Đại Kỷ Nguyên

Thiền sư giảng: Dạy con giống như chăm hoa, phải biết cắt cành, nhổ gốc, trồng lại

Một tín đồ sau khi lễ Phật ở Phật điện xong, lững thững bước đến hoa viên tản bộ, vừa khéo gặp được vị tăng nhân đang sửa sang lại hoa cỏ trong khuôn viên.

Tín đồ để ý thấy vị tăng nhân cầm kéo trên tay, lúc lên lúc xuống, tỉa bớt cành lá; hoặc nhổ cả gốc hoa trồng sang một cái chậu khác; hoặc là với một số cây đã khô héo, ông tưới nước bón phân, dành sự chăm sóc đặc biệt cho chúng.

Vị tín đồ không hiểu bèn hỏi: “Thiền sư làm vườn, ngài chăm sóc hoa cỏ, cớ sao lại tỉa bỏ những cành tốt đi, còn những cành khô lại tưới nước bón phân? Hơn nữa lại nhổ cây từ một chậu này lại trồng sang một chậu khác? Còn chỗ đất không có cây cối, hà tất phải cuốc đi cuốc lại? Làm vậy có phải phiền phức quá không?”.

(Ảnh minh họa: suggest-keywords.com)

Vị thiền sư làm vườn nói: “Chăm sóc hoa cỏ cũng giống như dạy dỗ con em của cậu vậy, con người cần dạy dỗ thế nào, thì hoa cỏ cũng cần chăm sóc như thế ấy”.

Vị tín đồ nghe xong, không đồng ý nói: “Hoa cỏ cây cối sao có thể so sánh với con người được đây?”.

Vị thiền sư làm vườn nói rằng: “Chăm sóc hoa cỏ, trước hết, đối với những cây hoa nhìn thì thấy giống như cành lá sum suê, nhưng lại sinh trưởng tạp loạn, không đúng quy cách, thì nhất định cần phải cắt bỏ những cánh lá tạp loạn đó, tránh cho chúng lãng phí chất dinh dưỡng, sau này mới có thể sinh trưởng tốt được. Chính là giống như chúng ta thu lại bản tính cao ngạo khi còn trẻ, loại trừ đi những thói xấu, đặt nó vào quỹ đạo ngay chính.

Thứ hai, nhổ cả cây lẫn gốc lên trồng vào trong một cái chậu khác, mục đích là để cây cối rời khỏi chỗ đất cằn cỗi, tiếp xúc vùng đất màu mỡ. Cũng giống như giúp người trẻ tuổi rời khỏi môi trường không tốt, đến một nơi khác tiếp xúc với thầy tốt bạn hiền, thu được học vấn cao hơn.

Thứ ba, đặc biệt tưới nước cho những cây khô héo, thật ra là bởi những cây đã khô héo đó, nhìn vào thì giống như đã chết, nhưng bên trong lại ẩn chứa sức sống vô hạn. Chớ nên cho rằng con em không tốt thì chúng đều đã không còn thuốc cứu chữa nữa, từ đó mà nản lòng buông bỏ họ. Cần phải biết rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, chỉ cần hết lòng yêu thương che chở, chăm sóc đúng cách, cuối cùng có thể khiến nó hồi sinh trạng thái lành mạnh tốt đẹp.

Thứ tư, cày xới đất đai, thực chất là bởi trong đất càng có những hạt giống đang chờ được nảy mầm. Chính là như những học sinh nghèo khó nhưng có ý chí vươn lên, nếu ta dang rộng vòng tay giúp đỡ thì sẽ khiến họ có cơ hội mới trưởng thành khỏe mạnh!”.

Vị tín đồ này sau khi nghe xong vô cùng cảm phục: “Thiền sư làm vườn, cảm ơn ngài đã cho tôi một khóa học về đạo bồi dưỡng nhân tài!”.

Theo Xinsheng.net
Thiện Sinh biên dịch

Exit mobile version