Việc dạy con sử dụng Tiền mừng tuổi Tết (lì xì) hợp lý sẽ tạo nền tảng và ảnh hưởng lớn đến cách con chúng ta quản lý tài chính trong tương lai.
Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều rất thích Tết Nguyên đán vì được quây quần bên gia đình, thưởng thức những món ăn ngon và nhận những bao tiền mừng tuổi đỏ thắm. Các em nhận lì xì, có thể đưa lại cho bố mẹ hoặc tự giữ làm “tài sản” riêng cho mình tuỳ vào từng gia đình. Tuy nhiên, những thắc mắc phát sinh liên quan đến số tiền này cũng bắt đầu xuất hiện. Trẻ sẽ hỏi những câu như: “Con có được tiêu số tiền này không?”, “Số tiền này có phải của con không?” hay “Con mua đồ chơi có được không?”…
Kỹ năng quản lý tiền bạc không tự nhiên có mà cần được hướng dẫn và rèn luyện cho trẻ. Nhân dịp Tết này, cha mẹ hãy dạy con những bài học hữu ích về những khái niệm tài chính cơ bản.
Giá trị của lao động và tiền bạc
Khi bỗng nhiên “từ trên trời rơi xuống’’ cho trẻ một khoản tiền mừng tuổi không nhỏ, tốt nhất hãy dạy cho chúng càng sớm càng tốt giá trị của lao động và tiền bạc.
Những đứa trẻ sẽ luôn học theo bố mẹ. Chúng luôn quan sát, học theo bạn ngay cả khi bạn không nhận thấy điều đó. Nếu nhìn thấy bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà đón Tết, những đứa trẻ sẽ nảy sinh những ý tưởng và mong muốn làm công việc đó hoặc ít nhất cũng tham gia cùng phụ huynh. Vậy nên, hãy làm việc cạnh những đứa trẻ khi chúng còn nhỏ. Thêm vào đó, hãy để chúng giúp bạn dù là việc nhỏ nhất. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy làm việc một mình sẽ nhanh hơn khi có con trẻ cùng làm, nhưng xin hãy kiên nhẫn khi những đứa trẻ còn nhỏ tuổi. Sự kiên nhẫn của bạn ngày hôm nay sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp trong cuộc sống về lâu về dài của con. Đừng bao giờ đánh giá thấp sự ảnh hưởng, thái độ và những kỳ vọng của bạn đối với những đứa trẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh hãy cho con làm việc nhà để hiểu giá trị của lao động. Bởi những nhiệm vụ này sẽ dạy cho các con biết những công việc để duy trì sự gọn gàng, ngăn nắp trong một ngôi nhà. Đồng thời giúp các con hiểu làm thế nào để trở nên hữu ích trong gia đình. Một số cha mẹ trả tiền công cho con khi làm việc nhà, tuy nhiên cần lựa chọn công việc cho phù hợp để trẻ phân biệt được những điều trách nhiệm và những việc làm được trả công.
Khuyến khích con thực hiện những công việc ‘kinh doanh’ là cách làm hữu ích mà phụ huynh các nước thường áp dụng để trẻ hiểu được giá trị của tiền bạc và lao động. Nếu có thể khuyến khích và giúp con phát triển sự siêng năng và óc sáng tạo, bạn đang nâng cánh cho con bay xa. Khi những đứa trẻ thích thú một điều gì đó, chúng sẽ có động lực lớn để làm việc chăm chỉ. Chúng có thể vẽ tranh, làm sữa chua, bán nước, giao báo…dù cho ý tưởng của con bạn là gì, hãy cố gắng giúp chúng phát triển ý tưởng của mình theo hướng sáng tạo nhất.
Dạy con tiết kiệm
Tiền là giá trị của sức lao động, là nguồn lực hạn chế. Dạy con về những giới hạn của ngân sách là quan trọng nhất. Trước bất kỳ tình huống nào, trẻ cần hiểu một khi tiền được tiêu, nó sẽ biến mất. Điều này có nghĩa là các em chỉ nên sử dụng tiền trong những tình huống cần thiết, tránh sự lãng phí khó có thể bù đắp.
Ví dụ, khi cả nhà đi chơi ở một nơi nào đó như siêu thị hoặc công viên, hãy cho mỗi con một số tiền nhất định, các con có thể dùng để mua sắm ở các cửa hàng đồ chơi, đồ lưu niệm. Nếu bọn trẻ chưa từng quen với việc lập ngân sách, chúng sẽ mua thứ đắt tiền nhất trong các cửa hàng. Nhưng khi con hiểu số tiền cho chúng có giới hạn, chúng sẽ suy nghĩ kỹ về những thứ sẽ mua.
Hoặc khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: “Con có cần món đồ này không?”, “Con sẽ sử dụng món đồ được mua chứ?” hoặc “Tại sao món đồ này lại quan trọng với con?”… Những câu hỏi này có thể đơn giản nhưng kích hoạt não bộ trẻ suy nghĩ, cân nhắc, tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Nếu trẻ thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể biến đó thành cơ hội dạy về sự tiết kiệm. Hãy bảo con rằng tiền lì xì chưa đủ và con phải tiết kiệm số tiền nhiều hơn mới có thể mua được những món đồ này hoặc phải làm việc để kiếm tiền.
