Đại Kỷ Nguyên

Chuyện học thêm sau mùa dịch: Có phải chúng ta đang làm ngược lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Trẻ chịu nhiều áp lực học tập trong khi lại buông lỏng việc tu dưỡng đạo đức (ảnh: Shutterstock).

Có một tôn chỉ được cha ông ta truyền lại từ đời này đến đời khác: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Vì vậy ở ngôi trường nào cũng treo biển hiệu câu nói ấy. Nhưng hiện trạng giáo dục ngày nay dường như đang làm ngược lại.

Năm 2020 cả nước đã có đợt nghỉ dài vì dịch bệnh viêm phổi Vũ hán (Covid 19). Chính vì vậy sau khi đi học trở lại (tháng 5/2020) các trường học đều phải giảm tải chương trình học cho kịp thời điểm kết thúc năm học. Tuy nhiên có một việc làm cho nhiều bậc phụ huynh băn khoăn đó là: trong khi chương trình học chính được giảm tải nhưng học thêm tại trường thì lại “tăng tải”. Dưới nhãn quan của mình tôi xin nêu ra một vài ví dụ.

Có vài trường trung học cơ sở (THCS) phụ huynh than thở rằng: trước đây học thêm chỉ học 3 buổi/tuần bây giờ tăng lên học 4, 5 buổi/tuần. Có người lại nói: trường con tôi học không chỉ tăng số buổi mà còn tăng số giờ/ca, trước đây 2h/ca bây giờ tăng lên thành 3h/ca.

Có trường cá biệt học sinh lớp 8 lớp 9 có khi học đến 7, 8 giờ tối, học sinh lớp 6 thì học 2 ca học /1 buổi chiều (6h tối mới được về). Có phụ huynh chia sẻ rằng con nhà tôi hầu như ngày nào cũng học cả ngày không giúp bố mẹ được việc gì. Lại có người bảo con tôi đi học về mệt quá tối cũng chỉ lên giường đi ngủ luôn…

Tôi hỏi nguyên nhân vì sao? Có người bảo từ đầu năm học nhà trường đã hứa với phụ huynh và học sinh học bằng này buổi rồi, bây giờ phải học bù, học tăng lên cho đủ số buổi. Tôi lại hỏi: sao các anh chị không có ý kiến với nhà trường và thầy cô? Họ bảo do tâm lý e ngại: ngại nói ra sẽ thế này thế nọ, con mình lại không được đối xử công bằng…

Cũng là người làm trong ngành giáo dục nhiều lúc tôi cũng tự băn khoăn rằng: học sinh bây giờ đi học phần kiến thức thì bị đặt rất nặng, áp lực rất lớn mà phần giáo dục đạo đức dường như xem nhẹ.

Theo cách đánh giá xếp loại học lực và đạo đức hiện nay thì đạo đức sẽ xếp theo học lực. Ví dụ: một học sinh có học lực khá trở lên sẽ có hạnh kiểm tốt, một học sinh học lực trung bình thì sẽ có hạnh kiểm khá (trừ trường hợp đặc biệt có cống hiến đặc thù). Như vậy là giáo dục của chúng ta lấy giáo dục kiến thức là đệ nhất tính sau đó mới là giáo dục đạo đức.

Có nhiều lứa học sinh cũ của tôi sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp quay trở lại chia sẻ với tôi rằng: chúng em học nhiều như thế ở trường cấp 3 chỉ để thi đỗ đại học, vào đại học thì phần kiến thức học ở cấp 3 cũng không vận dụng gì nhiều, sau khi tốt nghiệp đại học xong thì rất nhiều phần kiến thức là không được áp dụng thậm chí có những bạn còn làm trái nghề. Vậy không biết chúng em sao lại phải học nhiều thế!

Đó là với giáo dục chuyên nghiệp và THPT, còn với giáo dục mầm non thì như thế nào? Có người nói: các cô dạy mầm non là nhàn nhất, đến lớp múa hát vài bài là đến tối. Nhưng khi tiếp xúc với các cô tôi thấy học cũng rất nhiều áp lực, ví dụ: một lớp mẫu giáo 3 tuổi thì cô và trò cũng phải phấn đấu đạt đủ hàng trăm tiêu chí.

Quay trở lại với câu nói “Tiên học lễ hậu học văn”: hiểu một cách bề mặt nhất là con người trước tiên cần học phép tắc lễ nghi, sau đó mới học kiến thức. Vậy cách giáo dục của ta có thể nói là đang đi ngược lại với truyền thống này. Theo cách giáo dục hiện nay, học sinh nào nắm vững kiến thức thì được đánh giá là ngoan (không kể những trường hợp đặc biệt: đứa trẻ dặc biệt tốt hoặc thừa hưởng một nền giáo dục gia đình tốt) và ngược lại.

Thực tế, người nắm vững kiến thức chưa hẳn là một người “ngoan” (người tốt), ví như một người trí thức cũng có thể nói tục, nhổ đờm hỉ mũi, xả rác không đúng chỗ… ở những nơi công cộng; một người giáo viên được cho là giỏi giang cũng có thể là người lừa trên dối dưới hoặc sử dụng bạo lực không thương tiếc với học sinh…

Người xưa giáo dục học trò là cần theo tiêu chuẩn, ví dụ: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Xét về thứ tự chữ “nhân” đứng đầu. Hiểu một cách đơn giản, “nhân” có nghĩa là cái gì mình không thích thì chớ làm cho người. Đó cũng là quá trình tu dưỡng của cả một đời người.

Làm được “nhân” rồi mới đến “lễ”, vậy khi học trò của chúng ta thậm chí không biết được nội hàm của chữ “nhân” này thì sao có thể “không thành công cũng thành nhân” được! Sao có thể biết đến “lễ” ,“nghĩa” được, thậm chí trở thành người lệch lạc rồi cũng vẫn không nhận ra. Công việc giáo dục từ thế hệ này đến thế hệ kia dường như càng ngày càng xa rời đạo lý.

Trở lại với câu chuyện học thêm nói trên: nếu chẳng vì cuộc sống xô bồ, chẳng vì áp lực chất lượng giảng dạy, chẳng vì áp lực thành tích, danh hiệu cá nhân và nhà trường thì có lẽ: các thầy cô cũng không phải lên lớp nhiều như vậy dưới cái nắng mùa hè; học sinh cũng không phải chịu áp lực tâm lý mệt mỏi do học tập, phụ huynh cũng không phải lo lắng hay than phiền.

Vậy làm cách nào để khắc phục được tình trạng đó? Trách nhiệm của những người làm giáo dục hiện nay là gì? Tôi thiết nghĩ cũng cần làm được một cuộc “cách mạng” trong giáo dục: không chạy theo thành tích, không chạy theo danh tiếng… (ví như giáo dục Nhật Bản trẻ em dưới 10 tuổi không cần phải thi cử).

Hơn thế nữa, để chữa triệt để căn bệnh thành tích thì giải pháp chính là phục hưng lại một nền giáo dục truyền thống “lấy đức làm gốc”, “học làm người trước học việc sau”, nghĩa là lấy giá trị văn hóa truyền thống làm căn bản. Có như vậy mới tạo được sức đề kháng mạnh mẽ cho một “cơ thể giáo dục” không dễ dàng bị bệnh xâm nhập.

Video: “Đi đến tận cùng dân tộc, ta sẽ gặp được nhân loại!”

Exit mobile version