Ở Mỹ có một giáo viên lớp năm cho bài tập về nhà với đề mục như sau: “Viết ra những lời em muốn nói với giáo viên”. Kết quả đáp án của học sinh khiến giáo viên này vô cùng kinh ngạc…
Elle là giáo viên dạy học cấp một, cô là một người vui tươi yêu động vật và thiên nhiên, cô thường hay dẫn chú chó yêu quý của mình đi dạo bờ biển và ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Có lẽ vì thế mà phương pháp dạy học của cô thường đổi mới, gần gũi với học sinh và đầy tình yêu thương.
Vì học tập phương pháp “giáo dục khoan dung” từ một giáo viên tên là Kyle Schwartz mà một lần Elle đã thử nghiệm ra bài tập với học sinh mình. Kết quả làm cô cảm thấy vô cùng xấu hổ với chức danh nhà giáo mà mình đang làm. Cô đã chia sẻ các dòng tâm sự của mình trên Facebook nhưng không nghĩ cộng đồng mạng lại ấn tượng và có hơn 70.000 lượt chia sẻ cùng hơn 6.000 lượt phản hồi.
Thật ra Elle kinh ngạc trước đáp án của học sinh mình không phải vì kiến thức bản thân mà vì cô nhận ra lâu nay mình chỉ chú trọng hình thức giảng dạy bề ngoài mà chẳng hiểu gì về học sinh mình. Cô cảm thấy bản thân thật đáng thương đến mức không có tư cách để tự xưng là giáo viên của bọn nhỏ.
Đề của bài tập này là “Hãy viết ra những lời em muốn nói với giáo viên”, các học sinh chỉ cần có câu trả lời thì đều đạt điểm A mà không cần ghi rõ họ tên của bản thân mình, mục đích là muốn bọn nhỏ viết ra lời thật lòng.
Trừ bỏ những câu trả lời vui nhộn, hài hước và đơn giản, Elle viết trên Facebook những câu trả lời khiến cô ấy cảm động nhất để chia sẻ cùng với bạn bè trên mạng và các giáo viên đồng nghiệp:
Học sinh A: “Em muốn nói cho cô biết, cha của em đang ở trong tù, rất nhiều năm rồi em chưa được gặp mặt ông ấy”.
Học sinh B: “Em muốn nói cho cô biết, em thường không ăn tối, bởi vì mẹ em bận công việc, mà em vẫn chưa biết cách dùng bếp lò để nấu cơm”.
Học sinh C: “Em muốn nói cho cô biết, em và em gái ngủ chung một chiếc giường, cho nên nếu trên người em có mùi hôi lạ, vậy là do tối hôm qua em gái đái dầm”.
Học sinh D: “Em muốn nói cho cô biết, em thường không mang giày thể thao khi học tiết thể dục, bởi vì trong nhà chỉ có duy nhất một đôi giày thể thao, mà em và anh trai phải luân phiên mang nó”.
Học sinh E: “Em muốn nói cho cô biết, mỗi ngày em đều đến trường, là vì trong nhà lúc nào cũng có tiếng gầm, rống”.
Đối với Elle, những bộc lộ chân thành của học sinh thật ra giống như đang “cầu cứu” hơn, khiến cô nhớ lại những hình phạt trước đây với học sinh mà tự kiểm điểm bản thân mình: “Hãy ít đi một câu chỉ trích, và tập lý giải nhiều hơn”. Cô ấy đã viết trên Facebook như thế này:
“Thân là nhà giáo, chúng ta luôn thuyết giảng quá nhiều, phê bình quá nhiều, luôn nói không ngừng. Cảm thấy bản thân luôn đúng là bản năng của chúng ta, ánh mắt và biểu đạt của chúng ta luôn mang theo thái độ rằng “chúng tôi hiểu biết tất cả mọi chuyện”.
Nhưng như vậy có thể làm cho học sinh cảm động, sau đó thúc đẩy bọn chúng muốn học hành không? Chúng ta nên ít nói đi một chút, lý giải nhiều hơn một chút được không? Những người đã quen với việc làm “trọng tài” như chúng ta đa số đều thiếu đi một chút “cảm thông“.
Cho dù ở bất kỳ mức độ hệ thống giáo dục nào, lớp học đều là nơi chủ đạo của giáo viên. Vì vậy thường dễ dàng dùng “đôi mắt” nhìn thế giới mà không phải dùng “tấm lòng”, không biết đến những hoàn cảnh khó khăn. Mắt thường chỉ nhìn thấy được vẻ bề ngoài, dẫn đến sự phán đoán sai lầm của giáo viên.
Elle cảm khái nói rằng, bản thân cũng giống với nhiều giáo viên khác, cho đến bây giờ mới bắt đầu kiểm điểm lại. Mình đã luôn xem học sinh như robot, cả ngày chỉ biết tìm cách đưa kiến thức vào trong đầu óc của chúng, mà quên đi tôn trọng nhân cách, bản chất của chúng. Bao nhiêu kiến thức cũng không bằng đi tìm hiểu thế giới mà bọn trẻ phải đối mặt sau khi ra khỏi trường học.
Elle mong rằng có thể làm càng nhiều giáo viên nỗ lực hơn với những “mối quan tâm ngoài việc dạy sách giáo khoa“. Chỉ có như vậy, khi học sinh gặp khó khăn giáo viên mới có thể dùng cả tấm lòng ra tay giúp đỡ, giúp chúng trở thành những người càng tốt, càng lương thiện hơn.
Elle nói rằng bản thân không nghĩ đến việc một ngày nào đó mình sẽ nổi tiếng, đơn giản chỉ muốn lớn tiếng nói với người trong ngành giáo dục rằng: Nếu học sinh là hy vọng tương lai của chúng ta, tại sao chúng ta không thể dành nhiều thời gian hơn một chút để lắng nghe cảm xúc phát ra từ nội tâm của chúng, và những thứ chúng thật sự cần?
Khải Phong – Nhã Thanh