Tạo lập ngân sách
Tết Nguyên đán có thể là dịp để trẻ tổ chức tiệc và mời bạn bè đến nhà chơi. Phụ huynh có thể tận dụng cơ hội này để dạy con về kỹ năng quản lý và chi tiêu trong thực tế. Hãy bắt đầu bằng cách cho con một số tiền nhất định để tổ chức tiệc mời bạn bè. Nhiệm vụ của trẻ là lên kế hoạch trang trí, tổ chức các hoạt động, mua đồ, chuẩn bị thức ăn cho một ngày. Với khoản tiền cố định được cho, trẻ sẽ phải sắp xếp các hoạt động và lựa chọn mua những mặt hàng phù hợp.
Đối với tiền lì xì, hãy sắm cho con một cuốn sổ nhỏ và cùng con ghi chép lại số tiền mà con có cũng như tiền chúng muốn sử dụng trong tương lai. Sau đó, bạn có thể cùng con thống kê lại bảng chi tiêu, chỉ cho con những món hàng con nên tiết kiệm và thay đổi cách sử dụng tiền như thế nào cho hợp lý. Bài tập này sẽ dạy cho con về duy trì ngân sách, điều này rất hữu ích đối với mỗi đứa trẻ trong cuộc sống sau này.
Lãi suất
Gửi tiết kiệm tiền mừng tuổi là một cách làm hay, mang lại nhiều lợi ích. Hãy dạy cho trẻ kiến thức về chuyển tiền vào ngân hàng để nhận lãi và tại sao nên làm vậy thay vì giữ tiền trong nhà.
Bên cạnh đó bạn có thể gửi ‘tiết kiệm’ tại nhà với một trò chơi thú vị với trẻ. Bạn hãy dặn con mỗi khi nhận được bao lì xì, hãy đút tiền trong bao vào lợn tiết kiệm và ghi lại số tiền. Sau đó, bạn hãy bí mật cho thêm một số tiền nhỏ hơn tiền con bạn đã gửi lợn, có thể thống nhất là 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng. Khi dịp Tết Nguyên đán qua đi, bạn cùng con đập lợn và tổng kết số tiền thu được. Từ sổ ghi chép, trẻ có thể tính ra số tiền thực tế thu được từ bao lì xì và số tiền có thêm. Phụ huynh hãy giải thích khoản tiền có thêm là những gì trẻ sẽ nhận được nếu gửi tiền vào ngân hàng và đó chính là bài học cơ bản về lãi suất.
Giá trị của hàng hóa
Mọi đồ vật đều không có giá bằng nhau, có cái đắt, cái rẻ. Không chỉ vậy, cùng một sản phẩm nhưng ở các nhãn hiệu khác nhau cũng sẽ có giá khác nhau. Ví dụ một chai nước lọc sẽ có giá khác nhau tùy theo công ty sản xuất.
Cơ hội đơn giản nhất để dạy về bài học này là cho trẻ tham gia quá trình sắm Tết cùng cha mẹ. Phụ huynh có thể viết sẵn danh sách đồ cần mua, yêu cầu trẻ tìm mặt hàng trong siêu thị và so sánh giá các nhãn hiệu của một mặt hàng.
Sau đó, hãy dạy trẻ cách tính toán sự khác biệt về giá cả, cách lựa chọn sản phẩm giữa muôn vàn nhãn hiệu với giá thành khác nhau. Cuối cùng bạn để trẻ thử luyện tập việc đưa quyết định.
Sự chia sẻ
Cuộc sống luôn có những khó khăn trắc trở, không ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Hôm nay thành công nhưng ngày mai đâu chắc sẽ hạnh phúc? Hôm nay thất bại đâu có nghĩa ngày mai là buồn đau? Có những khó khăn ta phải tự vượt qua, nhưng cũng có lúc cần đến sự sẻ chia tiếp thêm động lực. Vậy nên hãy dạy con đồng cảm, sẻ chia với những người khác.
Con bạn có thể còn quá nhỏ để hiểu, nhưng hãy cố giải thích tại sao chia sẻ lại quan trọng như vậy trong cuộc sống. Trong bất kỳ trường hợp nào có thể, như đi trên đường thấy người quét rác, người nhặt ve chai hay tài xế…hãy chia sẻ với con về công việc và sự vất vả của những khác. Đặc biệt bố mẹ phải là người làm gương cho bé. Chính hành vi, thái độ của bố mẹ là yếu tố quyết định phần lớn khả năng quan tâm, chia sẻ với trẻ. Chứng minh rằng có nhiều thứ cần phải chia sẻ hơn, không chỉ mỗi đồ ăn và đồ chơi. Mà có thể là quần áo, tiền bạc, thời gian.
Hãy để trẻ biết chia sẻ giúp ta có những người bạn, khiến ta trở thành những người nhân hậu, hào phóng và người khác cũng sẽ tốt lại với ta.
Hồng Văn
Video xem thêm: Những đóa sen tinh khôi mang thông điệp hòa bình và hy vọng