trọng sự riêng tư của người khác. Không nên vì tò mò mà can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của bạn. Điều này sẽ làm tổn thương đến bạn, hoặc có thể gây ra sự hiểu lầm nghiêm trọng. Cha mẹ hãy hướng dẫn con để con biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy ngẫm. Ví như, đặt trẻ vào tình huống nếu bí mật của mình bị bạn phát hiện thì con có cảm nghĩ gì, sẽ xảy ra hậu quả gì. Cần để trẻ hiểu rằng, bạn bè dù có thân thiết thế nào cũng nên tôn trọng không gian riêng tư của nhau, cho phép bạn bè có bí mật riêng tư của mình.

4. Bạn bè không cần nhiều chỉ cần tốt

Bạn bè không quan trọng số lượng bao nhiêu mà cần chất lượng như thế nào. Người đời có câu: “Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào”. Cần học cách phân biệt người thế nào nên kết thân, người thế nào nên tránh xa. Trẻ ở tuổi dậy thì rất năng động, có tính sáng tạo song cũng hay bắt chước. Nhưng vì tâm lý và trí tuệ chưa chín chắn, trẻ không thể tránh xa hoặc tự chủ trước những ảnh hưởng xấu, lúc này cha mẹ cần giúp con tỉnh táo trong các mối quan hệ bạn bè.

Vì tâm lý và trí tuệ của trẻ chưa chín chắn, vậy nên cha mẹ cần giúp con tỉnh táo trong các mối quan hệ bạn bè. (Ảnh: mamari.jp)

5. Cần tôn trọng người khác, đối xử bình đẳng với bạn bè, không ích kỷ, hẹp hòi, không coi mình là trung tâm để sai khiến người khác

Trong cuộc sống gia đình, cần tạo không khí bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Từ đó, trẻ tự nhiên sẽ biết nói chuyện bình đẳng và tôn trọng người khác. Ngược lại, nếu cha mẹ không tôn trọng nhau, thậm chí thường xuyên cãi vã thì khó mà yêu cầu con cái tôn trọng và đối xử bình đẳng với người khác. Chúng ta cần giúp trẻ hiểu rằng, cần biết suy nghĩ cho người khác, không nên coi mình là trung tâm. Giữa bạn bè cần có sự hiểu biết lẫn nhau, không nên có thái độ chỉ đạo, sai khiến bạn. Càng không được ngang ngược yêu cầu bạn phải làm gì và không được làm gì. Mỗi người đều có chủ kiến riêng, đều có quyền làm theo ý mình, chúng ta không thể ép buộc, cần biết tôn trọng lựa chọn của người khác.

6. Không được “anh hùng rơm”

Thông thường, trẻ có thể làm bất cứ việc gì vì bạn bè. Nhưng cha mẹ hãy hiểu rằng, suy nghĩ của trẻ còn quá giản đơn, thường dễ bị kích động dẫn tới những hành động dại dột, thậm chí phạm pháp, gây tổn hại tới bạn bè lẫn bản thân. Cha mẹ cần kịp thời giúp trẻ phân tích xem trường hợp nào có thể giúp, trường hợp nào thì không. Nếu thiếu quan tâm, để mặc trẻ hành động theo cảm xúc nhất thời thì sẽ không tốt cho đứa trẻ và bạn của nó.

7. Không nên ỷ lại vào bạn bè

Bạn bè có thể giúp trẻ trưởng thành, có thể giúp đỡ trẻ trong lúc cần thiết, nhưng không có nghĩa là bất cứ việc gì cũng nhờ bạn bè giúp đỡ. Nếu sống quá ỷ lại vào bạn bè thì sẽ trở thành gánh nặng cho họ, mối quan hệ không hài hòa, công bằng sẽ dẫn tới việc trẻ dần bị xa lánh. Trẻ phải hiểu rằng, việc của mình thì nên tự mình làm không nên gây phiền hà cho người khác.

Trẻ phải hiểu rằng, việc của mình thì nên tự mình làm không nên gây phiền hà cho người khác. (Ảnh: flickr.com)

8. Không nên tính toán chi li mình đã bỏ ra bao nhiêu và nhận được gì từ bạn bè

Một nhà tâm lý học đã từng nói rằng, mối quan hệ qua lại giữa người với người chẳng qua cũng chỉ là một loại giao dịch xã hội. Cuộc giao dịch này có nguyên tắc gần giống với trao đổi hàng hóa trên thị trường, những người trong cuộc giao dịch này đều hy vọng những điều mình nhận được không ít hơn những gì mình bỏ ra. Còn về góc độ tâm lý, mọi người đều theo đuổi sự cân bằng, nhưng thực tế cuộc sống không được như con người kỳ vọng.

Thiết nghĩ rằng, mối quan hệ của con người trong xã hội ngoài các vấn đề đó ra thì có lẽ nó còn có quan hệ nhân duyên ở đó. Bởi vì, Đức Phật đã dạy rằng: Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của mỗi con người. Sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, đều đáng được cảm kích. Trên thế gian này, bạn gặp gỡ ai, quen biết ai, bỏ lỡ ai. Tất cả đều đã được sắp đặt. Người mình từng mang ơn thì vừa trông thấy liền cảm mến. Người đã tạo oán thì trông thấy liền bực mình. Con người chúng ta là do nhân duyên thiện – ác mà an bài. Tùy duyên mà hợp, cũng tùy duyên mà tan. Đủ duyên thì còn, hết duyên thì hết.

Vì vậy, cha mẹ hãy để con làm người biết vui vẻ chia sẻ và cống hiến, không nên chú ý xem mình bỏ ra bao nhiêu và nhận được những gì. Điều quan trọng là trẻ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi giúp đỡ người khác là được.

Tâm Bình